1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Thanh tra dự án trường quay Cổ Loa:

Giám đốc trường quay chỉ định thầu công ty của… vợ

(Dân trí) – Thanh tra dự án Phục hồi, nâng cấp, cải tạo Trường quay Cổ Loa (Bộ VH-TT&DL), cơ quan chức năng phát hiện Giám đốc BQLDA kiêm Phó GĐ trường quay mời công ty của vợ tham gia “tư vấn đấu thầu” cho nhiều gói thầu lớn thuộc dự án. Nhiều sai phạm được chỉ rõ.

Chỉ định thầu với công ty của vợ + cháu ruột

Năm 2008, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (VH-TT& DL) phê duyệt Dự án phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa (giai đoạn 1) tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội với tổng kinh phí hơn 106 tỷ đồng. Từ tháng 10/2008, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc trường quay, đảm nhiệm thêm chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) này. Ngay sau đó, ông Hòa đã ký văn bản “mời” Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư Xây dựng ACA (Cty ACA) “tham gia tư vấn đấu thầu các gói thầu công trình thuộc dự án Phục hồi, nâng cấp, cải tạo TQCL”.

Cũng chính ông Hòa-đại diện cho trường quay đã ký thương thảo hợp đồng với Cty ACA để hoàn thiện các nội dung hợp đồng. Một ngày sau, Công ty này được “chỉ định”  thực hiện gói thầu “tư vấn đấu thầu”, làm các việc lập Hồ sơ mời thầu, phân tích, đánh giá Hồ sơ dự thầu một số gói thầu lớn như gói Xây lắp nhà công vụ số 1, số 2; Xây lắp Trường quay nội và nhà hòa âm; Hệ thống trang âm nội thất trường quay nội và nhà hòa âm; hệ thống điều hòa trung tâm trường quay nội và nhà hòa âm… Tổng giá trị các gói thầu mà Cty ACA tư vấn đấu thầu lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Nhà bối cảnh để quay phim Trần Thủ Độ không được bảo quản, xuống cấp, hư hỏng trầm trọng.
Nhà bối cảnh để quay phim Trần Thủ Độ không được bảo quản, xuống cấp, hư hỏng trầm trọng.

Năm 2011, khi Cty ACA đã hoàn tất công việc “tư vấn” của mình, Thanh tra Bộ VHTT&DL mới làm rõ, trong Công ty này, vợ ông Hòa (bà Đặng Linh Chi) là thành viên góp vốn số 1 với 50% số vốn điều lệ. Thành viên góp vốn còn lại là ông Lê Quang Huy (cháu gọi ông Hòa bằng cậu ruột).

Với việc làm này, Thanh tra Bộ VHTT&DL xác định ông Hòa “vi phạm Điều 20 của Pháp lệnh Cán bộ công chức năm 2003”. Cơ quan chức năng chỉ yêu cầu ông Hòa “rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về đấu thầu, việc “sắp đặt” để Cty của vợ tham gia gói thầu do mình là Giám đốc Ban QLDA của ông Hòa rõ ràng có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu, luật Phòng chống tham nhũng.  

Cụ thể, theo khoản 10, Điều 12 luật Đấu thầu có quy định hành vi cấm “sắp đặt để cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột tham gia các gói thầu mà bên mình làm bên mời thầu hoặc là thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tổ chuyên gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc là người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu”.  

Khoản 5, Điều 37 luật Phòng chống tham nhũng cũng nêu rõ “cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh, chị em ruột, cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình…”.

Thực tế thanh tra Bộ đã phát hiện những gói thầu do Cty ACA “tư vấn đấu thầu” đã xảy ra  nhiều sai phạm, gây thiệt hại, thất thoát  không ít cho dự án.

Đơn cử như việc thực hiện gói thầu “xây dựng và cải tạo nhà công vụ số 1, số 2” có tình trạng “thiết kế một đằng, thi công một nẻo”.Việc thay đổi  nhiều trong thiết kế và điều chỉnh nhân công và máy móc khiến chi phí gia tăng hàng tỷ đồng.

Đáng chú ý nữa là việc nhà thầu duyệt cho “trúng thầu” thi công nhà công vụ với gần 6 tấn thép/1 nhà, nhưng thực tế thi công theo thiết kế chỉ gần 2,5 tấn thép/1 nhà (dự toán sai 3,5 tấn). Theo thiết kế thì vì kèo mái nhà nặng hơn 16,5 tấn/1 nhà, nhưng các bên lại “thống nhất” thi công bằng loại thép nhỏ hơn khiến “dư thừa” hơn 4 tấn thép/nhà.

Gói thầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng “tính toán nhầm” vì khối lượng bê tông áp-phan theo thiết kế là 4100m2 nhưng thực tế thi công chỉ có 3900m2.

Thanh tra Bộ  cũng phát hiện 30 bồn tắm được lắp đặt tại nhà công vụ có kích thước nhỏ hơn so với bản vẽ hoàn công; chất lượng cửa nhựa của nhà công vụ được trường quay Cổ Loa và đơn vị thi công, đơn vị Tư vấn giám sát “thống nhất” thay đổi nguồn gốc hàng hóa sai so với hồ sơ thầu….

Lãnh đạo đi nước ngoài thanh toán bằng tiền gói thầu… đào tạo
Trường quay trong cảnh hoang tàn, nhiều công trình xập xệ.
Trường quay trong cảnh hoang tàn, nhiều công trình xập xệ.

Ngoài những kiểu sai như “tính toán nhầm”, “thi công không đúng thiết kế” hoặc “dự toán sai” thì trong một số gói thầu  lớn của Dự án còn có dấu hiệu sai phạm khác.

Cụ thể như trong gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị chiếu sáng Trường quay nội (có giá trị hơn 30 tỷ đồng) tại Hồ sơ mời thầu đưa ra yêu cầu hàng hóa có xuất xứ và được sản xuất tại Châu Âu và các nước G7. Tuy nhiên thực tế, trong hợp đồng, với đơn vị thắng thầu là Công ty Cổ phần điện ảnh Truyền hình, vẫn có thiết bị được sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc, Châu Á.

Hồ sơ mời thầu cũng quy định về trường hợp kéo dài thời gian thực hiện vì lý do bất khả kháng, bên mời thầu, bên nhận thầu phải báo cáo kịp thời lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhưng trong gói thầu này, thời gian thực hiện ghi trong hợp đồng chỉ là 178 ngày, nhà thầu vi phạm tiến độ nghiêm trọng nên hết thời hạn 178 ngày, trường quay đã tự ý thỏa thuận điều chỉnh với nhà thầu, cho kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng thêm 225 ngày nữa. Như vậy, thời gian gia hạn còn lớn hơn cả thời gian thực hiện ghi trong hợp đồng. Nhà thầu khi đó, dù vi phạm nghiêm trọng về tiến độ nhưng không hề bị phạt hợp đồng theo quy định của Nhà nước về quản lý hợp đồng xây dựng.

Ngoài ra, hợp đồng này có gói thầu thực hiện việc đào tạo, chuyển giao công nghệ với hai khóa đào tạo trong nước (trị giá 130 triệu đồng) và đào tạo ngoài nước ( trị giá 350 triệu đồng). Trường quay sau đó có tổ chức một khóa học đào tạo cho kỹ thuật viên nhưng lấy từ tiền ngân sách. Còn khóa đào tạo nước ngoài không có nội dung, chương trình mà chỉ có việc hai lãnh đạo cao nhất của trường quay đi Đức nhưng vẫn thực hiện thanh quyết toán vào gói thầu.

Gói thầu xây dựng hệ thống trang âm trường quay nội, trị giá hơn 3,8 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu là Công ty phát triển công nghệ và truyền hình (Tekcast), quá trình thực hiện cũng có dấu hiệu sai phạm. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Hợp đồng thầu phụ thì nhà thầu chính hoặc tổng thầu không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện. Quy định này nhằm ngăn ngừa tình trạng bán thầu. Nhưng thực tế ở trường quay Cổ Loa, sau khi thắng thầu, Công ty Tekcast đã ký hợp đồng thầu phụ và giao lại toàn bộ công việc cho Công ty Cổ phần Landco thực hiện…

P.Thảo