Được tuyên vô tội, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái có được phục chức?
(Dân trí) - Theo luật sư, khi bản án có hiệu lực (bản án không bị kháng cáo, kháng nghị), thì ông Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái có thể sẽ được phục chức, được bồi thường và xin lỗi.
Chiều 7/11, TAND tỉnh Yên Bái đã tuyên án đối với các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Sử dụng trái phép vật liệu nổ, xảy ra tại huyện Yên Bình (Yên Bái).
Theo đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đối với bị cáo Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái.
HĐXX cũng tuyên 7 bị cáo lãnh án từ 10 đến 19 năm tù. Có 2 bị cáo bị tuyên án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Một số bị cáo còn bị áp dụng hình phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.
Một số độc giả thắc mắc, vậy sau khi được tòa tuyên án vô tội thì ông Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái liệu có được phục chức và được bồi thường hay không?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong trường hợp bản án có hiệu lực (bản án không bị kháng cáo, kháng nghị) thì ông Đinh Tiến Hùng có thể sẽ được khôi phục tất cả các quyền lợi nghĩa vụ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, sau khi bị tiến hành các biện pháp tố tụng, ông Đinh Tiến Hùng đang bị đình chỉ chức vụ và sinh hoạt đảng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, các đơn vị chức năng vẫn đang đợi kết quả bản án có hiệu lực để có thể xem xét các công việc có liên quan tới ông Hùng.
"Thời điểm này chúng tôi chưa thể đưa ra các nhận định liên quan tới công việc của ông Hùng, do bản án vừa mới được tòa sơ thẩm tuyên. Phía trước vẫn còn có khả năng kháng nghị của các cấp có thẩm quyền khác", ông Đỗ Đức Duy nói thêm.
Theo luật sư Hướng, sau khi TAND tỉnh Yên Bái tuyên ông Hùng vô tội, có khả năng VKSND tỉnh Yên Bái hoặc VKSND cấp trên sẽ kháng nghị với bản án này.
Về thời gian kháng cáo của bị cáo sẽ là 15 ngày, thời gian kháng nghị của VKSND tỉnh Yên Bái là 15 ngày và thời gian kháng nghị của VKSND cấp trên sẽ là 30 ngày.
"Sau thời gian trên, nếu bản án không bị kháng cáo, kháng nghị, ông Hùng chứng minh được các thiệt hại do quá trình áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự vụ án, thì ông Hùng có quyền yêu cầu VKSND tỉnh Yên Bái bồi thường, xin lỗi", luật sư Hướng nêu.
"Bị cáo được tuyên vô tội tại tòa sơ thẩm là chuyện ít xảy ra"
Còn theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, việc tòa án xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội ngay trong phiên tòa hình sự sơ thẩm là chuyện ít khi xảy ra ở Việt Nam, bởi vậy, vụ án này sẽ là tâm điểm quan tâm của giới chuyên môn, những người quan tâm đến vấn đề tư pháp hình sự.
Theo luật sư Cường, việc chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Trung Dũng tuyên ông Đinh Tiến Hùng không phạm tội, tức quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với ông Hùng là không có căn cứ, hành vi của ông Hùng không cấu thành tội phạm nên đã tuyên bố bị can không phạm tội.
"Trường hợp điều tra, truy tố không đúng quy định pháp luật gây oan sai thì người ký các quyết định này, những người tham gia hoạt động tiến hành tố tụng trong vụ án này có sai phạm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể sẽ phải xin lỗi và bồi thường oan sai", luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, người bị khởi tố oan sai, bị truy tố oan sẽ được xin lỗi, được bồi thường và được phục hồi các quyền cơ bản của công dân, trong đó sẽ được cơ quan đơn vị nhận trở lại làm việc, và trong trường hợp này là ông Đinh Tiến Hùng. Trừ trường hợp có căn cứ khác cho thấy có dấu hiệu ông Hùng vi phạm kỷ luật đến mức phải buộc thôi việc hoặc phải cách chức.
Bởi vậy, điều kiện để ông Hùng được phục hồi chức vụ là không phạm tội và không vi phạm kỷ luật.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư Cường, đây chỉ là bản án sơ thẩm, rất có thể Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái sẽ kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án này, đặc biệt là với nội dung tuyên bố bị cáo Hùng không phạm tội.
Trường hợp có kháng nghị thì bản án này chưa có hiệu lực pháp luật, và hồ sơ sẽ được chuyển đến tòa án cấp cao tại Hà Nội để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
"Vụ án này dư luận xã hội quan tâm, và cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải thận trọng trong việc xem xét đánh giá chứng cứ, đánh giá về bản chất vụ án. Nếu xét thấy việc tuyên bố bị cáo không phạm tội là đúng pháp luật, nhận thấy có sai phạm trong quá trình điều tra, truy tố thì cũng có thể VKSND tỉnh Yên Bái sẽ không kháng nghị.
Khi đó quyền lợi của bị cáo mới thực sự được phục hồi và sẽ xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có những sai phạm về tố tụng hình sự trong vụ án này", luật sư Cường nói thêm.