1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hoãn phiên xử phúc thẩm vụ cháy quán karaoke làm 13 người tử vong

(Dân trí) - Ngày 8/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong. Tuy nhiên, sau phần khai mạc, chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa.

Theo đó chủ tọa phiên tòa, lý do phiên xét xử phúc thẩm này phải trì hoãn là bị cáo Nguyễn Diệu Linh (chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông) vắng mặt và một luật sư bào chữa trong vụ án cũng có đơn xin hoãn tòa. HĐXX phúc thẩm chưa ấn định thời gian mở lại phiên tòa này.

Bị cáo Tuấn và Thì tại phiên xử phúc thẩm.
Bị cáo Tuấn và Thì tại phiên xử phúc thẩm.

Trước đó, trong 2 ngày 26 và 27/3/2018, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án trên. Theo án sơ thẩm, căn cứ vào hồ sơ vụ án, các lời khai và tranh luận tại phiên tòa có đủ cơ sở xác định bị cáo Nguyễn Diệu Linh là chủ quán Karaoke 68 phố Trần Thái Tông. Bị cáo nhận thức rõ quán karaoke thuộc danh mục công trình nguy hiểm về cháy nổ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công lắp đặt, sửa chữa thiết bị quán karaoke, bị cáo đã không kiểm tra, giám sát.

Ngày 1/11/2016, trong khi quán chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bị cáo vẫn chỉ đạo nhân viên cho 2 tốp khách vào hát karaoke. Bị cáo là người giữ vai trò lớn nhất trong vụ án.

Đối với bị cáo Hoàng Văn Tuấn, người trực tiếp gây ra hỏa hoạn khi dùng máy hàn xì thổi lửa nhằm tách bản lề cửa ra vào trên tầng 2 của quán karaoke 68, bị cáo không nắm được các quy tắc về an toàn lao động và không có chứng chỉ hành nghề.

Đối với Lê Thị Thì, HĐXX nhận định, bị cáo là người sử dụng lao động. Bị cáo nhận thức rõ hàn xì rất dễ gây ra cháy nổ nhưng đã không có có biện pháp bảo đảm an toàn khi cho người lao động của mình đến thi công tại quán karaoke 68.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm cuối tháng 3/2018.
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm cuối tháng 3/2018.

HĐXX sơ thẩm khẳng định, hành của các bị cáo là rất nguy hiểm đối với xã hội, gây đau thương, tang tóc cho gia đình các nạn nhân, gây dư luận xấu trong xã hội. Do đó, cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật và cần thiết phải áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo.

Từ đó, HĐXX sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Cùng tội danh trên, Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì đều bị áp dụng mức án 7 năm tù.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm buộc 3 bị cáo phải liên đới bồi thường về mặt dân sự cho các bị hại.

Sau bản án sơ thẩm, cả 3 bị cáo trong vụ án đều lần lượt có đơn kháng cáo, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại các quyết định tại bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm bồi thường thiệt hại về dân sự. Ngược lại, một số gia đình bị hại lại đề nghị xem xét xem có bỏ lọt tội phạm hay không.

Tiến Nguyên