1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: 30 năm xây dựng và trưởng thành

Là Đoàn luật sư có số lượng luật sư đứng thứ hai trong cả nước , nhưng với vị trí Thủ Đô, Đoàn Luật sư Hà Nội (Đoàn LSHN) đang là con chim đầu đàn và là chiếc nôi sản sinh ra nhiều thế hệ luật sư xuất sắc.

Nhân dịp Đoàn LSHN  tổ chức kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập ( 24/11/1984 -24/11/2014 ),  Dân Trí có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội kiêm Phó Tổng thứ ký Liên đoàn luật sư Việt Nam

Luật sư Nguyễn Văn Chiến

Luật sư Nguyễn Văn Chiến

Xin Luật sư cho biết đôi nét về sự phát triển của nghề luật sư nước ta?

LS Nguyễn Văn Chiến: Ở Việt Nam, hoạt động luật sư có từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư Việt Nam. Đây coi như giấy khai sinh đầu tiên của tổ chức luật sư ở Việt Nam.

Chính vì vậy ngày 14/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg, về việc công nhận ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. Từ tháng 5/2008, Liên đoàn luật sư Việt Nam – tổ chức bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của giới luật sư Việt Nam đã ra đời.

Đến nay, cả nước đã có trên 9.000 luật sư và trên 3.500 người đang tập sự hành nghề. Tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có Đoàn luật sư hoạt động. Đội ngũ luật sư Việt Nam ngày một gia tăng về số lượng cũng như đổi mới chất lượng hoạt động hành nghề, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội trong điều kiện hội nhập.

Điều này bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của giới luật sư rất cần sự chỉ đạo lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, đoàn thể  và toàn thể nhân dân để giới luật  sư Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ.

Đoàn luật sư tư vấn pháp luật miễn phí tại Yên Bái

Đoàn luật sư tư vấn pháp luật miễn phí tại Yên Bái

Còn Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (ĐLSTPHN) ra đời trong hoàn cảnh nào?

LS Nguyễn Văn Chiến: Tiền thân của ĐLSTPHN là Phòng Luật sư do ông Phạm Văn Bạch - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập vào năm 1965. Sau năm 1975, đất nước thống nhất. Năm 1980, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trên tinh thần Hiến pháp 1980, ngày 30/4/1984, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định số 1615/QĐ.TC thành lập ĐLSTPHN.

Sau gần 7 tháng chuẩn bị, ngày 24/11/1984, 16 luật sư sáng lập đã tổ chức hội nghị thành lập ĐLSTPHN. Đây là ngày sinh của Đoàn LSHN. Đến nay, tròn 30 năm, trải qua 9 kỳ Đại hội từ 16 luật sư của nhiệm kỳ thứ nhất, đến nay đã nâng lên gần 2.500  luật sư thành viên chiếm 30% số lượng luật sư cả nước, với  900  tổ chức hành nghề và gần 2.500 người tập sự hành nghề luật sư.

Về trình độ học vấn, trước đây hầu hết luật sư là cán bộ nghỉ hưu có trình độ tương đương Đại học luật. Ngày nay, trong đội ngũ luật sư Thủ đô có nhiều thành viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư và học vị Tiến sỹ, Thạc sỹ. Nhiều luật sư thành viên đã từng giữ các chức vụ  quan trọng trong  các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương nên nghiệp vụ vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển.

Ngoài ra, Đoàn luật sư TP. Hà Nội còn là Đoàn luật sư duy nhất có tổ chức Đảng với 25 chi bộ, gần 250 đảng viên và có đông đủ các tổ chức chính trị xã hội quần chúng như Đoàn Thanh niên cộng sản TPHCM, Chi Hội Luật gia, Chi hội Cựu chiến binh, Chi Hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em , Câu lạc bộ nữ luật sư, các CLB Luật sư trẻ, CLBLS Long Biên ….

Theo thống kê, từ ngày 01/10/2013 đến 30/9/2014, Đoàn luật sư Hà Nội đã thực hiện 18.537 dịch vụ pháp lý bao gồm: 3.527 vụ hình sự (1.905 vụ do đương sự mời và 1.622 vụ theo chỉ định của các cơ quan tiến hành tố tụng); 4.221 vụ dân sự; 523 vụ việc hành chính; tư vấn pháp luật 8.459 vụ việc (có 6.165 vụ việc tư vấn cho đối tượng người nghèo và trợ giúp pháp lý, chiếm tỷ lệ 72,8%) và dịch vụ pháp lý khác là 2.805 trường hợp.

Kết quả trên là minh chứng rõ nét về sự đóng góp tích cực của giới luật sư Thủ đô trong hoạt động tư pháp, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp nước nhà, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội cũng như vai trò tham gia phản biện xã hội, xây dựng pháp luật. 

Bên cạnh đó, hàng năm, các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thành viên đã tổ chức hàng trăm điểm trợ giúp pháp lý miễn phí lên đến 10.000 lượt vụ/việc cho tổ chức, cá nhân chủ yếu là các đối tượng nghèo và chính sách.

Đoàn thường xuyên tổ chức các chuyến đi tư vấn lưu động kết hợp với trao quà từ thiện tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa như Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình… Đoàn còn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tích cực tham gia công tác xây dựng pháp luật, thường xuyên đóng góp ý kiến vào các dự thảo …

Trong nhiệm kỳ này, ĐLSHN còn có sáng kiến thành lập Ban hòa giải nhằm giảm tải việc xử lý đầu vào và giải quyết những vụ việc khiếu nại tố cáo chỉ là tranh chấp hoạt động dịch vụ pháp lý giữa luật sư với khách hàng, đồng thời còn có kế hoạch tư vấn giúp cho thành phố trong công tác tiếp công dân giải  quyết khiếu nại tố cáo.

Tuy nhiên ĐLSHN  vẫn còn một số hạn chế, bất cập là số đông luật sư có tuổi đời cao, bên cạnh mặt tích cực vững vàng về chính trị, có bề dầy kinh nghiệm trong công tác và cuộc sống thì mặt hạn chế về sức khỏe nên không nhận được những vụ việc người dân ở những vùng sâu, vùng xa nhờ cậy. Một số tổ chức hành nghề hoạt động còn thiếu về nhân lực và cơ sở vật chất nên hoạt động chưa được chuyên nghiệp.

Xin luật sư  phác  thảo đôi nét về  phương hướng hoạt động trong thời gian tới  của Đoàn luật sư Hà Nội?

Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Tự hào về thành tựu đạt được trong 30 năm  xây dựng và trưởng thành, thực hiện Nghị quyết số 33/NQ của Bộ Chính trị và Chiến  lược phát triển nghề luật sư cũng như các Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội và Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn LSTPHN đang ra sức khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tổ chức và hành nghề luật sư; tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhằm quyết tâm xây dựng đội ngũ luật sư đủ về số lượng, tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng để xứng đáng là Đoàn luật sư tiên phong đi đầu về mọi mặt, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế ở Thủ Đô và cả nước  trong thời kỳ mới.

Xin cảm ơn luật sư

                                                                          Ngô Tất Hữu - Anh Tú