1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Giám đốc Agribank Mạc Thị Bưởi gây thiệt hại 100 tỉ đồng

(Dân trí) - Biết doanh nghiệp vay vốn sai mục đích nhưng dàn lãnh đạo Agribank Mạc Thị Bưởi vẫn ký cho vay, gây thất thoát gần 100 tỉ đồng.

Ngày 22/5, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Mạc Thị Bưởi (viết tắt là Agribank Mạc Thị Bưởi- nay là chi nhánh Trung tâm Sài Gòn).

Giám đốc Agribank Mạc Thị Bưởi gây thiệt hại 100 tỉ đồng - 1
Bị cáo Phạm Thị Mai Toan.

Trong vụ án này, các bị cáo là Phạm Thị Mai Toan (nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm giám đốc), Phí Thị Ong (nguyên phó giám đốc), Đỗ Thị Yến (nguyên phó giám đốc) và 3 cán bộ Agribank Mạc Thị Bưởi bị đưa ra xét xử về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng vụ án, bị cáo Phạm Văn Chính (giám đốc công ty Á Châu); Hoàng Văn Cường (giám đốc công ty A.D.N); Đỗ Minh Quang (thành viên góp vốn công ty A.D.N) bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra xác định, do cần tiền trả nợ, Hoàng Tiến Dzũng thành lập nhiều công ty sau đó dùng pháp nhân làm hồ sơ khống vay tiền ngân hàng. Dzũng thành lập Công ty Á Châu nhưng thuê Phạm Văn Chính làm giám đốc. Ông ta sau đó đề nghị bà Toan cho Công ty Á Châu vay.

Khoảng tháng 10/2009, Dzũng vẽ ra dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu ở quận 9, chỉ đạo Chính ký hồ sơ khống, vay Agribank Mạc Thị Bưởi 90 tỉ đồng. Dzũng hứa với Toan khi nào có tiền sẽ thực hiện dự án.

Thời điểm vay vốn, Công ty Á Châu chưa được cấp phép thực hiện dự án nhưng Giám đốc Toan vẫn chỉ đạo nhân viên làm thủ tục cho vay.

Quá trình làm thủ tục, các cán bộ ngân hàng đã bỏ qua khâu thẩm định, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, báo cáo dự án "có tính khả thi cao" và đề xuất cho công ty này vay vốn. Trên thực tế, tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay trên thiếu hơn 14.000 m2 đất. Các bị cáo không ký hợp đồng thế chấp cũng như đăng ký thế chấp đối với tài sản thế chấp.

Sau khi cấn trừ các tài sản thế chấp, Công ty Á Châu không còn khả năng thanh toán cho Agribank Mạc Thị Bưởi hơn 21 tỉ đồng.

Giám đốc Agribank Mạc Thị Bưởi gây thiệt hại 100 tỉ đồng - 2
Dự kiến phiên tòa kéo dài 3 ngày.

Tương tự, cũng trong năm 2009, Dzũng thuê Hoàng Văn Cường làm giám đốc Công ty A.D.N và chỉ đạo lập hồ sơ vay Agribank Mạc Thị Bưởi 75 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, những tài sản này chưa được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho công ty của Dzũng, một số giấy chứng nhận khác là giả.

Cơ quan điều tra xác định, lãnh đạo và cán bộ Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi biết công ty của Dzũng sử dụng vốn không đúng mục đích, hoặc đã không thẩm định theo quy định... nhưng vẫn cho vay tiền, tạo điều kiện giúp Dzũng chiếm đoạt gần 100 tỉ đồng.

Hiện Hoàng Tiến Dzũng đang trốn lệnh truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý. Còn Chính (giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhiên liệu Á Châu) cùng hai đồng phạm bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại tòa, 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Agribank – chi nhánh Mạc Thị Bưởi thừa nhận hành vi phạm tội đối với khoản vay của công ty Á Châu. Tuy nhiên, các bị cáo tiếp tục bất nhất trước những chất vấn liên quan đến khoản vay 75 tỉ đồng của công ty A.D.N.

Bị cáo Phạm Thị Mai Toan khẳng định mình ủy quyền cho Phí Thị Ong thực hiện giao dịch đối với khoản vay trên và không hay biết tình trạng công ty A.D.N. Ngược lại, bị cáo Ong khai nhận mình làm theo chỉ đạo của cấp trên là bị cáo Toan. Đồng thời, bị cáo Ong thừa nhận dù biết rõ việc công ty A.D.N. sử dụng vốn vay sai mục đích nhưng vẫn bỏ qua.

Giống bị cáo Ong, bị cáo Đỗ Thị Yến (cựu phó giám đốc chi nhánh) cho biết mình làm theo chỉ đạo của bị cáo Toan.

Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 25/5.

Xuân Duy