1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xét xử cựu lãnh đạo UBND thị trấn Lim: Hơn 100 người kêu oan cho 4 bị cáo

Hải Nam

(Dân trí) - Trước khi phiên tòa diễn ra, hơn 100 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất trong dự án 5,2ha đã có đơn kêu oan cho 4 bị cáo. Một trong 2 bị hại của vụ án cũng kêu oan cho những người bị đưa ra xét xử.

Sáng 27/4, TAND huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, mở phiên tòa sơ thẩm vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại dự án khu Cầu Chiêu - Bãi Lán (thị trấn Lim).

Các bị cáo bị đưa ra xét xử tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, là ông Nguyễn Trọng Hoàng (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim), Nguyễn Hữu Nhuệ (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim), Bạch Công Thưởng (cựu Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lim) và Bạch Trung Tín (cựu cán bộ địa chính UBND thị trấn Lim).

Trước khi phiên tòa diễn ra, HĐXX do bà Nguyễn Thúy Hằng làm chủ tọa không cho phép các cơ quan báo chí được ghi hình, ghi âm, quay phim.

Cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thiệt hại nhiều tỷ đồng

Theo cáo trạng, năm 2005, UBND thị trấn Lim lập tờ trình xin UBND huyện Tiên Du về chủ trương đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép thực hiện dự án cấp đất cho người dân tại thôn Lũng Giang và thôn Lũng Sơn.

Cuối năm 2005, Sở Xây dựng Bắc Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở dân cư dịch vụ thôn Lũng Giang và Lũng Sơn (gọi tắt là dự án 5,2ha). Hai năm sau, do có sự thay đổi quy định về đất đai, UBND thị trấn Lim chỉnh sửa, điều chỉnh hồ sơ dự án thành đấu giá quyền sử dụng đất.

Cơ quan công tố cáo buộc, quá trình triển khai thực hiện dự án từ năm 2008 đến năm 2018, một số cán bộ công chức UBND thị trấn Lim đã có những sai phạm trong việc thực hiện dự án. Cụ thể, 4 bị cáo trên được xác định đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở đối với 2 hộ ông Nguyễn Thế Pha và ông Nguyễn Hữu Dụng trái với phương án đã được phê duyệt.

Xét xử cựu lãnh đạo UBND thị trấn Lim: Hơn 100 người kêu oan cho 4 bị cáo - 1

Tòa án nhân dân huyện Tiên Du (Ảnh: Hải Nam).

Cáo trạng của VKS thể hiện, thời điểm đầu khi dự án triển khai, các hộ dân có đất bị thu hồi không đồng ý với mức giá bồi thường, hỗ trợ. Họ yêu cầu mức bồi thường cao hơn và thực hiện dự án cấp đất cho người dân chứ không đấu giá quyền sử dụng đất. Dự án lúc này bị gián đoạn.

Dự án được "tái khởi động" khi ông Hoàng được bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND thị trấn Lim vào tháng 11/2009. Với khúc mắc tại khâu bồi thường, bị cáo Hoàng đã chỉ đạo Bạch Trung Tín tham mưu tổ chức nhiều cuộc họp với dân và thống nhất phương án "Trích 10% đất ở tại dự án cho các hộ dân có đất giao lâu dài bị thu hồi và Đấu giá nội bộ đất ở tại dự án (người địa phương mới được đăng ký mua và phải qua xét duyệt theo tiêu chuẩn của địa phương)".

Phương án trên được hầu hết hộ dân chấp thuận, bàn giao đất nhưng riêng 2 hộ ông Pha và ông Dụng không đồng ý, không nhận tiền bồi thường và yêu cầu được trích lại đất ở.

Sau đó, UBND thị trấn Lim gửi các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh và huyện đề nghị "cho phép UBND thị trấn Lim được đấu giá hạn chế thuộc Dự án 5,2 ha". Ngày 10/8/2012, ông Nguyễn Minh Hải (Chủ tịch UBND huyện Tiên Du) ký văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc đề nghị cho phép UBND thị trấn Lim được đấu giá hạn chế thuộc Dự án 5,2 ha.

Đến ngày 17/9/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh có công văn phúc đáp với nội dung "phải tổ chức đấu giá rộng rãi", tức là không cho phép Dự án 5,2 ha được đấu giá hạn chế như đề nghị của huyện Tiên Du và thị trấn Lim.

Mặc dù vậy, cơ quan tố tụng xác định ông Hoàng và ông Tín đã không chấp hành chỉ đạo mà vẫn thực hiện theo phương án cũ. Đối với 2 hộ ông Pha và ông Dụng, các bị cáo thỏa thuận sẽ hoán đổi đất nông nghiệp bị thu hồi thành đất ở tại dự án.

Theo cáo trạng, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 11 tỷ đồng, cho 2 bị hại là ông Pha, ông Dụng hơn 1,1 tỷ đồng.

"Bị cáo bị oan"

Trước tòa, các bị cáo đều phủ nhận cáo buộc, nội dung trong cáo trạng. Họ đều "kêu oan". Trong đó, bị cáo Hoàng thay đổi lời khai, đồng thời cung cấp thêm cho HĐXX bằng chứng "gỡ tội" cho bản thân.

Tại bục khai báo, ông Hoàng cho biết thời điểm bị cáo tiếp nhận lại Dự án từ lãnh đạo thị trấn trước, UBND thị trấn Lim đã tổ chức cuộc họp bàn về giá bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất. Cuộc họp này có sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, giám đốc dự án...

"Tại cuộc họp, chúng tôi so sánh dự án 5,2 ha với một dự án khác cũng đang được triển khai thì thấy thực tế giá bồi thường giữa 2 dự án chênh nhau quá nhiều. Dự án 5,2 ha bồi thường 69 triệu đồng/sào, còn dự án kia bồi thường 159 triệu đồng/sào", bị cáo Hoàng nói và cho biết cuộc họp trên đã đi đến giải pháp trích lại 10% đất sạch lại cho người dân.

Về phương án bồi thường trên, bị cáo Hoàng cho biết được cấp dưới là ông Tín (cán bộ địa chính) tham mưu, đề xuất. Ông Hoàng khẳng định các bước giải phóng mặt bằng, bồi thường của Dự án 5,2 ha hoàn toàn đúng.

Xét xử cựu lãnh đạo UBND thị trấn Lim: Hơn 100 người kêu oan cho 4 bị cáo - 2

(Ảnh minh họa: Vietnammoi).

"Đây là giải pháp duy nhất để triển khai dự án, không còn lựa chọn nào khác", bị cáo Hoàng nói. Sau đó, 2 hộ ông Pha và ông Dụng đã đồng ý giao đất, chấp nhận phương án bồi thường.

Trước cáo buộc "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" trong việc thỏa thuận bồi thường đất, ông Hoàng cho biết trước khi triển khai, UBND thị trấn Lim đã có công văn gửi các cấp có thẩm quyền ở huyện Tiên Du, nhưng họ không nhận được bất kỳ phản hồi, công văn phúc đáp nào.

"Chúng tôi không lợi dụng chức vụ quyền hạn vì thực tế chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện", bị cáo Hoàng nói và khẳng định phương án bồi thường của UBND thị trấn Lim đã được báo cáo với Chủ tịch UBND huyện Tiên Du lúc đó.

Tại tòa, ông Hoàng nộp một sổ tay công tác. Trong sổ, bị cáo cho biết có đầy đủ nội dung chứng minh cho lời khai của ông trước tòa là trung thực.

Đến lượt xét hỏi của Nguyễn Hữu Nhuệ, bị cáo này đồng tình với những lời khai của ông Nguyễn Trọng Hoàng.

"Mục đích của chúng tôi là vì dân, cũng như theo luật là đúng", bị cáo Nhuệ trả lời chất vấn về câu hỏi "hoán đổi đất" có đúng không.

Trong khi đó, bị cáo Tín cho rằng lời khai của những bị cáo khác đúng nhưng chưa đầy đủ. Cựu cán bộ địa chính trình bày, toàn bộ quá trình thực hiện dự án, bị cáo đều bám theo sự chỉ đạo của cấp trên. Riêng bản thân ông Tín chịu trách nhiệm chính trong dự án này.

Theo lời khai của bị cáo Tín trước tòa, cam kết về thỏa thuận đền bù giữa UBND thị trấn Lim với các hộ dân đều căn cứ theo chỉ đạo của UBND huyện Tiên Du. Bị cáo Tín cũng khẳng định không hưởng lợi gì trong vụ án này.

Bị chất vấn về thỏa thuận "hoán đổi đất" với 2 hộ ông Pha và ông Dụng, bị cáo Tín cho biết chính ông là người tham mưu cho UBND thị trấn về phương án trên. Nêu quan điểm trước tòa, bị cáo Tín cho rằng phương án bồi thường trên đem lại lợi ích cho cả người dân lẫn nhà nước.

"Nếu được thực hiện theo đúng phương án trên thì toàn bộ dự án sẽ hoàn thiện. Mục đích của bị cáo khi đó chỉ là muốn hoàn thành dự án, đảm bảo quyền lợi cho người dân", ông Tín trình bày.

Trước khi phiên tòa diễn ra, hơn 100 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất trong dự án 5,2 ha đã có đơn kêu oan cho 4 bị cáo. Họ cho rằng thỏa thuận bồi thường trích lại 10% đất sạch là chỉ đạo của UBND huyện Tiên Du và UBND thị trấn Lim chỉ có trách nhiệm thực hiện.

Tương tự, một trong 2 người được xác định là bị hại của vụ án, ông Nguyễn Thế Pha, cũng có đơn kêu oan cho các bị cáo. Ông Pha nhận định việc khởi tố, điều tra, truy tố 4 bị cáo trên có dấu hiệu oan sai. Bản thân gia đình ông không có thiệt hại gì trong vụ án này.