1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án đầu độc người thân bằng Xyanua ở Đồng Nai
  3. Không để cướp giật lộng hành ở TPHCM

Giả giọng người đã chết để cưỡng đoạt tài sản

Xuân Duy

(Dân trí) - Bị cáo Bùi Công Hiếu chỉ đạo nhân viên giả giọng người đã chết để gây áp lực, uy hiếp tinh thần, buộc gia đình bị hại phải đưa số tiền hơn 60.000 USD.

Ngày 4/7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Công Hiếu (40 tuổi, Giám đốc Công ty Thu hồi nợ Thái Dương) về tội Cưỡng đoạt tài sản. Cùng bị xét xử về tội danh trên còn có các bị cáo: Nguyễn Trọng Lai (37 tuổi, quê Ninh Bình), Nguyễn Hoàng Minh (31 tuổi, quê Thái Bình), Vũ Ngọc Tú (41 tuổi, quê Hải Phòng), Lê Bá Hải Luân (47 tuổi, quê Thanh Hóa), Nguyễn Đình Toàn (29 tuổi, quê Hà Nội).

 Giả giọng người đã chết để cưỡng đoạt tài sản - 1

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Xuân Duy).

Theo hồ sơ, năm 1995, ông Nguyễn Hoàng Anh cùng vợ, con kinh doanh quán lẩu cá kèo tại phường 7, quận 3. Khi kinh doanh, ông Hoàng Anh quen biết bà Nguyễn Thanh Tâm. Bà Tâm khai có cho ông Hoàng Anh vay số tiền 106.450 USD và 200 triệu đồng.

Tháng 9/2017, ông Hoàng Anh có nói với gia đình việc ông còn nợ của bà Tâm hơn 1,2 tỷ đồng (tương đương 46.000 USD và 200 triệu đồng).

Một tháng sau, người này qua đời, bà Tâm đến nhà của ông Hoàng Anh gặp bà Dương Ngọc Hạnh (vợ của ông Hoàng Anh) để đòi lại tiền ông Hoàng Anh đã vay trước đó. Tuy nhiên, do ông Hoàng Anh nói với gia đình còn nợ bà Tâm số tiền 1,2 tỷ đồng, bà Hạnh chỉ đồng ý trả lại cho Tâm số tiền này.

Sau đó, bà Tâm đồng ý chốt lại số tiền trả nợ cuối cùng là 1,2 tỷ đồng, bà Hạnh trả và bà Tâm xác nhận đã nhận đủ.

Giữa năm 2020, do việc làm ăn khó khăn, bà Tâm nhớ lại khoản 60.450 USD mà ông Hoàng Anh còn nợ, nên làm giấy ủy quyền và ký hợp đồng thu hồi nợ với Công ty Thu hồi nợ Thái Dương để đòi lại số tiền trên.

Bà Tâm thỏa thuận sẽ chia 30% trên tổng số tiền đòi được cho công ty thu hồi nợ và đồng ý cách thức mà công ty đòi nợ thực hiện.

 Giả giọng người đã chết để cưỡng đoạt tài sản - 2

Các bị cáo đứng nghe VKS công bố cáo trạng. (Ảnh: Xuân Duy).

Sau khi ký hợp đồng, bà Tâm đi cùng Bùi Công Hiếu và một số nhân viên của Công ty Thái Dương đến gặp bà Hạnh tại quán lẩu cá kèo để đòi tiền. Tuy nhiên, gia đình bà Hạnh không đồng ý với lý do trước đó đã thanh toán toàn bộ số nợ cho Tâm.

Sau đó, Bùi Công Hiếu đã nhiều lần chỉ đạo cho nhân viên của công ty đến quán lẩu cá kèo khóa trái cửa, tạt sơn, gọi điện thoại cho con ông Hoàng Anh và bà Hạnh, giả giọng ông Hoàng Anh (đã chết) nhằm gây áp lực, uy hiếp tinh thần buộc gia đình bà Hạnh phải đưa số tiền 60.450 USD cho Tâm.

Đến tháng 9/2020, Công an TPHCM bắt giữ nhóm của Hiếu. Riêng Nguyễn Đình Toàn bị bắt vào đầu năm 2023 theo quyết định truy nã. Còn bà Tâm, do đã bỏ trốn khỏi địa phương nên tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định truy nã.

Ngoài ra, quá trình khám xét nơi ở của Hiếu tại một khách sạn trên địa bàn quận 1, công an thu giữ tổng cộng hơn 3,5 gram ma túy các loại.

Về số ma túy trên, Hiếu khai do một đối tượng tên Khanh (chưa rõ lai lịch) mang đến cho Hiếu sử dụng. Thời điểm khám xét, Khanh không có mặt nên cơ quan điều tra đã tách vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy để xử lý riêng.

Tại tòa, bị cáo Hiếu thừa nhận có ký hợp đồng với bà Tâm và chỉ đạo đồng phạm đi đòi nợ. Tuy nhiên, người đàn ông này nói về nhận thức chỉ thực hiện theo thỏa thuận dân sự chứ không có mục đích cưỡng đoạt tài sản.

Các bị cáo còn lại trong vụ án thừa nhận hành vi phạm tội và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì chưa được hưởng lợi, có nhân thân tốt.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy hồ sơ vụ án có nhiều vấn đề về nhân thân của bị cáo Hiếu chưa được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung.