1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 4,7 tỷ để khắc phục hậu quả

Thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội cho hay, gia đình bị cáo Dương Chí Dũng đã nộp tại cơ quan này 4,7 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả trong vụ “đại án” tại Vinalines. Trong khi đó, gia đình bị cáo Mai Văn Phúc cũng đã nộp được 3,5 tỷ đồng.

Bị cáo Dương Chí Dũng (trước) và Mai Văn Phúc (ngồi sau)

Bị cáo Dương Chí Dũng (trước) và Mai Văn Phúc (ngồi sau)

Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết thì 2 khoản tiền trên vẫn chưa thể xác định rõ là “khắc phục hậu quả” cho hành vi nào, “tham ô” hay “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với tội danh “Tham ô”, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người chỉ bị tuyên phải bồi thường 10 tỷ đồng, nhưng trong tội “Cố ý làm trái”, số tiền mỗi bị cáo phải bồi thường là 100 tỷ đồng.

Vẫn tiếp tục kêu oan?

Mặc dù bị Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình nhưng tại đơn kháng cáo của mình thì cả bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều kháng cáo kêu oan về tội “Tham ô”. Trước đó, trong phần xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng luôn khẳng định mình không tham ô, không nhận tiền từ bị cáo Trần Hải Sơn và "đến chết trong tù bị cáo cũng không bao giờ nhận tội này”.

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo này vẫn chối tội và nói: “Về tội tham ô tài sản thì bị cáo hoàn toàn không biết khoản tiền 1,666 triệu USD và không chỉ đạo ai làm việc này. Thực tình là không nhận đồng nào anh Sơn đưa cho. Đây là việc oan cho bị cáo. Mong HĐXX hết sức xem xét kỹ lưỡng cho bị cáo”.

Bị coi là đồng phạm với bị cáo Dũng về tội “Tham ô”, bị cáo Mai Văn Phúc đã bật khóc trước tòa và nói: “Bị cáo chỉ một lần được gặp ông Goh (Giám đốc Cty AP, bên bán ụ nổi 83M cho Vinalines) và không có bàn bạc gì. Quá trình từ khi triển khai dự án đến khi kết thúc dự án, bị cáo hoàn toàn không một lần nào khác gặp ông Goh và cũng không nhớ mặt… Bị cáo mới vừa về công ty được hai tháng trời đã phải ký trình rất nhiều, để dẫn tới ngày hôm nay bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa. Bị cáo cảm thấy thực lòng rất oan uổng cho bị cáo. Mong Tòa xem xét ai là người nhận số tiền đó. Nếu đã rõ ràng thì Tòa có buộc tội bị cáo nặng hơn gấp 10 lần, bị cáo cũng chấp nhận…”.

Sẽ có tình huống gay cấn ở phiên tòa phúc thẩm

Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều bị Tòa sơ thẩm tuyên phải bồi thường, khắc phục hậu quả mỗi người 110 tỷ đồng cho hai tội “Tham ô” và “Cố ý làm trái”. Để đảm bảo thi hành án về dân sự thì Tòa cấp sơ thẩm cũng đã quyết định tiếp tục tạm giữ 3.900 USD mà cơ quan điều tra thu được khi bắt giữ bị cáo Dũng; tiếp tục kê biên ba căn nhà của bị cáo Dũng và một căn nhà của bị cáo Phúc. Như vậy, tính đến thời điểm kết thúc phiên tòa sơ thẩm thì cả bị cáo Dũng và Phúc đều chưa tự nguyên thực hiện bồi thường, khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, với việc gia đình bị cáo Dũng và Phúc nộp tiền sau phiên tòa sơ thẩm như trên thì hiện cũng chưa thể xác định rõ đây là khoản tiền khắc phục cho hành vi phạm tội “Tham ô” hay “Cố ý làm trái”? Một số luật sư cho rằng, để làm rõ nội dung trên thì tại phiên tòa phúc thẩm tới đây, cần hỏi bị cáo Dũng và Phúc để xem ý kiến chính thức của họ đối với khoản tiền mà gia đình bị cáo đã nộp. Nếu hai bị cáo này cho rằng đây là khoản tiền khắc phục hậu quả cho hành vi “Tham ô” thì tất nhiên họ phải nhận tội, vì phải có việc tham ô mới có chuyện nộp lại tiền.

Theo đánh giá của một luật sư, đây được coi là một tình huống khá hy hữu trong tố tụng và đẩy các bị cáo vào “thế khó”: tiếp tục chối tội “Tham ô” hay nhận tội và thực hiện khắc phục hậu quả để có nhiều tình tiết giảm nhẹ, với hy vọng mong manh là được thoát án tử hình theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC?

Theo Hữu Tuấn
Pháp luật Việt Nam