Đinh Ngọc Hệ "cãi" 725 tỷ bị cáo buộc lừa đảo là "của bị cáo"
(Dân trí) - Bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ "nại" lại rằng không có ai bị chiếm đoạn số tiền đó mà 725 tỷ là của Công ty Yên Khánh mà Hệ là chủ.
Chiều 17/12, phiên xử Đinh Ngọc Hệ, Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục với phần xét hỏi.
Theo hồ sơ, sau khi trúng quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ đã có nhiều thủ đoạn gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại tòa, các luật sư tập trung thẩm vấn Đinh Ngọc Hệ để bị cáo trình bày vấn đề, dù không đọc hợp đồng mua bán quyền thu phí, nhưng Hệ biết số tiền phải trả để mua quyền thu phí là hơn 2.004 tỷ đồng.
"Sau khi thanh toán xong hơn 2.004 tỷ đồng theo hợp đồng, thì số tiền có được từ việc thu phí cao tốc là của Công ty Yên Khánh. Bị cáo hiểu, ngoài việc đóng hơn 2.004 tỷ đồng như trong hợp đồng thì tiền phí thu được không phải nộp lại cho nhà nước. Đến khi vụ án được khởi tố, làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, bị cáo mới biết có phần mềm can thiệp việc đo đếm kết quả thu phí đã được cài đặt sẵn. 725 tỷ đồng Viện kiểm sát nói là tôi chiếm đoạt, đó là tiền của Công ty Yên Khánh có được từ việc thu phí. Tiền của Công ty Yên Khánh do tôi thành lập thì việc gì chúng tôi phải chiếm đoạt", bị cáo Hệ đáp lại lời luật sư.
Cũng với câu hỏi 725 tỷ đồng có phải của Tổng công ty Cửu Long hay không, bị cáo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) trình bày, sau khi đấu giá, theo hợp đồng mua bán quyền thu phí, Tổng công ty Cửu Long chỉ có nghĩa vụ thu về đúng hơn 2.004 tỷ đồng. Sau đó Công ty Yên Khánh không phải đóng gì thêm cho Tổng công ty Cửu Long.
Tương tự, ông Đinh La Thăng trả lời, sau khi hoàn tất nghĩa vụ hợp đồng mua bán quyền thu phí thì số tiền có được từ việc thu phí là của Công ty Yên Khánh, là "lời ăn lỗ chịu". Tuy nhiên, ông Thăng cũng khẳng định, doanh nghiệp phải thu theo đúng quy định pháp luật, không phải thích thu bao nhiêu là thu. Còn Bộ Giao thông vận tải chỉ có quyền về quản lý nhà nước đối với dự án.
Cắt ngang phần luật sư thẩm vấn của luật sư, chủ tọa phiên tòa hỏi ông Đinh La Thăng: "Để có được hợp đồng mua bán quyền thu phí, các bên đã thực hiện hành vi gian dối. Vậy việc xảy ra trước khi ký hợp đồng kinh tế này sẽ phải xử lý như thế nào, tức hợp đồng kinh tế này có còn hiệu lực không?". Ông Đinh La Thăng trả lời: "Sai thì xử lý theo quy định pháp luật thôi".
Tiếp đó, luật sư hỏi đại diện công ty Yên Khánh. Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Nguyễn Đức Huy (đại diện Công ty Yên Khánh) cho rằng số tiền 725 tỷ đồng là tiền của Công ty Yên Khánh.
Theo ông Huy, Công ty Yên Khánh đã trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương và đã thanh toán đầy đủ số tiền 2.004 tỷ đồng cho Công ty Cửu Long. Từ lúc trúng đấu giá đến nay, không có bất kỳ đơn vị nào khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng trúng đấu giá quyền thu phí.
Mặt khác, đại diện doanh nghiệp cho rằng, số tiền 725 tỷ là lợi tức của Công ty Yên Khánh trong việc thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Từ đó, ông Huy đề nghị HĐXX trả lại số tiền này cho Công ty Yên Khánh.
Tiếp sau đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Thị Hoan hỏi thân chủ để làm rõ vai trò của người này trong vụ án. Bị cáo Hoan cho biết, vào khoảng năm 2000, gia đình gặp khó khăn, Hoan đã từ Ninh Bình vào TPHCM và được bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cậu ruột) cưu mang, nuôi ăn học. Hoan coi Hệ như cha nên hoàn toàn tin tưởng và làm theo mọi việc Hệ giao phó.
Bị cáo Hoan chỉ đứng tên giám đốc Công ty Yên Khánh giúp Hệ chứ không có tham gia điều hành công ty này. Vào năm 2017, khi Công ty Yên Khánh bị điều tra, Hoan bị mời lên làm việc nhiều lần nên bị cáo này nghỉ việc.