1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đại án tham nhũng tại Agribank: Thuộc cấp “tố” sếp... bảo kê sai phạm

(Dân trí) - Chiều 8/12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án sai phạm tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

“Ông Hảo chỉ đạo nên làm”

Tại phiên tòa, sau khi vị đại diện VKS đọc xong bản cáo trạng, tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo Phạm Xuân Nghị (SN 1962, nguyên trưởng phòng cho thuê) cho biết, mình làm theo sự chỉ đạo của ông Vũ Quốc Hảo (nguyên giám đốc của ALCII). Vì thế, dù biết sai nhưng phải thực hiện khi ông Hảo nhiều lần khẳng định “cứ làm, không có vấn đề gì”.


Vũ Quốc Hảo được cho là nguồn cơn của sai phạm

Vũ Quốc Hảo được cho là "nguồn cơn" của sai phạm

Theo đó, ngày 6/10/2008, Phạm Đức Tuấn Anh (nguyên giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ biển Hải Phòng) ký văn bản đề nghị Công ty ALCII cho thuê tài chính đối với tàu Whale, trọng tải 4332,3 tấn, trị giá gần 95 tỷ đồng. Khi nhận hồ sơ, biết công ty này chỉ có số vốn gần 2 tỷ đồng nhưng Hảo vẫn phê duyệt vào văn bản đề nghị xin thuê rồi chuyển cho Ngyễn Văn Tài (phó giám đốc ALCII) và Nghị để làm thủ tục cho thuê.

Lúc này, thấy các điều kiện không đủ, Nghị liền phản ứng với “sếp” nhưng Hảo vẫn một mực bắt các nhân viên làm thủ tục cho thông qua.

Có sự “bảo kê” của Hảo, Nghị và Tôn Quang Việt (SN 1965, nguyên phó trưởng phòng cho thuê) liền chỉ đạo cho Hoàng Thanh Sơn (nguyên cán bộ phòng kinh doanh của ALC II) thẩm định, đánh giá. Biết đây chỉ là phần thủ tục nên Sơn liền hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ và báo cáo thẩm định để cho vay.

Ngày 17/11/2008, Công ty ALC II tiến hành họp Hội đồng cho thuê bao gồm: Hảo, Tài, Nghị, Sơn và Lê Thị Tám (cán bộ phòng kế toán) rồi tất cả biểu quyết đồng ý 100% thông qua gói vay đối với Công ty Công nghệ biển Hải Phòng.

Ngày 20/11/2008, Hảo cho giải ngân số tiền trên và bàn giao tàu Whale. Ngày 7/10/2010, Phạm Đức Tuấn Anh ký giấy chuyển quyền sở hữu Công ty Công nghệ biển Hải Phòng cho Lê Hùng Sơn. Đồng thời, Sơn cũng cam kết sẽ trả hết nợ cho ALC II.

Sau đó, Sơn liền tiến hành ký hợp đồng với một công ty của Thái Lan và dùng tàu Whale để vận chuyển. Thế nhưng, vì không thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng nên trong quá trình di chuyển, tàu Whale bị “mắc kẹt” tại Indonexia.

Lúc này, vì không có tiền, Sơn liền nhờ đến Hảo cho vay số tiền 6,5 tỷ đồng để “giải cứu” tàu Whale và cam kết sẽ trả trong thời gian sớm nhất.

Thế nhưng, sau khi đưa được tàu Whale về nước, Sơn đã không thực hiện các cam kết trả nợ đối với ALCII và bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Chính vì sự làm ăn cẩu thả của Hảo và nhân viên đã khiến cho ALCII thiệt hại số tiền hơn 134 tỷ đồng trong việc cho Công ty Công nghệ biển Hải Phòng vay tiền .

Thuộc cấp đổ lỗi do có sự bảo kê của nguyên Tổng Giám đốc ALCII
Thuộc cấp đổ lỗi do có sự "bảo kê" của nguyên Tổng Giám đốc ALCII

Sai nối tiếp sai

Ngày 4/11/2008, Nguyễn Đức Thiện (giám đốc Công ty TNHH Vận tải biển Đại Phát) ký văn bản và trình dự án đề nghị Công ty ALCII cho vay tài chính tàu Đại Phát có trọng tải là 4332,3 tấn và trị giá gần 95 tỷ đồng.

Dù biết Công ty Đại Phát chỉ có khoảng 10 tỷ đồng tiền vốn nhưng Hảo vẫn tiếp tục phê duyệt và chỉ đạo cho cấp dưới làm thủ tục cho vay, rồi thông qua.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng cho thuê tài chính, ngày 28/3/2009, Công ty Đại Phát được chuyển giao cho Lê Sơn Hùng nắm giữ và làm đại diện pháp luật. Thế nhưng, Hùng cũng đã không thực hiện đầy đủ các cam kết trả nợ cho ALCII.

Hậu quả trong thương vụ này, Hùng đã gây ra thiệt hại cho ALCII số tiền hơn 89 tỷ đồng. Tổng số tiền thiệt hại trong hai hợp đồng cho thuê của ALCII gần 245 tỷ đồng.

Phiên xét xử sẽ tiếp tục cho đến ngày 11/12/2015.

Quế Sơn