1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Dùng công nghệ cao kết nối điện thoại cơ quan pháp luật và chiêu lừa điều tra vụ án rửa tiền

Số đối tượng này có khả năng là băng nhóm Trung Quốc cư trú ở nhiều nước khác nhau, chúng dùng công nghệ cao kết nối vào đường truyền điện thoại của cơ quan pháp luật Việt Nam như: Công an, Viện KSNDTC… thực hiện chiêu lừa điều tra vụ án rửa tiền.

Thời gian vừa qua nhiều người dân ở những thành phố lớn trên cả nước đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, một số khách hàng sử dụng điện thoại đã nhận được những cuộc gọi “từ trên trời rơi xuống”, và từ đó “kịch bản lừa” được dựng nên một cách hoàn hảo…

Dùng công nghệ cao kết nối điện thoại cơ quan pháp luật và chiêu lừa điều tra vụ án rửa tiền
Trần Văn Huy và Trần Văn Tèo cùng tang vật là các thẻ thanh toán quốc tế mà cơ quan công an thu giữ được

Siêu “kịch bản” lừa đảo

CAQ Hoàn Kiếm mới bắt giữ một đường dây lừa đảo tống tiền với cách thức lừa đảo thông qua điện thoại hết sức tinh vi và có bài bản.

Trung tá Kiều Đình Vinh, Đội hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Theo lời khai của 3 đối tượng Nguyễn Đình Hải, Nguyễn Thị Nga (SN 1993) và Lưu Văn Hiệp (SN 1989) đều ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thì “kịch bản” được nhóm lừa đảo “thiết kế” như sau: Nguyễn Thị Nga “thủ vai” nhân viên của tổng đài VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) có nhiệm vụ gọi điện đến một số thuê bao cố định để thông báo với chủ nhà là người này đang nợ cước điện thoại quốc tế gần 9 triệu đồng từ một số ĐTDĐ mà chủ nhà này đã đăng ký.

Thực chất chủ nhà này không hề nợ cước điện thoại quốc tế mà cũng không hề dùng số điện thoại mà chúng thông báo. Nhưng cuộc gọi của Nga là tạo nên một tình huống là có một ai đó mạo danh chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu của chủ nhà để dùng vào mục đích đăng ký các thuê bao gọi đi nước ngoài.

Sau đó các đối tượng sẽ dựng nên “kịch bản” là tổng đài sẽ nhờ lực lượng công an vào cuộc. Sau khi “đánh” vào tâm lý lo ngại của chủ nhà, 2 đối tượng còn lại là Nguyễn Đình Hải, Lưu Văn Hiệp sẽ tiếp tục “nhập vai” cán bộ công an và cán bộ ngân hàng tiếp tục gọi điện để “giúp đỡ” người bị hại.

Nhiệm vụ của 2 đối tượng Hải, Hiệp là thông báo cho chủ nhà về việc họ đã bị một đối tượng mạo danh chứng minh thư, hộ khẩu để đi lừa đảo. Tình huống xấu nhất mà các đối tượng giả mạo tạo nên là chủ nhà có nguy cơ bị đối tượng ăn cắp tiền tại thẻ tín dụng của mình.

Trong “vai” công an, cán bộ ngân hàng, Hải và Hiệp đề nghị chủ nhà ra ngay cây ATM gần nhất để đổi mật khẩu. Lấy lòng tin bằng sự tận tâm giúp đỡ, các đối tượng trên đã tìm mọi cách lừa chủ nhà bấm vào nút “chuyển khoản” từ tài khoản của họ vào một tài khoản bí mật do chúng chỉ định với lý do đây là một tài khoản ngân hàng bảo mật để đảm bảo an toàn, rồi dần dần rút hết tiền.

Theo lời khai của nhóm đối tượng Nga - Hải - Hiệp thì hiện có một công ty lừa đảo có trụ sở ở Trung Quốc đang thuê nhiều nhóm người đang sống ở Móng Cái, Quảng Ninh để huấn luyện học cách lừa đảo qua điện thoại này.

Tại TP Hồ Chí Minh

Mới đây phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng gồm: Trần Văn Tèo (SN 1989, ở ấp Thới An, xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) và Trần Văn Huy (SN 1993, ở ấp Phúc Lộc 1, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) để điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bước đầu công an xác định Tèo và Huy là 2 mắt xích quan trọng trong 1 tổ chức lừa đảo công nghệ cao bằng thủ đoạn cực kỳ tinh vi nghi vấn do người Trung Quốc cầm đầu và hiện đang mở rộng điều tra truy bắt những kẻ liên quan.

Cụ thể số đối tượng này có khả năng là băng nhóm Trung Quốc cư trú ở nhiều nước khác nhau, chúng dùng công nghệ cao kết nối vào đường truyền điện thoại của cơ quan pháp luật Việt Nam như: Công an, Viện KSNDTC… để đánh lừa người dân.

Qua điện thoại chúng xưng là cán bộ điều tra, hù doạ nạn nhân là đang dính líu đến vụ án hoặc liên quan đến tội phạm rửa tiền, để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản theo chúng yêu cầu nhằm phục vụ công tác điều tra.

Vì chiêu lừa quá tinh vi, chúng cố tình tạo ra các tình huống phạm tội và đưa người sử dụng điện thoại vào bẫy, nhiều người sập bẫy đáng tiếc. Và để che giấu tung tích, những thành viên băng nhóm này mua lại các thẻ thanh toán quốc tế từ những cộng sự đắc lực như Tèo và Huy như đề cập trên.

Thực tế trong thời gian qua, nhiều người ở TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đã dính bẫy của bọn tội phạm quốc tế dạng này. Điển hình như trường hợp ông N (ở Q.1) bất ngờ nhận được điện thoại gọi đến số điện thoại cố định của gia đình ông vào giữa tháng 1-2014 xưng là nhân viên tổng đài VNPT. Người này thông báo ông N. đang nợ cước thuê bao số ĐTDĐ với số tiền hơn 8,9 triệu đồng, nếu không thanh toán sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Ông N. đang lớ ngớ thì nhân viên trên qua điện thoại yêu cầu ông N. bấm số 9 để gặp tổng đài VNPT để làm rõ. Ông N. làm theo thì nhân viên tổng đài khác nói vanh vách nhân thân, lý lịch của ông làm ông tin là sự thật. Chưa dừng lại, “tổng đài” còn kết nối cho ông N. gặp…. “điều tra viên CATP Hà Nội”.

Qua điện thoại giọng 1 người xưng là điều tra viên nạt nộ rằng số tài khoản ngân hàng của ông N. có liên quan đến 1 băng nhóm tội phạm buôn lậu quốc tế, sử dụng vào mục đích rửa tiền. Điều tra viên này truy vấn ông N. về thông tin và tiền có trong tài khoản. Người đàn ông xưng điều tra viên đó hướng dẫn ông N. chuyển tiền vào tài khoản của một nữ cán bộ khác để xác minh xem tiền có hợp pháp hay không? Rồi sẽ chuyển trả lại sau 2 giờ. Vì bị đe doạ dính đến pháp luật và nghĩ là “cây ngay không sợ chết đứng” ông N. làm theo yêu cầu của “cán bộ công an” đã chuyển 70 triệu đồng nhưng sau đó mới biết mình bị lừa.

Xuất hiện ở khắp các thành phố lớn

Chị L.T.H (ở TP Cần Thơ) cho biết chị nhận được một cuộc điện thoại đến số cố định nhà riêng thông báo nợ 9 triệu đồng cước thuê bao của một số điện thoại chị không biết ở Hà Nội mà chị H.chưa một lần ra Hà Nội. Một giọng nữ ở đầu dây bên kia cho biết trong vòng 48 giờ chị H. không đóng tiền cước sẽ bị khởi kiện ra tòa.

Bất ngờ và ngạc nhiên, chị H. hỏi lại nhân viên ở đầu dây thì được hướng dẫn: “Để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím 9, để gặp tổng đài viên vui lòng bấm phím 0”. Nhanh chóng ấn phím số 9 thì một giọng nữ khác ở đầu dây bên kia tiếp nhận, trước thắc mắc của chị H. thì được hướng dẫn nên gọi báo Cảnh sát 113, CATP Hà Nội trình bày về sự việc này.

Nhưng đối tượng nữ ở đầu dây bên kia nhanh chóng hỗ trợ chị H. bằng cách nói chị giữ nguyên máy để cô sẽ chuyển cuộc gọi đến Cảnh sát 113. Sau đó, chị H. gặp một giọng nam tự xưng là lực lượng Cảnh sát 113, và anh này bắt đầu “diễn” theo “kịch bản” siêu lừa từ việc hỏi thông tin cá nhân chị H, hướng dẫn ra cây ATM để đổi mật khẩu, chuyển tiền vào một tài khoản bí mật…

Tất cả mọi sự hỗ trợ để chị H. thực hiện một số thao tác để tránh bị lừa thì chính là lúc chị H. mắc bẫy. Thực tế chị H. mắc bẫy các đối tượng lừa đảo từ lúc “bấm phím số 9” để được hỗ trợ hoặc gặp nhân viên tổng đài, khi đó các đối tượng lừa đảo đã làm “đảo chiều” cuộc gọi - biến người dùng thành người thực hiện cuộc gọi nhưng người dùng lại không hay biết, bắt đầu từ lúc này các đối tượng sẽ trục lợi từ việc hưởng cước phí do người dùng thực hiện cuộc gọi đi.

Tùy vào số gọi đến mà cước phí người dùng phải trả có thể lên đến hàng trăm nghìn đồng. Không những thế khi để “con mồi” cắn sâu vào bẫy, bọn tội phạm còn dẫn dụ người sử dụng điện thoại chuyển tiền đến tài khoản của chúng một cách rất… “ngọt”.

Tín hiệu cảnh báo đã  được phát đi

Theo ghi nhận của VNPT từ tháng 9-2013 trở lại đây nhiều thuê bao cố định và di động của VNPT bị kẻ xấu gọi đến quấy rối, lừa đảo, thậm chí uy hiếp nhằm trục lợi, chiếm đoạt từ người bị hại. Để ngăn chặn, VNPT đã phát đi cảnh báo về việc quấy rối và lừa đảo xuất hiện trên diện rộng bắt đầu ở Hải Phòng, sau đó đến Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Trà Vinh, An Giang, Long An, Cần Thơ… với nội dung “kẻ xấu đã không chỉ mạo danh VNPT để lừa đảo các thuê bao mà còn mạo danh nhiều cơ quan và tổ chức khác.

Mục tiêu của chúng cũng không đơn thuần chỉ câu thời gian đàm thoại giữa thuê bao tới các tổng đài lạ do chúng dẫn dụ người nghe bấm số chọn đến, mà còn có tính uy hiếp, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tống tiền người dân”. VNPT cho biết qua kiểm tra, bước đầu phát hiện những cuộc gọi trên đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP), do kẻ xấu sử dụng công nghệ cao và thiết bị thông tin trái phép để thực hiện.

“Kịch bản” các đối tượng sử dụng đều chung kiểu: Một là giải danh nhà mạng nhắc nợ cước với số tiền lên tới 8, 9 triệu đồng rồi dẫn dụ thuê bao bấm tiếp các phím số 0, 9, 113… với lời đe dọa nếu không nộp ngay trong vòng 2 giờ sẽ chuyển sang cơ quan an ninh điều tra để điều tra, xử lý. Hai là các đối tượng sẽ mạo danh cán bộ ngân hàng nhắc nợ, giả mạo công an khuyến cáo người có tiền gửi ngân hàng gửi sang tài khoản của chúng để được bảo vệ…

Khuyến cáo từ các cơ quan chức năng

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội ghi nhận thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc được trình báo đến cơ quan công an với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ mạng viễn thông.

Để phòng ngừa không xảy ra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn trên, CATP Hà Nội đề nghị người dân đề cao cảnh giác với tội phạm thông qua mạng Internet để gây án.

Công an các đơn vị ở cơ sở cần tuyên truyền, phổ biến kỹ phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nắm vững, nâng cao ý thức cảnh giác… Trung tá Kiều Đình Vinh, Đội hình sự, CAQ Hoàn Kiếm cho biết đối tượng mà bọn tội phạm nhắm tới là những người không hiểu biết về công nghệ, đặc biệt là những người già ở nhà, có điều kiện kinh tế ở các quận nội thành, có lương hưu, sổ hưu, có tài khoản tiết kiệm gửi trong ngân hàng, qua nhiều lần gọi điện đến để dò xét “thử” thấy nhẹ dạ, tin tưởng là các đối tượng tiến hành “kịch bản” siêu lừa bằng cách gọi điện đến trong giờ hành chính khi con cái họ đi làm hết. Chúng đe dọa, dẫn dụ hoặc đưa ra những thông tin giả khiến người già lo lắng và sẽ thực hiện các thao tác của chúng từ đó sẽ bị chiếm đoạt tiền...

Công an TP.HCM cũng nhận định nhóm tội phạm công nghệ cao rất tinh vi, có sử dụng tài khoản của người khác dạng mua lại, để gây án. Do đó Công an TP.HCM khuyến cáo, người dân nên cảnh giác khi trò chuyện với người lạ, đặc biệt là người xưng là cán bộ cơ quan pháp luật; đồng thời cảnh báo những người dân không nên cung cấp hoặc tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác, vì dễ dàng tiếp tay cho các băng nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao.

Trong khi cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh với loại tội phạm này thì trước hết người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của bọn tội phạm, thông báo ngay cơ quan công an khi nhận được cuộc gọi lạ để cùng phối hợp giải quyết, không nên tự xử lý sẽ “sập bẫy kịch bản siêu lừa” của tội phạm.

Vế phía VNPT cho biết đã phối hợp với các cơ quan an ninh làm rõ và triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật này. Để tránh rủi ro cho người dân mắc lừa kẻ xấu, VNPT đã sớm thông tin rộng rãi trên cổng thông tin của doanh nghiệp, khuyến cáo tới các thuê bao rằng VNPT không nhắc nợ tự động qua hộp thư ghi âm tự động nào, mà chỉ sử dụng thống nhất tổng đài 800126.

Các thuê bao cần hết sức cảnh giác, không mắc lừa kẻ xấu khi nhận được các cuộc gọi đến có dấu hiệu quấy rối, mạo danh nhà mạng hoặc công an và không làm theo chúng dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. 

Theo Duy Kiên - Quân.Trần
An ninh thủ đô