"Hiến kế" xây dựng xã biên giới sạch về ma túy
(Dân trí) - Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy tại các xã biên giới giáp Lào, trong đó, một số giải pháp được đánh giá là có tính đột phá.
Sáng 13/12, tại thành phố Vinh, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An, tổ chức Hội thảo khoa học "Lý luận và thực tiễn xây dựng xã biên giới giáp Lào sạch về ma túy".
Đại tá Trần Quang Huyên, Phó giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân và Đại tá Nguyễn Duy Thanh, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo Công an các tỉnh có chung biên giới với nước bạn Lào, gồm: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Sơn La.
3 năm bắt giữ gần 20.000 đối tượng liên quan đến ma túy
Khu vực biên giới Việt Nam - Lào trải dài hơn 2.300km qua 10 tỉnh Việt Nam và tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào. Đặc điểm địa hình núi cao, hiểm trở khiến khu vực biên giới trở thành "điểm nóng" của hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy.
Từ tháng 7/2021 đến tháng 6 năm nay, tại tuyến biên giới này, lực lượng chức năng phát hiện hơn 14.000 vụ, bắt giữ gần 20.000 đối tượng, thu giữ hơn 1,9 tấn ma túy các loại, gần 3,1 triệu viên ma túy tổng hợp và nhiều vật chứng khác.
Theo đánh giá của ngành công an, tội phạm ma túy trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào ngày càng manh động, tinh vi.
Tội phạm ma túy thường xuyên tổ chức thành nhóm khép kín, sử dụng vũ khí nóng, quyết liệt chống trả khi bị phát hiện. Sự liên kết giữa các đối tượng trong nước và người Lào để tập kết, vận chuyển ma túy qua biên giới đã tạo ra thách thức lớn đối với lực lượng chức năng.
Nhằm tạo lập lá chắn phòng ngừa tội phạm từ tuyến biên giới, năm 2022, Bộ Công an triển khai Đề án "Xã biên giới sạch về ma túy". Nghệ An là tỉnh đầu tiên triển khai thí điểm đề án này và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Chỉ sau 1 năm triển khai đề án, đã có 27/27 xã biên giới hoàn thành các tiêu chí "Xã biên giới sạch về ma túy". Từ kết quả này, Công an tỉnh Nghệ An đã nhân rộng mô hình ra các xã nội địa và các huyện. Tính đến nay, toàn tỉnh có 284 xã và 7 huyện được công nhận đạt tiêu chí "sạch về ma túy".
Thành công của Nghệ An trở thành mô hình điểm để nhân rộng ra 9 tỉnh biên giới khác.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 70 bài viết và 10 tham luận báo cáo trực tiếp tại Hội thảo.
Các tham luận đã tập trung vào việc đánh giá thực trạng và nguyên nhân phức tạp của tội phạm ma túy tại biên giới; những khó khăn trong xây dựng xã biên giới sạch ma túy; vai trò và trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc đảm bảo an ninh khu vực biên giới; dự báo tình hình tội phạm ma túy trong thời gian tới...
Cuộc chiến chống ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các khó khăn này đến từ đặc thù về vị trí địa lý, địa hình; phương thức hoạt động ngày càng tinh vi của tội phạm và nhận thức người dân khu vực biên giới còn hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí tại các xã biên giới còn thiếu thốn, khiến công tác đấu tranh phòng, chống ma túy gặp nhiều khó khăn.
Qua tham luận trình bày tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy, từ cơ chế chính sách đến thực tiễn triển khai, trong đó, một số giải pháp được đánh giá là có tính đột phá.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cao trong việc đánh giá vai trò then chốt trong tiếp tục thực hiện thắng lợi đề án xã biên giới sạch về ma túy là sự phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo Đại tá Trần Quang Huyên, Phó giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã biên giới giáp Lào sạch về ma túy, các cơ quan, đơn vị và sở, ngành liên quan cần tiếp tục tham mưu với các Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để huy động cả hệ thống chính trị tham gia.
Bên cạnh đó, các địa phương có chung đường biên giới với nước bạn Lào cần xác định lộ trình cụ thể, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy với quan điểm 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm".
Trong thời gian tới, các ngành liên quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa từ gốc, triệt phá các đường dây lớn và hỗ trợ người dân thoát khỏi vòng xoáy của ma túy, qua đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới, tạo điều kiện phát triển bền vững cho các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào.