1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đề nghị truy tố 6 bị can "lập mã chứng khoán khống, lừa hàng trăm tỷ đồng"

Ngày 25/11, được biết cơ quan tố tụng đã tiếp nhận hồ sơ vụ án hình sự do Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã kết thúc điều tra chuyển đến về vụ lừa đảo chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán SME (Công ty SME).

6 bị can trong vụ án gồm: Phan Huy Chí, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty SME; Phạm Minh Tuấn, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty SME; Nguyễn Thanh Nam, nguyên Giám đốc Công ty SME Chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Huy Sơn, Nguyễn Phương Lan, nguyên cán bộ Công ty SME và Cao Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Anh (Công ty CPTV Anh). Các bị can trên đều bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo kết luận điều tra: Ngày 21/4/2010, Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (Công ty PVI) ký 2 hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết với các khách hàng là Hoàng Ngọc Anh, Công ty CPTV Anh và Công ty SME do Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc làm đại diện. Tổng số tiền Công ty PVI góp vốn qua 2 hợp đồng là hơn 107,8 tỷ đồng.

Theo nội dung hợp đồng đã ký, thì đến ngày 17/4/2010, các khách hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền gốc và lợi nhuận cho Công ty PVI là hơn 121,8 tỷ đồng, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Công ty SME. Tuy nhiên, đến ngày 7/10/2011, Công ty PVI mới được khách hàng chuyển trả hơn 65,6 tỷ đồng... Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, Công ty PVI đã có văn bản đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác minh làm rõ.

Sở Giao dịch chứng khoán của Công ty SME.

Sở Giao dịch chứng khoán của Công ty SME.

Kết quả điều tra xác định, ngoài Công ty PVI còn có Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam (Công ty PVFI), Ngân hàng Thương mại cổ phần nhà Hà Nội Habubank (nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt (Ngân hàng Baovietbank) là nạn nhân bị lừa đảo.

Theo đó, bằng thủ đoạn gian dối, tạo dựng bên B, đưa các mã chứng khoán khống vào hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, hợp đồng ủy thác, cầm cố với Công ty PVI, Công ty PVFI, Habubank để lừa đảo chiếm đoạt của Công ty PVI số tiền hơn 107,8 tỷ đồng, của Công ty PVFI số tiền hơn 111,7 tỷ đồng, của Habubank 80 tỷ đồng và của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt (Baovietbank) 89,7 tỷ đồng. Trách nhiệm chính thuộc về Phạm Minh Tuấn, Phan Huy Chí, Nguyễn Thành Nam, có sự giúp sức tích cực của Nguyễn Huy Sơn, Nguyễn Phương Lan và Cao Tuấn Nghĩa. Trong đó, Phạm Minh Tuấn chiếm đoạt hơn 190 tỷ đồng, gồm của Công ty PVI 45,4 tỷ đồng, của Habubank 73 tỷ đồng và của Công ty PVFI 71,8 tỷ đồng...

Đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong giai đoạn thị trường chứng khoán còn non trẻ, các qui định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn nên số tiền bị chiếm đoạt của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp cũng rất lớn.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu hồi số tiền các bị can lừa đảo, nhưng mới chỉ khắc phục được phần nào số tiền bị chiếm đoạt

Theo Đào Minh Khoa
Công an nhân dân