Bình Định:

Dùng nước cất chế vắc xin giả, nữ nhân viên y tế "dỏm" lĩnh án

Doãn Công

(Dân trí) - Chỉ học hết lớp 9, nhưng bà Tuyết đã "nổ" là nhân viên Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Bình Định rồi đến các bệnh viện ở tỉnh làm quen để thực hiện hành vi lừa đảo, tiêm phòng vắc xin giả.

Ngày 17/12, TAND TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên án 4 năm tù đối với Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Dùng nước cất chế vắc xin giả, nữ nhân viên y tế dỏm lĩnh án - 1
Bị cáo Tiêu Thị Tuyết Sương tại tòa án.

Theo cáo trạng, bị cáo Sương chỉ học hết lớp 9, chưa học qua một lớp đào tạo nào về y khoa và không có chứng chỉ hành nghề y. Tuy nhiên, sau khi theo học nghề tại một cơ sở hộ sinh trên địa bàn huyện Tuy Phước, Sương biết một số kiến thức về y tế như lấy máu xét nghiệm, truyền dịch.

Khoảng năm 2014, do từng đem nhiều mẫu máu của người thân đi xét nghiệm, tiêm chủng tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn nên Sương thấy cách thức tiêm ngừa vắc xin.

Đầu tháng 7/2019, do nợ nần nên khi thấy nhiều người dân có nhu cầu tiêm ngừa nhưng trung tâm y tế không đủ vắc xin, Sương nảy sinh ý định lừa đảo.

Sau đó, bị cáo tự xưng là nhân viên của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Định (nay đổi thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định), đến các hiệu thuốc mua nước cất, thuốc kháng sinh và các dụng cụ y tế khác để pha trộn thành nhiều loại vắc xin giả để thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.

Dùng nước cất chế vắc xin giả, nữ nhân viên y tế dỏm lĩnh án - 2
Trước đó, cơ quan chức năng tiến hành khám xét nhà bị cáo Sương và thu những dùng cụ y tế phục vụ việc lừa đảo.

Để các bị hại tin tưởng, bị cáo lấy mẫu "Phiếu chỉ định chủng ngừa" của nhà xuất bản Y học ấn hành in màu ra thành nhiều bản, điền thông tin vào phiếu rồi đưa lại cho những người đã được tiêm để theo dõi. Đồng thời, bị cáo làm giả mẫu giấy xét nghiệm máu của các bị hại…

Nhờ vậy, Sương qua mắt được nhiều người. "Nữ nhân viên y tế" đặt lịch, hẹn các bị hại tới tiêm vắc xin giả do đối tượng tự chế.

Khi có người đồng ý, Sương đến tận nhà bị hại để tiêm các loại vắc xin "dỏm" như: viêm gan A, viêm gan B, viêm màng não, HPV gây ung thư, ngừa đột quỵ, cúm, viêm não Nhật Bản, phế cầu, tiêu chảy do Rotavirus…

Với những thủ đoạn trên, từ tháng 7/2019 đến ngày ngày 10/3/2020, bị cáo Sương liên tục lừa đảo, tiêm ngừa vắc xin giả cho 34 người (trong đó có 22 trẻ em dưới 16 tuổi), chiếm đoạt tổng cộng hơn 63 triệu đồng của 18 bị hại tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.