1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đại án BIDV: Hai Phó Tổng Giám đốc “chia nhau” hơn 14 năm tù

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Chiều 2/11, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết sơ thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và Công ty Trung Dũng.

Đại án BIDV: Hai Phó Tổng Giám đốc “chia nhau” hơn 14 năm tù - 1
HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên án.

Mức án cụ thể dành cho các bị cáo:

Tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”:

Trần Lục Lang, cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV phụ trách Quản lý rủi ro, thành viên Phân Ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư: 8 năm tù.

Đoàn Ánh Sáng, cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV phụ trách Khách hàng doanh nghiệp, thành viên Phân Ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư: 6 năm 6 tháng tù.

Kiều Đình Hòa, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh: 5 năm tù.

Lê Thị Vân Anh, cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh: 36 tháng tù, cho hưởng án treo.

Ngô Duy Chính, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành: 7 năm tù.

Nguyễn Xuân Giáp, cựu Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành: 6 năm tù.

Phạm Hồng Quang, cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp I - BIDV chi nhánh Hà Thành: 4 năm tù.

Đặng Thanh Nam, cựu cán bộ quản lý khách hàng - BIDV chi nhánh Hà Thành: 3 năm 6 tháng tù.

Tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”:

Đoàn Hồng Dũng, cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng: 18 năm tù.

Trần Anh Quang, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà: 13 năm tù.

Đinh Văn Dũng, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà: 12 năm tù.

Nguyễn Thị Thanh Sơn, thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng, cựu Giám đốc Công ty Hà Nam: 3 năm tù.

Đại án BIDV: Hai Phó Tổng Giám đốc “chia nhau” hơn 14 năm tù - 2
Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, quá trình tranh tụng công khai tại tòa, HĐXX có đủ cơ sở kết luận, trong thời gian từ 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV - đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, chi nhánh Hà Thành cho Cty Bình Hà (công ty “sân sau” của Trần Bắc Hà) và Cty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát của BIDV hơn 1.600 tỷ đồng.

Đối với Cty Bình Hà, Tòa án xác định, đây là công ty sân sau của ông Trần Bắc Hà với mục đích làm dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh, vay vốn của BIDV. Cty Bình Hà do 3 cổ đông góp vốn, nhưng thực chất do Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà đang bỏ trốn và bị truy nã) trực tiếp điều hành.

Cty Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng nhưng quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh dưới sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định hoặc nới lỏng điều kiện. Khi Bình Hà thua lỗ, các bị cáo đề xuất ra hạn trả nợ và cấp thêm tín dụng cho doanh nghiệp này dẫn tới không thu được số tiền hơn 799 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến tháng 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Cty Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng, nhưng không kiểm soát được dòng tiền. Từ đó, các cổ đông của Cty Bình Hà đã sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân.

Theo hợp đồng vay vốn, tiền bán bò của Cty Bình Hà phải chuyển về tài khoản mở tại BIDV để trừ nợ. Nhưng theo chỉ đạo của Trần Duy Tùng, các bị cáo Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh (giúp việc cho Trần Duy Tùng) đã yêu cầu bên mua chuyển vào tài khoản của mình rồi chiếm đoạt hơn 149 tỷ đồng của BIDV, hiện mới khắc phục được 128 tỷ đồng.

Đại án BIDV: Hai Phó Tổng Giám đốc “chia nhau” hơn 14 năm tù - 3
Quang cảnh buổi tuyên án.

Quá trình xét xử, bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ Cty Bình Hà) không thành khẩn khai báo, còn quanh co chối tội, cho rằng mình bị oan. Tuy nhiên, căn cứ các lời khai bị cáo Trần Anh Quanh và những người liên quan, HĐXX có đủ căn cứ xác định, Đinh Văn Dũng đã chiếm đoạt 11 tỷ đồng của BIDV khi chuyển vào tài khoản cá nhân để Dũng thực hiện góp vốn và phải chịu trách nhiệm chung trong việc yêu cầu Hantechco chuyển vào tài khoản của các cá nhân số tiền 23,5 tỷ đồng.

Hành vi của Đinh Văn Dũng đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nên cáo trạng truy tố bị cáo về tội danh này là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Về hành vi cấp tín dụng và mở phát hành L/C (chứng thư bảo lãnh) cho Cty Trung Dũng, HĐXX nhận định, ông Trần Bắc Hà có vai trò chính, là người chỉ đạo xuyên suốt. Cty Trung Dũng có quan hệ tài chính với BIDV chi nhánh Hà Thành từ năm 2007. Đến năm 2011, Cty Trung Dũng bắt đầu làm ăn thua lỗ, đề nghị BIDV tái cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng để mua bán thép và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng với số tiền hơn 22 triệu USD.

Ông Trần Bắc Hà đã gây áp lực để 4 bị cáo ở BIDV chi nhánh Hà Thành phê duyệt, giải ngân cho Cty Trung Dũng vay 700 tỷ đồng và mở phát hành L/C theo món. Trong số 26 khoản giải ngân có 20 khoản không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo.

Sau khi giải ngân, nhóm cán bộ BIDV cũng không kiểm tra dòng tiền, tài sản đảm bảo để Cty Trung Dũng sử dụng tiền không đúng mục đích, tự ý bán tài sản đảm bảo L/C. Hậu quả, BIDV bị thiệt hại gần 865 tỷ đồng.

Ngoài ra, số phôi thép được mua muốn bán phải được BIDV đồng ý nhưng bị cáo Đoàn Hồng Dũng - Giám đốc Cty Trung Dũng và vợ là Nguyễn Thị Thanh Sơn đã tự ý bán rồi thu tiền. Qua đây, cặp vợ chồng này chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng của BIDV.

Sau khi đánh giá vai trò các bị cáo trong vụ án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết như trên.