Hai cựu Thiếu tướng Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển bị đề nghị 15-17 năm tù
(Dân trí) - Hai cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh bị Viện Kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng đề nghị mức án 15-17 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Sáng 14/7, tại trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án "Buôn lậu", "Nhận hối lộ", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" và "Không tố giác tội phạm" tiếp tục phần thẩm vấn.
Đây là vụ án có liên quan đến đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, do Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh - cầm đầu.
Sau khoảng một tiếng thẩm vấn, trước khi chuyển sang phần tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) quân sự Bộ đội Biên phòng đã đọc bản luận tội đối với các bị cáo.
Theo đó, cựu Đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, thông qua công việc đã quen biết và đã góp vốn 5 tỷ đồng để cùng Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ở TPHCM), Phạm Hùng Cường (56 tuổi, ở TP Hải Phòng) và Trọng "dầu" (chưa rõ nhân thân lai lịch) tổ chức buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, giá trị gần 2.800 tỷ đồng.
Thông qua hoạt động buôn lậu từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, Phùng Danh Thoại đã thu lợi tổng số tiền là 22,3 tỷ đồng.
VKS nhấn mạnh, hành vi trên của Phùng Danh Thoại đã đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại điểm a, b khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm với các đối tượng Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường.
Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, điều tra, chuyển VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố đối với các bị can Hữu, Viễn, Cường. Phùng Danh Thoại là quân nhân phạm tội nên thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng trong quân đội.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh - cựu Đại tá, cựu Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cựu Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, bị xét xử với 2 tội danh "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
VKS cáo buộc, với chức vụ trên, Nguyễn Thế Anh đều có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng.
"Vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Nguyễn Thế Anh đã đồng ý bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu và đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020 với số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD", đại diện VKS trình bày trong bản luận tội.
Sau khi hành vi buôn lậu của Phan Thanh Hữu và các đồng phạm bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, bắt giữ. Để che giấu hành vi nhận hối lộ của mình, Nguyễn Thế Anh hướng dẫn, đưa tiền cho Nguyễn Văn An (em họ của An) đi trốn và thông qua các mối quan hệ cá nhân để tổ chức cho Nguyễn Văn An trốn sang Lào trái phép, đủ yếu tố cấu thành tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Hành vi lợi dụng vị trí, chức vụ công tác của mình hứa hẹn, giúp đỡ, nhận tiền từ Phan Thanh Hữu của Nguyễn Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An đã cấu thành tội "Nhận hối lộ" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự với vai trò chủ mưu, chịu trách nhiệm chính trong vụ án của mình.
Đề nghị mức án với 2 cựu Thiếu tướng Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển
Bị cáo Lê Văn Minh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 4, có nhiệm vụ quản lý, bảo đảm trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trong thực thi pháp luật trên biển từ bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.
Vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2021, Lê Văn Minh đã trực tiếp nhận và thông qua vợ, con nhận của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu trên biển và từ biển vào nội địa không bị bắt giữ, xử lý.
Hành vi của Lê Văn Minh đã đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Bị cáo Lê Xuân Thanh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 4, có chức năng quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ Bắc của Định An tỉnh Trà Vinh; có chức năng bảo đảm trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trong thực thi pháp luật trên biển.
Tuy nhiên, khi được Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ, Lê Xuân Thanh biết Hữu có các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng qua các vùng biển nhưng vì động cơ vụ lợi đã đồng ý giúp đỡ Hữu và để vợ nhận của Phan Thanh Hữu số tiền 1,8 tỷ đồng, tạo điều kiện cho Hữu thực hiện việc vận chuyển xăng lậu trên biển trong thời gian dài, tần suất nhiều chuyến/tháng không bị bắt giữ, xử lý.
Hành vi của Lê Xuân Thanh đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự.
Đại diện VKS đánh giá, đây là vụ án "Buôn lậu", "Nhận hối lộ", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" và "Không tố giác tội phạm", xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021 tại một số đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
VKS quân sự Bộ đội Biên phòng khẳng định, 14 bị cáo bị truy tố như cáo trạng là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Phùng Danh Thoại phạm tội "Buôn lậu", phạt tù 7-9 năm tù;
Bị cáo Nguyễn Thế Anh chung thân về tội "Nhận hối lộ", 1-2 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép"; tổng hình phạt là chung thân.
Bị cáo Lê Văn Minh 15-17 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt;
Bị cáo Lê Văn Thanh 15 tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhiệm chức vụ từ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt;
Bị cáo Nguyễn Văn An (em họ bị cáo Nguyễn Thế Anh) - bị đề nghị 17-18 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Bị cáo Nguyễn Văn Hùng - cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh - bị đề nghị 17 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Bị cáo Phan Thị Xuân (vợ bị can Lê Xuân Thanh) - bị đề nghị 24-36 tháng tù treo về tội "Nhận hối lộ".
Bị cáo Nguyễn Thanh Lâm - cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng - bị đề nghị 10-12 năm tù tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Bị cáo Phạm Văn Trên - cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh - bị đề nghị 9-11 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Bị cáo Sơn Hoàng Ngự - cựu Thượng úy, cựu nhân viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh - bị đề nghị về 4-5 năm tù tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 1-3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Bị cáo Lưu Thế Đức - cựu Thiếu tá, cựu Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - bị đề nghị 4-5 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 1- 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Bị cáo Lê Văn Phương, cựu Thượng tá, cựu Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh - bị đề nghị 3-4 năm về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 1- 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Bị cáo Phạm Hồ Hải - cựu Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh - bị đề nghị 7-8 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 1- 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
Bị cáo Cao Phước Hoài (lao động tự do) bị đề nghị 6-8 năm tù về tội "Không tố giác tội phạm".