1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đại gia Dương Thị Bạch Diệp than "đau đớn vì 3 năm ở tù", một mực kêu oan

Xuân Duy

(Dân trí) - Tự bào chữa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp cho rằng mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho rằng gần 3 năm ở tù, đau đớn cũng nhiều.

Chiều 17/11, phiên tòa xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương (tức đại gia Diệp Bạch Dương ); cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm tiếp tục tranh luận.

Tại phiên tòa buổi sáng, đại diện Viện Kiểm sát xác định cáo trạng truy tố bà Diệp, ông Tài cùng đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Đại gia Dương Thị Bạch Diệp than đau đớn vì 3 năm ở tù, một mực kêu oan - 1

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.

Bà Diệp đã sử dụng thủ đoạn gian dối trong việc hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng để chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Ông Tài và các bị cáo nguyên là cán bộ UBND TPHCM đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra tính pháp lý căn nhà số 57 Cao Thắng, từ đó, "tạo điều kiện" cho nữ đại gia thực hiện hành vi lừa đảo.

Từ đó, cơ quan công tố đề nghị tòa tuyên phạt bà Dương Thị Bạch Diệp mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài. Bị cáo Nguyễn Thành Tài mức án từ 5-6 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh trên, cấp dưới của ông Tài bị đề nghị mức án từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù.

Khi nghe Viện Kiểm sát luận tội, bà Diệp mất bình tĩnh, la lớn, bật khóc và cho rằng chứng cứ trong hồ sơ vụ án là giả mạo.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo bị cáo Diệp vẫn cho rằng, mình bị khởi tố, bắt giam oan, bị cáo Diệp bác bỏ toàn bộ quan điểm luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát đối với mình. Bị cáo khẳng định mình không lừa đảo ai, và cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã dùng những chứng cứ giả mạo để buộc tội oan cho bị cáo. 

Bị cáo cho rằng, cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của bị cáo như một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, trong khi bị cáo từng là cán bộ nhà nước, được Nhà nước tặng thưởng huy chương nhưng cáo trạng không đề cập đến, là thiếu công bằng đối với bị cáo.

"Tôi khẳng định một điều duy nhất là không thế chấp nhà 57 Cao Thắng. Có sự đánh tráo nội dung hợp đồng tín dụng và tài sản. Tài sản này không hề thế chấp trong hệ thống ngân hàng", bà Diệp nói.

Khi chủ tọa nhắc "bị cáo còn chứng cứ nào nữa không", bà Diệp nói: "Gần 3 năm ở tù, đớn đau cũng nhiều, ai cũng biết…".

Cho rằng bà Diệp không bình tĩnh khi trình bày, chủ tọa mời bà về chỗ và an tâm khi có tới 6 luật sư bảo vệ cho bị cáo.

Các luật sư không đồng tình với Viện kiểm sát và đề nghị HĐXX xem xét lại bản chất, tính pháp lý của hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng. Từ đó, luật sư cho rằng đủ niềm tin và căn cứ pháp lý xác định thân chủ mình không phạm tội lừa đảo, đề nghị tòa trả tự do, khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Diệp theo quy định của pháp luật.

Cạnh đó, các luật sư cho rằng về mặt pháp lý và thực tế, tài sản Nhà nước không bị mất đi và không bị chiếm đoạt, quyền xác lập giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất thuộc về Nhà nước. Bà Diệp không có cơ hội và không thể chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng. 

Ngày mai (18/11), phiên tòa tiếp tục tranh luận.