Bắc Ninh:
Dàn cựu lãnh đạo, cán bộ UBND thị trấn Lim nhận hơn 46 năm tù
(Dân trí) - Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt ông Hoàng, ông Nhuệ và ông Tín cùng 12 năm tù, ông Thưởng 10 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
Ngày 28/4, TAND huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, xảy ra tại dự án dự án khu Cầu Chiêu - Bãi Lán (thị trấn Lim).
Phiên tòa sáng nay là phần tranh luận giữa luật sư bào chữa cho bị cáo với cơ quan giữ quyền công tố.
Tranh cãi về động cơ phạm tội
Trước tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng động cơ và căn cứ xác định lỗi của thân chủ mình chưa được làm rõ, vì vậy, việc truy tố 4 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ là không chính xác.
Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo không có tư lợi cá nhân nhưng có "động cơ khác". Cơ quan công tố giải thích, "động cơ khác" ở đây là muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Trong vụ án, ngoài gây ra thiệt hại cho 2 hộ dân, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước, làm người dân hiểu sai về pháp luật. Các bị cáo là người có trách nhiệm, quyền hạn, là người có chuyên môn nghiệp vụ, buộc phải biết việc hoán đổi đất là không đúng quy định. Do đó, đây là lỗi cố ý trực tiếp", kiểm sát viên nói.
Ngay sau đó, luật sư phản bác lại ý kiến trên, cho rằng lập luận của VKS về động cơ phạm tội của các bị cáo là không hợp lý.
"Muốn đẩy nhanh dự án, muốn người dân có chỗ ở, như này phải là rất tốt. Không thể quy kết các lý do trên là động cơ phạm tội, để buộc tội hay là căn cứ truy tố", luật sư đưa ra quan điểm và nói nguyên tắc suy đoán vô tội đã không được VKS áp dụng.
Đối với việc xác định lỗi của thân chủ, luật sư cho rằng người bị kết tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ phải biết rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.
Tuy nhiên, theo luật sư, các bị cáo khi thực hiện dự án đã tuân thủ theo quy định Luật Đất đai, các Nghị định, Thông tư, đồng thời họ không có hành vi sai phạm, không có lỗi cố ý trực tiếp và cũng không mong muốn hậu quả xảy ra là thiệt hại cho 2 hộ dân.
"VKS phải chứng minh được các bị cáo mong muốn gây thiệt hại cho bị hại thì đó mới là lỗi cố ý trực tiếp. Bản thân bị hại cũng thừa nhận không thiệt hại mà VKS vẫn quy kết là có thiệt hại hơn 1,1 tỷ đồng", luật sư đưa ra quan điểm.
Đáp trả lại, đại diện cơ quan công tố nhận định, "hoàn thành nhiệm vụ" là động cơ cá nhân của các bị cáo, đủ điều kiện để trở thành 1 trong 4 căn cứ truy tố.
"Các bị cáo cho rằng vì muốn đẩy nhanh tiến độ, vì người dân mà làm trái pháp luật nhưng thực tế, người dân không được cấp sổ đỏ, vậy có là tốt cho người dân?", đại diện VKS đặt câu hỏi ngược lại cho các luật sư.
Đối với luận điểm là bị hại tự nhận không bị thiệt hại, kiểm sát viên đặt giả thuyết nếu thời điểm thỏa thuận bồi thường, các bị cáo nói việc hoán đổi đất sẽ không được cấp sổ đỏ như hiện tại, thì 2 hộ dân có đồng ý giao đất hay không? Từ đó, thiệt hại ở đây là 2 hộ không được bồi thường, cũng không được cấp sổ đỏ trong khi họ đã xây dựng nhà cửa.
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng cơ quan điều tra đang có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi chưa xem xét trách nhiệm của UBND huyện Tiên Du trong vụ án.
Trả lời nội dung này, đại diện VKS cho rằng không có tài liệu thể hiện chỉ đạo của UBND huyện xuống UBND thị trấn Lim về việc hoán đổi đất đối với 2 bị hại.
Tuyên án
Trước khi nghị án, 4 bị cáo được cho nói lời sau cùng. Cả 4 người đều đề nghị tòa án trả hồ sơ, điều tra bổ sung. Có người kêu oan, có người cho rằng tòa đang bỏ lọt tội phạm.
Trong phần tuyên án, chủ tọa phiên tòa đánh giá các bị cáo cố chấp, né tránh trách nhiệm. Các bị cáo đã thay đổi toàn bộ lời khai trên tòa so với hồ sơ điều tra. HĐXX nhận định sự thỏa thuận không đúng quy định giữa các bị cáo đã gieo hy vọng cho người dân, dẫn đến sự hiểu biết sai về pháp luật trong nhân dân, khiến việc khiếu kiện kéo dài.
Vì vậy, tòa tuyên các bị cáo Nguyễn Trọng Hoàng (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim), Nguyễn Hữu Nhuệ (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim) và Bạch Trung Tín (cựu cán bộ địa chính UBND thị trấn Lim) cùng 12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ; Bạch Công Thưởng (cựu Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lim) 10 năm 6 tháng tù cùng về tội danh trên.
Theo cáo buộc, quá trình triển khai thực hiện dự án khu Cầu Chiêu - Bãi Lán từ năm 2008 đến năm 2018, 4 bị cáo trên được xác định đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở đối với 2 hộ ông Nguyễn Thế Pha và ông Nguyễn Hữu Dụng trái với phương án đã được phê duyệt.
Cụ thể, khi dự án gặp nút thắt trong việc bồi thường, thu hồi đất, bị cáo Hoàng đã chỉ đạo Bạch Trung Tín tham mưu tổ chức nhiều cuộc họp với dân và thống nhất phương án "Trích 10% đất ở tại dự án cho các hộ dân có đất giao lâu dài bị thu hồi và Đấu giá nội bộ đất ở tại dự án (người địa phương mới được đăng ký mua và phải qua xét duyệt theo tiêu chuẩn của địa phương)".
Phương án trên được hầu hết hộ dân chấp thuận, bàn giao đất nhưng riêng 2 hộ ông Pha và ông Dụng không đồng ý, không nhận tiền bồi thường và yêu cầu được trích lại đất ở.
Cơ quan chức năng xác định ông Hoàng và ông Tín đã tự thỏa thuận với 2 hộ trên sẽ hoán đổi đất nông nghiệp bị thu hồi thành đất ở tại dự án. Sau khi nhận các lô đất như được cam kết, ông Pha và ông Dụng không được cơ quan thẩm quyền cấp sổ đỏ.
Theo cáo trạng, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ông Pha, ông Dụng hơn 1,1 tỷ đồng.
Trước khi phiên tòa diễn ra, hơn 100 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất trong dự án 5,2ha đã có đơn kêu oan cho 4 bị cáo. Họ cho rằng thỏa thuận bồi thường trích lại 10% đất sạch là chỉ đạo của UBND huyện Tiên Du và UBND thị trấn Lim chỉ có trách nhiệm thực hiện.
Tương tự, một trong 2 người được xác định là bị hại của vụ án, ông Nguyễn Thế Pha, cũng có đơn kêu oan cho các bị cáo. Ông Pha nhận định việc khởi tố, điều tra, truy tố 4 bị cáo trên có dấu hiệu oan sai. Bản thân gia đình ông không có thiệt hại gì trong vụ án này.