1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đẩy mạnh hợp tác phòng chống ma túy tiểu vùng sông Mê Kông

(Dân trí) - Từ ngày 7 - 10/5/2013, tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanma đã diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng về Hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mê Công (MOU).

Tham dự hội nghị có gần 100 đại biểu chính thức từ các nước Campuchia, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc, Lào, Việt Nam và Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC). Đoàn đại biểu Việt Nam do Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
 
Đoàn chủ tịch Hội nghị MOU tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanma.
Đoàn chủ tịch Hội nghị MOU tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanma.

Ra đời năm 1993, Bản thỏa thuận MOU đã thể hiện cam kết của các nước tiểu vùng trong việc hợp tác phòng, chống ma túy, mà trọng tâm là xóa bỏ cây thuốc phiện, vốn là vấn đề quan tâm chung của khu vực. Trong 20 năm qua, thực hiện kế hoạch hành động tiểu vùng, các nước thành viên đạt được những kết quả đáng khích lệ, như: giảm cơ bản diện tích gieo trồng thuốc phiện; thiết lập được 74 Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) nhằm tăng cường hợp tác chống buôn bán ma túy qua biên giới; triển khai chương trình tập huấn trên máy tính (CBT) cho lực lượng hành pháp; phối hợp đấu tranh bóc gỡ được nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia; huy động được một nguồn lực đáng kể từ cộng đồng quốc tế cho các hoạt động phòng, chống ma túy trong khu vực…

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình ma túy khu vực, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện bản Kế hoạch Hành động Tiểu vùng VIII được thông qua tại Hội nghị MOU cấp Bộ trưởng tổ chức ở Lào năm 2011. Hội nghị thống nhất cho rằng cơ chế hợp tác tiểu vùng là một khuôn khổ hợp tác năng động, hiệu quả của khu vực, tiếp tục đóng vai trò như một diễn đàn để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác giữa các nước trong phòng, chống ma túy.

Tuy nhiên, xu hướng gia tăng trở lại của việc trồng cây thuốc phiện và sản xuất, buôn bán ma túy tổng hợp cũng như sự suy giảm của nguồn tài trợ đang đặt ra những thách thức lớn cho cơ chế hợp tác tiểu vùng. Hội nghị cho rằng, tương lai và hiệu quả hợp tác trong khuôn khổ cơ chế này sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn nội lực của mỗi nước, cũng như sự tham gia tích cực và nâng cao hơn nữa vai trò chủ đạo của các nước thành viên trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy của tiểu vùng, chia sẻ trách nhiệm huy động các nguồn lực theo tinh thần cam kết trong Bản ghi nhớ.

Để tiếp tục khẳng định cam kết và thể hiện nỗ lực củng cố và đẩy mạnh cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông về phòng, chống ma túy, Trưởng đoàn các nước tham dự hội nghị đã ký Tuyên bố chung Nay Pyi Taw, trong đó đưa ra một số hướng ưu tiên trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam - đã nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy; phân tích những khó khăn thách thức đang đặt ra cho khu vực hiện nay; đồng thời đưa ra những kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế hợp tác tiểu vùng trong thời gian tới.

Nhân dịp này Đoàn đại biểu Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Myanma, đoàn đại biểu Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) để trao đổi và thúc đẩy quan hệ hợp tác phòng, chống ma túy giữa Việt Nam và các đối tác này.

Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông về phòng, chống ma túy tiếp theo sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2015.
 
Khoa Nguyên