1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đề nghị khởi tố người “mật báo” để Dương Chí Dũng bỏ trốn

(Dân trí) - Việc Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ có dấu hiệu làm lộ bí mật công tác, VKS đề nghị khởi tố vụ án hình sự. VKS cũng đã đề nghị HĐXX phạt Dương Tự Trọng 18-20 năm tù.

17h, tòa tuyên bố tạm dừng buổi làm việc, sáng mai (8/1) tòa sẽ tiếp tục làm việc.
 
16h49’, LS Nguyễn Thái Hòa – Trần Thiện Thuật, bào chữa cho bị cáo Phạm Minh Tuấn.
 
16h 45’, bị cáo Dương Tự Trọng trình bày thêm về việc VKS truy tố tại khoản 3 Điều 275 BLHS. Bị cáo trình bày không nói việc này cho bản thân mà cho chung các bị cáo trong vụ án. Theo đó, Dương Tự Trọng cho rằng đánh giá hậu quả vụ án là gây dư luận xấu, ảnh hưởng uy tín cơ quan pháp luật đều là những ước định, khó đo đếm. Việc VKS vận dụng nội dung này để kết tội các bị cáo là bất hợp lý.
 
16h25’, luật sư Trần Đình Hưng bảo vệ cho bị cáo Dương Tự Trọng bắt đầu nội dung trình bày. Ông Hưng cũng không đồng tình nhận định của VKS đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Dương Tự Trọng cầm đầu với thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi. Theo nhận thức của ông Hưng, nếu vụ án này, người trốn không phải Dương Chí Dũng mà là bất cứ bị cáo nào khác thì mức độ nghiêm trọng không được nhìn nhận như thế này.
 
Vì vậy, LS Hưng đề nghị trả hồ sơ vụ án đề điều tra lại, đánh giá đúng mức độ vi phạm của các bị cáo để có quyết định chính xác, đúng đắn.
 
Dương Chí Dũng tiết lộ chi số tiền lớn để “chạy tội” (Trực tiếp)

Dương Tự Trọng (trái) luôn giữ vẻ mặt "vô hồn" trong suốt quá trình xét xử nhưng lại biện luận hùng hồn về nguyên tắc nghề nghiệp.
 
16h2’, luật sư Đặng Việt Hùng – luật sư của bị cáo Vũ Tiến Sơn trình bày bài bào chữa cho thân chủ.
 
Theo luật sư, việc đánh giá vụ án là nghiêm trọng là khiên cưỡng. Việc bị cáo dùng sim rác, thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện di chuyển không phải là biện pháp tinh vi mà là tâm lý thông thường của người phạm tội, đã trốn thì phải như vậy. Việc này đều đã có tiền lệ, là điều bình thường chứ không nên coi là thủ đoạn tinh vi. Như vậy, theo luật sư là quan trọng hóa vấn đề.

Một số bị cáo khi đưa Dương Chí Dũng đi trốn chỉ biết Dương Chí Dũng có thể bị khởi tố, cũng không biết khởi tố tội gì, mức độ ra sao. Nhiều bị cáo khác thậm chí không biết gì. Việc vi phạm của Dương Chí Dũng là trách nhiệm của Dũng còn các bị cáo trong vụ án này chỉ biết Dũng là Dương Tự Trọng. Luật sư đặt câu hỏi, các bị cáo không hề biết Dũng phạm tội thế nào mà bị coi là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có phải là khiên cưỡng.

Theo luật sư, truy tố các bị cáo ở tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm, nếu ở tình huống nghiêm trọng khung hình phạt mới đến 7 năm tù. Còn ở đây các bị cáo chưa biết Dương Chí Dũng phạm tội ở mức độ như nào mà coi người tổ chức trốn là đặc biệt nghiêm trọng, theo luật sư, chưa hợp lý, mới chỉ là cảm nhận theo chủ quan.
 
Luật sư cho rằng, chỉ nên kết tội Vũ Tiến Sơn cũng như các bị cáo phạm tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài ở khoản 1 Điều 275 BLHS mới hợp lý chứ không phải khoản 3 điều này với khung hình phạt lên tới 12-20 năm tù.
 
15h 49’, VKS nhận định, Đồng Xuân Phong thực hiện tội phạm một cách tích cực, nhiều lần sang Campuchia tiếp tế cho Dương Chí Dũng trong khi bản thân mình cũng đang vi phạm pháp luật, phải trốn tránh.
 
Trần Văn Dũng đã đưa Dương Chí Dũng trót lọt qua cửa khẩu Mộc Bài, đã sang Campuchia thu xếp việc ăn ở cho Dương Chí Dũng, thể hiện tính chất coi thường pháp luật.
 

Phạm Minh Tuấn – bạn thân của Dương Tự Trọng đã đi Hà Nội đón Dương Chí Dũng từ nhà chị HKN vì biết nhà chị này, đưa đi Quảng Ninh trốn nhưng thành khẩn khai báo, hành động vì tình cảm, có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

 
Việc miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Hồng Vinh (em rể Dương Tự Trọng), VKS nhận định là có cơ sở, phù hợp, cần chấp nhận.
 
Hành vi làm giả hộ chiếu, một số giấy tờ khác của Đồng Xuân Phong, Bộ Công an đã chuyển cho Công an Hải phòng xem xét xử lý.
 
Từ phân tích nhận định này, VKS đề nghị HĐXX phạt Dương Tự Trọng 18-20 năm tù; Vũ Tiến Sơn 17-18 năm tù; Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Đồng Xuân Phong 6-7 năm tù; Phạm Minh Tuấn 5-6 năm tù.
 
Việc Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ có dấu hiệu làm lộ bí mật công tác, VKS đề nghị khởi tố vụ án hình sự. Với nội dung Dương Chí Dũng tố cáo về vụ tiêu cực, nhận hối lộ ông Ngọ, việc nhận hối lộ liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng Cảng Sài Gòn liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, VKS đề nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
 
15h45',  Viện kiểm sát đọc bản luận tội các bị cáo.
 
Đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng luận tội các bị cáo
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa
 
15h37’, Dương Tự Trọng xin được khai thêm. Trọng nói là người làm hình sự nên đã thành nghề, thông thường theo thói quen, đi làm án thì sẽ bỏ điện thoại ở nhà cũng như không được hỏi gì nhiều, thành nguyên tắc nghề nghiệp. Đó là thói quen với các anh em cấp dưới của Trọng hơn chục năm qua. Vậy nên việc các bị cáo khai về sự chấp hành, cứ thế làm theo, không hỏi lại gì là vì nghề nghiệp.
 
Về Phạm Minh Tuấn, Trọng giải thích, vì có mối quan hệ đặc biệt với mình nên thường được trưng dụng đi làm án cùng anh em, càng không được phép hỏi gì, được anh em trinh sát thường xuyên yêu cầu giúp đỡ không lý do, không thời điểm cụ thể.
 
15h33’, LS của bị cáo Phạm Minh Tuấn hỏi Dương Chí Dũng. Dũng xác nhận chỉ nhờ Tuấn đưa về Quảng Ninh, sau đó định sẽ tính đường sang Trung Quốc chứ không phải đi nhờ việc gì khác. Dũng quen Tuấn từ thời Tuấn cũng học đại học với Dương Tự Trọng, còn rất nghèo, Dũng hay đến cho 2 anh em lúc cái bánh mỳ, lúc túi bánh bao nhưng cũng chưa bao giờ đi chơi riêng hay làm việc vì riêng với Tuấn.
 
Bị cáo Phạm Minh Tuấn cũng xác định thân với Trọng từ thời đại học vì trân trọng tính cách với nhau. Tuấn biết Dương Chí Dũng là anh cả trong gia đình nhà Trọng.
 
15h26’, LS. Đặng Việt Hùng hỏi bị cáo Vũ Tiến Sơn, bị cáo nói, việc tham gia đưa Dương Chí Dũng đi, ngoài vấn đề tình cảm thì cũng không thể không thực hiện vì trong quan hệ công tác, Sơn, Ánh, Thắng là cấp dưới trực tiếp của Dương Tự Trọng.
 
15h17’, luật sư (LS) Trần Đình Hưng hỏi Dương Chí Dũng, bản thân chủ động đi trốn hay đi theo sự điều chỉnh của những người trong vụ án? Dũng trả lời đi theo hướng Dũng chỉ đạo – ban đầu đi Quảng Ninh, sau chuyển sang đi Sài Gòn, sang Campuchia. Các bị cáo thực ra chỉ lo xe cho Dũng đi. Theo Dũng, trong cuộc đi này, Trọng chỉ nhờ Thắng lấy xe để đưa anh trai đi Quảng Ninh.
 
Khi trốn đi, Dũng không ý thức được hậu quả của vụ án ở Vinanlines lại nghiêm trọng như thế này, thậm chí không nghĩ cố ý làm trái mà chỉ đi tránh cho êm một thời gian, được làm sáng tỏ thì sẽ trở về.
 
Việc cựu Chủ tịch Vinalines đi qua cửa khẩu sang Campuchia, theo Dũng, bảo là không hợp pháp thì không phải vì về mặt pháp lý là hợp pháp. Từ đó đi Singapore, đi Mỹ cũng là hợp pháp.
 
15h7', tòa tuyên bố tạm nghỉ 5 phút.
 
14h42’, tòa hỏi Vũ Tiến Sơn về việc Dương Tự Trọng có nói với Sơn: “Ông Ngọ nói đưa anh Dương Chí Dũng ra nước ngoài nghỉ mát?". Sơn xác nhận lời khai này đã 2 lần khai tại CQĐT, có trong các bút lục.
 
Bị cáo Dương Tự Trọng không phủ nhận nhưng cũng không thừa nhận tội
Dương Tự Trọng lại được tòa hỏi nhưng bị cáo tiếp tục “không xác nhận cũng không phản đối nội dung Sơn khai"
 

Dương Tự Trọng lại được tòa hỏi nhưng bị cáo tiếp tục “không xác nhận cũng không phản đối nội dung Sơn khai” với lý do, do hoàn cảnh gia đình, nhiều biến cố xảy ra, không nhớ gì cả.

 
Buổi trưa ngày 17/5, ngồi ăn với Trọng và Tràng bên Gia Lâm thì Dũng có điện thoại cho ông Phạm Quý Ngọ và được thông tin buổi chiều Thủ tướng sẽ có buổi làm việc về vấn đề ở Vinalines. Dũng sau đó thông tin lại việc này cho Trọng, Tràng. Chiều tối hôm đó, sau khi Dũng nhận được tin cảnh báo “tránh đi một thời gian” của ông Ngọ, Trọng cũng gọi điện hỏi tình hình. Đó là một sự trùng lặp ngẫu nhiên chứ không phải Dũng chủ động gọi cầu cứu em trai. Dũng sau đó chỉ gọi điện cho Đồng Xuân Phong.
 
14h, Dương Chí Dũng thuật lại trạng thái “quá bàng hoàng” khi ông Ngọ chỉ nói 1 câu về việc cấp trên đã đồng ý khởi tố, bắt tạm giam”, phải “lánh đi một thời gian” nên đã đi luôn. Dũng cho biết, bản thân có quan hệ từ lâu với ông Ngọ, từ khi ông Ngọ còn ở căn nhà nhỏ gần khu vực bờ sông Tô Lịch tới khi chuyển về khu chung cư siêu sang Pacific.

Hậu quả của quyết định bỏ đi này, theo Dương Chí Dũng, “giờ các anh em ở đây liên lụy”. Dũng khẳng định không biết em trai và bạn bè bàn bạc kiểu gì nhưng ban đầu, Dũng chủ động đề xuất đi Trung Quốc nên chạy đi Quảng Ninh. Nhưng sau đó, “bấm” lại giờ giấc, hướng đi (Dũng giải thích bản thân nghiên cứu tướng số, kinh dịch…) thấy không thuận. Trong người có hộ chiếu có sẵn visa đi Mỹ nên Dũng nghĩ đến sang Campuchia để đi Mỹ.

“Anh em ở đây toàn là người tốt. Tôi không muốn ai liên lụy nên còn khai là đi xe máy. Anh Thắng ngồi trên xe thậm chí còn cho tôi 1000USD, bảo không có gì, anh cầm tạm đi đường” – Dũng cũng khẳng định, không bao giờ điện cho em trai báo tin vì biết điện cho người thân là lộ ngay, chỉ điện thoại cho Đồng Xuân Phong – người rất thân, anh em Dũng – Trọng coi như em út trong nhà.

“Việc của tôi, tội lớn, ầm ĩ nhưng anh em rất tốt, chỉ vì tôi mà mang tội. Họ chỉ làm vì tình người thôi. Giờ tôi đã rất ân hận vì việc bỏ trốn rồi” - Dương Chí Dũng xác nhận quá trình trốn tránh như Thắng đã khai.

Dũng cũng trần tình: “Em tôi, tôi rất thương, tôi có thể chết để em không bị sao được nhưng giờ đã đến thế này, tôi thấy sự thật thế nào thì phải nói vậy”.

Chủ tọa phiên tòa khẳng định, nội dung Dũng khai phù hợp với sổ nhật ký của bị án (gọi là sổ vạn sự), ghi rõ các nội dung, hành trình đi từ Quảng Ninh vào TPHCM. Dũng xác nhận luôn mang trong mình quyển số nhật ký nên quá trình đi luôn ghi chép lại toàn bộ sự việc và hành trình bỏ trốn.

“Thật sự tôi không muốn nói ra những người liên quan đâu nhưng nhìn thấy em trai tôi thế này, thương quá, tôi đành nói ra tất cả. Trong quá trình sau khi vụ Vinalines xử xong, tôi đã viết 16 trang đơn về quá trình phạm tội và hành trình bỏ trốn, gửi đơn kháng cáo và tố cáo gửi Chính phủ, Chủ tịch nước, Ban Nội chính TƯ, Tóa án, VKS tối cao…” - Dương Chí Dũng trình bày.

13h30', Tiếp phiên xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, đầu giờ chiều, Tòa tiếp tục xét hỏi Dương Chí Dũng, người được triệu tập đến tòa với tư cách nhân chứng.
 
Dương Chí Dũng cho biết, có nguyên nhân nên tại phiên tòa trước không khai tên người mật báo mà giờ lại khai, nhưng bị cáo khẳng định lời khai này là sự thật. Dũng khai, khoảng 17-18h chiều ngày 17/5 Dũng nhận được điện thoại của Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ báo Thủ tướng đã đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Dũng. Khi đó, Dũng cho rằng mình quá hoảng, làm theo lời hướng dẫn của ông Ngọ là tránh đi một thời gian mà không suy nghĩ gì đến hệ quả liên quan.
 
Dương Chí Dũng khai nhiều thông tin bất ngờ trong phiên xử em trai Dương Tự Trọng

Dương Chí Dũng khai nhiều thông tin bất ngờ trong phiên xử em trai Dương Tự Trọng
 
Theo bị cáo, trước đó, hồi cuối tháng 4, Dũng và vợ đến thăm vợ chồng ông Ngọ đang nghỉ tại Tuần Châu vì có nhận được giấy triệu tập của C48 đầu tháng 5 đến làm việc về vụ mua ụ nổi 83M. Khi Dũng điện thoại, ông Ngọ đã định về Thái Bình nhưng Dũng bảo đến nên ông Ngọ chờ. Dũng đề nghị được xem xét hết sức khách quan vì việc đầu tư ụ nổi này nhiều thủ tục, giai đoạn, quy trình. Khi Dũng đến cũng có "quà" cho vợ chồng ông Ngọ (có biếu phong bì 10.000 USD).
 
Đến tối 2/5, Dương Chí Dũng lại đến nhà ông Ngọ bằng xe cơ quan. Đến tòa nhà Pacific Lý Thường Kiệt, lễ tân bấm điện thoại gọi hỏi, vợ ông Ngọ nghe máy và nói ông đang chờ Dũng. Dũng nhìn quanh thì thấy ông này đang ở nhà hàng My Way, 1 tay chỉ xuống dưới, 1 tay chỉ lên trên (ý nói là lên nhà trước).

Tòa hỏi lại, trong túi mang gì? Dũng trình bày, túi có đựng 500.000USD để biếu ông Ngọ. Khi lên đến nhà, vợ ông Ngọ đưa vào phòng khách, pha nước mời, một lúc thì ông Ngọ lên. Ông Ngọ gợi ý kiếm 1 sim rác để gọi cho ông nên Dương Chí Dũng đã làm theo.
 
Lúc ngồi tại nhà, ông Ngọ điện cho ông Thanh (Cục trưởng C48) nhưng ông này không nghe máy. Dũng đề nghị cho xin lại số điện thoại người này nhưng ngại không liên lạc trực tiếp mà nhờ con trai ông Ngọ dẫn đến nhà ông Thanh. Sau đó, con trai ông Ngọ đưa Dũng đến nhà ông Thanh và quà chuẩn bị cho vị Cục trưởng này là 20.000 USD trong cái túi có 1 chai rượu. 
 
Dũng khai nguồn tiền để đưa ông Ngọ lo việc được huy động từ nhiều nơi, từ người anh em cọc chèo 200.000 USD, nhà có dự trữ hơn 100.000 USD để phòng lo cho 2 con đang ăn học ở nước ngoài...
 
Phương Thảo