1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Điều vô lý trong vụ lái xe Mercedes tông tiếp viên hàng không!

Tùng Nguyên Nguyễn Quang

(Dân trí) - Bị cáo Phong có trách nhiệm bồi thường sau vụ tai nạn, nhưng trong thời gian tạm giam, bị cáo này đã có điều kiện để sang tên tài sản duy nhất của mình. Điều này... "thật vô lý"!

Tài sản duy nhất của bị cáo... "bốc hơi"!

Chiều 16/12, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (sinh năm 1988, TPHCM) mức án 7 năm 6 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Điều vô lý trong vụ lái xe Mercedes tông tiếp viên hàng không! - 1
Bị hại Nguyễn Thị Bích Hường vẫn dự định kháng cáo

Về bồi thường dân sự, HĐXX cũng tuyên bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại Lê Mạnh Thường hơn 477 triệu đồng và bị hại Nguyễn Thị Bích Hường hơn 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM), việc thi hành án phần dân sự này sẽ rất khó khăn, bởi như bị cáo đã khai tại tòa, tài sản duy nhất của bị cáo là căn hộ chung cư mà bị cáo mua cùng mẹ đã được bị cáo chuyển quyền sở hữu sang cho mẹ mình.

Luật sư Chánh cho rằng: "Bị cáo không còn tài sản thì làm sao bồi thường? Bị cáo đã trên 18 tuổi, mẹ bị cáo không có trách nhiệm phải bồi thường thay. Mà không bồi thường cho bị hại thì cũng chỉ ảnh hưởng đến việc bị cáo sẽ không được giảm án để ra tù trước hạn, không được xóa án tích khi chưa thi hành xong các hình phạt phụ… chứ pháp luật không thể cưỡng chế bị cáo bồi thường khi không có tài sản".

Điều vô lý trong vụ lái xe Mercedes tông tiếp viên hàng không! - 2
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong đã kịp công chứng chuyển quyền sở hữu căn hộ chung cư của mình sang cho mẹ khi đang bị tạm giam

Việc này cũng đã được các luật sư của bị hại Nguyễn Thị Bích Hường đề cập đến trong phiên tòa. Các luật sư cho rằng, việc bị cáo tiến hành công chứng chuyển nhượng căn hộ trong thời gian đang bị tạm giam, đối mặt với trách nhiệm pháp lý phải bồi thường số tiền lớn cho các bị hại là có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Từ đó, các luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại tình tiết này.

HĐXX nói về dấu hiệu tẩu tán tài sản của tài xế Mecerdes tông tiếp viên hàn

Tuy nhiên, trong ngày tuyên án, HĐXX không đồng ý việc trả hồ sơ điều tra lại mà tách tình tiết này ra, đề nghị các bên liên quan giải quyết bằng việc khởi kiện một vụ án dân sự khác để xác định tính hợp pháp của giao dịch này. Từ đó, đề nghị hủy bỏ giao dịch mua bán quyền sử dụng căn hộ chung cư trên để đảm bảo bị cáo có tài sản thi hành án.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, việc khởi kiện dân sự trên là biện pháp duy nhất và các bị hại cần tiến hành càng nhanh càng tốt, tránh cho tài sản này bị giao dịch lòng vòng khiến việc hủy bỏ giao dịch phức tạp hơn, khó khắc phục hậu quả.

Công lý cho bị hại là được bồi thường một phần tổn thất!

Bàn sâu hơn về tình tiết có dấu hiệu tẩu tán tài sản này, luật sư Nguyễn Đức Chánh đánh giá, hiện pháp luật vẫn còn kẽ hở để những người có chủ đích lợi dụng, gây thiệt thòi cho các bị hại trong những vụ án tương tự.

Ông nói: "Một số vụ án lớn gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước như án tham nhũng, thiếu trách nhiệm trong quản lý gây thiệt hại… thì chúng ta có biện pháp kê biên tài sản để đảm bảo cho công tác thi hành án, khắc phục hậu quả. Nhưng các vụ án như tai nạn giao thông như thế này thì không có. Đây là 1 kẽ hở để những người có chủ đích lợi dụng".

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, trong vụ án tài xế lái xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không có thể thấy rõ kẽ hở này.

Ông cho rằng: "Bị can đang bị tạm giam để điều tra, đối mặt trách nhiệm pháp lý phải bồi thường cho 1 người chết và 1 người bị thương tật nặng. Vậy mà điều tra viên vẫn đồng ý cho trích xuất ra để công chức giao dịch chuyển nhượng tài sản, công chứng viên vẫn đồng ý công chứng hợp đồng… Căn cứ theo luật thì không có điều nào cấm hành vi này, nhưng nghe thật vô lý!".

Điều vô lý trong vụ lái xe Mercedes tông tiếp viên hàng không! - 3
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: "Công lý cho bị hại chính là họ được bồi thường một phần nào đó tổn thất mà hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra cho họ!"

"Hiện các vụ án hình sự ở ta quá chú trọng đến phần hình phạt, xử lý hành vi phạm tội mà ít chú ý đến phần dân sự, bồi thường cho bị hại. Thật ra, bị cáo chịu trừng phạt cũng chỉ là giúp bị hại có một phần thỏa mãn về tinh thần thôi chứ họ có lợi lộc gì đâu. Cái chính là bồi thường thiệt hại. Bởi nói rõ ra thì công lý cho bị hại chính là họ được bồi thường một phần nào đó tổn thất mà hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra cho họ!", luật sư Chánh tiếp lời.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh thẳng thắn đề nghị: "Tôi hy vọng vụ án này sẽ là 1 án điểm để các nhà làm luật nghiên cứu, xem xét và hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp, xử lý các vụ án tương tự từ khâu điều tra đến xét xử và thi hành án, tránh trường hợp các bị can biết sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, bồi thường số tiền lớn rồi tìm cách tẩu tán tài sản mà pháp luật không có điều khoản nào để ngăn chặn. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại, giúp họ giảm bớt một phần thiệt hại do bị cáo gây nên".

Theo nội dung vụ án, khoảng 5h sáng 30/1 (mùng 6 tết Canh Tý), chị Nguyễn Thị Bích Hường đặt xe máy qua ứng dụng Grab để đi làm cho kịp chuyến bay khởi sự đầu năm.

Khi tài xế đang chở chị Hường đến đoạn đường trước nhà hàng Tri Kỷ số 123 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận thì một ô tô lấn sang trái, chạy với tốc độ 84km/giờ (tốc độ tối đa cho phép là 50km/giờ) và tông trực diện.

Hậu quả của vụ tai nạn do Phong gây ra là chiếc ô tô do Phong thuê và gây ra tai nạn bị hư hỏng nặng phần đầu; hai người trên xe máy bị Phong tông thì tài xế là anh Lê Mạnh Thường tử vong, còn chị Hường ngồi sau bị thương tật 79%.