1. Dòng sự kiện:
  2. Gia đình 4 người bị truy sát

Hoãn phiên xử cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk

Trương Nguyễn

(Dân trí) - Ngày 18/6, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Quang Trí, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, cùng 4 đồng phạm.

Tại phiên xét xử, cả 5 bị cáo Trịnh Quang Trí (53 tuổi), Trần Thị Nguyên Hằng (44 tuổi, nhân viên khoa Xét nghiệm CDC Đắk Lắk), Trần Thanh Mỹ (52 tuổi, cựu Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán CDC Đắk Lắk), Đặng Minh Tuyết (49 tuổi, cựu Phó khoa Xét nghiệm CDC Đắk Lắk) và Đinh Lê Lê Na (34 tuổi, nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á tại Đắk Lắk và Tây Nguyên) đều có mặt.

Tuy nhiên do một số đương sự có liên quan vụ án và nhiều luật sư bào chữa vắng mặt, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa và ấn định mở lại phiên tòa vào ngày 11/7 tới.

Hoãn phiên xử cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk  - 1

Phiên tòa sơ thẩm vụ án tại CDC Đắk Lắk tạm hoãn (Ảnh: Trương Nguyễn).

Theo cáo trạng, triển khai kế hoạch thực hiện xét nghiệm sàng lọc SAR-CoV-2 phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020-2022, ông Trí đã chỉ đạo bà Tuyết, bà Hằng liên lạc, trao đổi với Đinh Lê Lê Na để tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm và hợp thức hóa thủ tục thanh toán.

Sau đó, Hằng và Tuyết đã soạn thảo các công văn mượn hàng gửi các công ty: Công ty TNHH An Việt, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế, Công ty Việt Á và được lãnh đạo CDC ký.

Tại đây, CDC Đắk Lắk cam kết hoàn thiện hợp đồng và các thủ tục cần thiết để thanh toán tiền, giá thanh toán theo giá tại thời điểm mượn hàng.

Để thanh toán một phần hàng hóa đã tạm ứng, theo chỉ đạo của Trí, các khoa, phòng CDC Đắk Lắk đã hoàn thiện, hợp thức hồ sơ để thanh toán cho các Công ty TNHH An Việt, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế, Công ty Việt Á bằng hình thức đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu rút gọn.

Để bảo vệ được đơn giá theo yêu cầu của các công ty nói trên, Na liên hệ hoặc chỉ đạo nhân viên liên hệ các công ty này lấy 3 bảng báo giá (đều do nhân viên công ty soạn thảo, trong đó báo giá của công ty cho mượn hàng theo từng gói thầu đưa ra là giá thấp nhất).

CDC Đắk Lắk đã sử dụng 3 bảng báo giá nói trên đưa vào hồ sơ chỉ định thầu hoặc để công ty thẩm định giá căn cứ thẩm định giá đối với gói thầu.

Ông Mỹ, bà Anh đã thông qua giới thiệu của Na hoặc tự liên hệ với các công ty thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá đối với các gói thầu của CDC Đắk Lắk.

Căn cứ vào các chứng thư thẩm định giá này, CDC Đắk Lắk đã hợp thức thủ tục đấu thầu, ký kết hợp đồng mua hàng, thanh lý hợp đồng, không tổ chức thương thảo hợp đồng, thanh toán tiền cho các công ty theo giá mượn hàng.

Với cách thức trên, các cá nhân có trách nhiệm liên quan thuộc CDC Đắk Lắk đã lập, ký duyệt, hợp thức hóa hồ sơ 6 gói thầu vào 6 đợt trong năm 2020-2021. Trong đó, có 4 gói thầu đã thanh toán và 2 gói thầu chưa ký kết hợp đồng và chưa thanh toán.

Với những vi phạm quy định về đấu thầu của Trí và đồng phạm đã gây hậu quả nghiệm trọng, thiệt hại hơn 6,8 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty Việt Á có chính sách chi chiết khấu cho khách hàng khi mua hàng. Tổng số tiền chiết khấu trong 4 gói thầu chuyển vào tài khoản của Lê Na là hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, Lê Na khai đã chi tiền chiết khấu cho Trịnh Quang Trí nhưng qua điều tra ông Trí không thừa nhận việc đã nhận số tiền từ Lê Na.

Qua các tài liệu, có căn cứ xác định Trịnh Quang Trí đã nhận số tiền hơn 210 triệu đồng từ Đinh Lê Lê Na, Trần Thị Nguyên Hằng hưởng lợi hơn 900 triệu đồng, Trần Thanh Mỹ hưởng lợi hơn 170 triệu đồng, Đặng Minh Tuyết cũng được hưởng lợi trên 60 triệu đồng.