Dương Chí Dũng không biết ai đứng ra thoả thuận ăn chia 1,6 triệu USD?
(Dân trí) - Phản bác cáo buộc tham ô 28 tỷ đồng, Dương Chí Dũng yêu cầu làm rõ người nào ở Vinalines đứng ra thỏa thuận hợp đồng với công ty AP về việc chuyển 1,666 triệu USD về Việt Nam. Dũng cũng yêu cầu được đối chất với “cố nhân” Goh Hoon Seow (GĐ Cty AP).
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Lại kiến nghị điều chỉnh thêm giá cước viễn thông Ngân hàng “quét” nợ xấu trước khi áp chuẩn mới Việt kiều "10 tỷ USD" Paul Lê Hùng dùng tên giả cưới vợ và đăng ký tạm trú? |
Dương Chí Dũng lật lại hợp đồng thỏa thuận ngày 7/7/2007 giữa công ty AP và công ty Global Success (công ty môi giới của Nga) với nội dung, AP có trách nhiệm bảo đảm hợp đồng bán, xuất khẩu ụ nổi 83M tới Việt Nam, tìm ra một giải pháp phù hợp chuyển ụ nổi từ Nga về Việt Nam. Thỏa thuận ghi rõ việc ăn chia số tiền bán ụ nổi, công ty Global Success được hưởng 4,3 triệu USD, chuyển cho một bên thứ 3 do công ty này chỉ định số tiền 1,666 triệu USD bằng thư tín dụng. Đây chính là số tiền chuyển về tài khoản công ty Phú Hà của em gái Trần Hải Sơn.
Hợp đồng thỏa thuận ăn chia này được ký trước 10 ngày so với ngày Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc quyết định lập đoàn khảo sát ụ nổi này tại Nga.
Cựu Chủ tịch Vinanlines yêu cầu tòa làm rõ người nào ở Vinalines đứng ra thỏa thuận hợp đồng ăn chia này. Ngoài ra, Dương Chí Dũng cũng yêu cầu được đối chất với “bạn thân” cũ là GĐ công ty AP Goh Hoon Seow – người được cho là đã gặp riêng Dũng trước đó để thỏa thuận về thương vụ ụ nổi 83M sau đó gặp Trần Hải Sơn yêu cầu nhận số tiền lại quả 1,666 triệu USD để chia lại cho Dũng, Phúc.
Dương Chí Dũng cũng nêu thắc mắc, không biết Tổng GĐ Mai Văn Phúc có chỉ đạo cho phép đoàn đi Nga khảo sát ụ nổi 83M có một phiên dịch viên (tên Quang) đi cùng không mà người này tham gia trong tất cả các khâu của quá trình mua ụ nổi. Đây cũng là người làm nhiệm vụ đón ông Goh từ Singapore sang để đưa đoàn đi Nga. Mà nhân vật này, Dũng tố, không phải người của TCTy mà là “quân” do Sơn chọn thuê từ một trường đại học.
Cựu Tổng GĐ Mai Văn Phúc cũng chỉ ra 2 vấn đề. Về tội “cố ý làm trái”, bị cáo cho rằng hiện các quan điểm vẫn tranh cãi về việc ụ nổi có phải là tàu, chưa thể kết tội bị cáo về hành vi này.
“Bị cáo thậm chí còn bút phê yêu cầu Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều cho khảo sát ụ nổi 194 mà Mỹ chào bán chứ không phải ụ 83M thì không thể nói bị cáo chỉ đạo để mua bằng được 83M. Sau đó cấp dưới báo cáo không có ụ nào tốt bằng 83M, bị cáo mới về làm nên không có sự lựa chọn, buộc phải căn cứ trên văn bản các ban tham mưu, phải ký trình để HĐQT xem xét” – Phúc trình bày.
Về tội “tham ô”, cùng quan điểm với Dương Chí Dũng, Phúc cho rằng không khó để xác định ai là người ở Vinalines đã bàn bạc với AP và Global Success về việc ăn chia khoản 1,666 triệu USD cũng như việc chuyển tiền cho ai, qua kênh nào từ năm 2006. Thời điểm đó, Phúc viện dẫn “chứng cứ ngoại phạm” là bị cáo chưa về công tác tại TCty.
Phúc than bản thân là “nạn nhân” trong vụ án, nạn nhân của một kịch bản sắp đặt của người nhận tiền. Bị cáo hoa tay: “Như vậy, nếu VKS chỉ căn cứ vào lời khai của Trần Hải Sơn về việc chia tiền cho tôi để cáo buộc tôi đã nhận tiền thì tôi thấy quá… choáng váng. Tôi thực sự bức xúc vì chỉ vừa về công tác 2 tháng mà giờ bị áp tội, bị cáo buộc tội trạng với hình phạt cao nhất, đối mặt với án tử hình. Thật không thể tin được”.
“Độp” lại những ám chỉ của 2 lãnh đạo đứng đầu Vinalines về hành động ném đá giấu tay đối với mình, Phó Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Trần Hải Sơn cũng dẫn nghịch lý, Sơn cũng không biết có nội dung thỏa thuận với công ty AP trước đó. Các anh Dũng, Phúc nói không thỏa thuận, không biết nhưng lại xác nhận việc được ăn chia khoản tiền tương ứng với số tiền 1,666 triệu USD đó?
“Chính vì các anh mà tôi và gia đình tôi trở thành nạn nhân trong vụ án này” – Sơn thậm chí bật khóc trước vành móng ngựa.
Nêu quan điểm tranh luận với cáo buộc của cơ quan công tố, nhóm bị cáo là cán bộ Hải quan Chi cục Vân Phong đồng loạt tố bị ép cung trong quá trình điều tra. Lê Văn Lừng miêu tả cụ thể những “chiêu” gây sức ép, cho phạm nhân cùng phòng đánh đập để bị cáo buộc phải thừa nhận ụ nổi là tàu biển trong thời gian bị tạm giam ở Phú Thọ.
Nghe nội dung trình bày này, Mai Văn Phúc bật đứng dậy xác nhận, bản thân khi bị giam ở Phú Thọ cũng chứng kiến những cách thức ép cung tương tự.
Chiều nay, đại diện VKS sẽ nêu quan điểm đối đáp với các bị cáo. Theo chương trình dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào cuối giờ chiều.
P.Thảo