1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phiên xử Dương Tự Trọng:

Sẽ làm rõ vụ “mật báo” cho Dương Chí Dũng bỏ trốn

(Dân trí) - Thông tin từ TAND Hà Nội, tại phiên xử cựu Đại tá công an Dương Tự Trọng và đồng phạm, HĐXX sẽ tập trung làm rõ hành vi của Trọng vì bị cáo đến giờ vẫn không thừa nhận cáo trạng. Tình tiết người “mật báo” cho Dương Chí Dũng bỏ trốn cũng được xét kỹ.

Dương Tự Trọng tại cơ quan điều tra không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng CQĐT và cơ quan truy tố cho rằng lời khai của các bị can và các đối tượng có liên quan phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được điều tra, thu thập trong vụ án nên có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của Trọng.

Trong đó, chính anh trai bị cáo - cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng đã khai, chiều 17/5/2012, biết được thông tin sẽ bị cơ quan CSĐT - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam về tội “cố ý làm trái”, Dũng đã thông báo với em trai Dương Tự Trọng và được Trọng hướng dẫn tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái Trọng tại đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội). Theo đó, việc TAND Hà Nội yêu cầu trại giam trích xuất, triệu tập bị án Dương Chí Dũng đến tòa cũng để xem xét, làm rõ, đối chất với em trai tại tòa.
Anh em Dương Tự Trọng (trái) và Dương Chí Dũng sẽ hội ngộ tại toà

Anh em Dương Tự Trọng (trái) và Dương Chí Dũng sẽ hội ngộ tại toà

Ngoài ra, lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa cũng có giá trị để làm rõ của các bị cáo khác trong quá trình đưa Dũng trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam. Phân tích của tòa án, với mục đích cuối cùng là đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, cần triệu tập tất cả những người có liên quan trong các khâu để làm rõ không chỉ hành vi của Dương Tự Trọng mà của cả những bị cáo khác.

Do đó, ngoài Dương Chí Dũng, tòa còn triệu tập thêm 7 nhân chứng khác là những người từng cho Dương Chí Dũng “tạm trú”, người lái xe đi đón Dũng khi vào đến Sài Gòn, thậm chí là người chỉ cho mượn xe, không biết mục đích sử dụng hoặc chỉ chứng kiến việc các bị cáo trao đổi với nhau…

Có quyết định đưa vụ án ra xét xử nghĩa là tòa án xác định nội dung truy tố của VKSND tối cao đối với 7 bị cáo về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” là có cơ sở. Tuy nhiên, cả vấn đề tội danh truy tố lẫn khung hình phạt truy tố đều phải được tranh luận công khai tại phiên tòa mới có đủ căn cứ để xác định nội dung truy tố đúng hay sai.

Tòa án sẽ phải làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo trong vụ án, đặc biệt cần tập trung quan tâm làm rõ hành vi của Dương Tự Trọng vì tại CQĐT bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội. Theo luật, bị can bị cáo không có nghĩa vụ phải nhận tội mà cơ quan tố tụng phải chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Vì vậy, trong trường hợp chứng minh được hành vi phạm tội của Trọng thì việc bị cáo không khai nhận tội cũng không được xem là tình tiết tăng nặng cho bị cáo mà nếu bị cáo thể hiện thái độ thành khẩn thì lại xem là tình tiết giảm nhẹ tội trạng.

Tại phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng về tội cố ý làm trái, tham ô tài sản tại TCT Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) vừa qua, tòa có đề cập một chi tiết, Dũng nhận được điện thoại mật báo từ một cán bộ CQĐT về việc sẽ bị khởi tố vì những sai phạm tại Vinalines. Từ đó, Dũng mới gọi điện cho em trai và được tổ chức đưa đi trốn. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng khi đó đã xin không được khai báo về tên tuổi người này.

Còn trong phiên xử này, vì nội dung đó đã được thể hiện trong cáo trạng nên tòa sẽ tiến hành xét hỏi một cách toàn diện, công khai về tất cả các tình tiết cơ quan công tố đã đề cập, kể cả tình tiết có người “mật báo” cho cựu Chủ tịch Vinalines (ở đoạn cuối của cáo trạng). Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một chi tiết “nhạy cảm”. Tuy nhiên, theo tinh thần tranh tụng công khai tại tòa, HĐXX sẽ công khai những tình tiết có trong vụ án.

Trong vụ án cũng có tình tiết, dù ở cương vị rất cao - Phó GĐ Công an Hải Phòng rồi làm Phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an nhưng lại có mối quan hệ “ngầm” với các đối tượng xã hội đen, thậm chí che giấu, không tổ chức truy bắt một đối tượng đang bị truy nã là Đồng Xuân Phong (về tội buôn lậu) để khống chế buộc Phong tham gia vụ đào tẩu. Cáo trạng truy tố đã nhắc lại nhiều lần chi tiết này.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng, trong vụ án này, tòa sẽ không xem xét trách nhiệm của Trọng về vấn đề này. Theo đó, nếu xét thấy Dương Tự Trọng có hành vi che giấu Đồng Xuân Phong, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm của bị cáo về việc này trong một vụ án khác.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cũng nghi ngại về áp lực đối với cơ quan xét xử trước một vụ án nghiêm trọng mà người phạm tội chủ mưu là một cán bộ, một quan chức không nhỏ của nhà nước nhưng đối với tòa, sẽ chỉ có một áp lực duy nhất là áp lực từ pháp luật, để sao vận dụng, áp dụng pháp luật một cách chính xác, xem xét một cách khách quan, toàn diện đối với vụ án.

P.Thảo