1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu phó phòng Tài chính CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự

Nguyễn Hải

(Dân trí) - HĐXX đánh giá bị cáo Trần Thanh Phong (cựu Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương) trong quá trình phạm tội đã chịu sự chỉ đạo, áp lực từ cấp trên nên tuyên miễn trách nhiệm hình sự.

Sau hai ngày xét xử, chiều 17/5, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong đại án Việt Á.

Tại bản luận tội, HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội đã chịu sự chỉ đạo, áp lực lớn từ cấp trên.

Trong vụ án trên, ông Phong không hưởng lợi nhưng đã tự nguyện khắc phục 20 triệu đồng thay cho Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á.

Ngoài ra, trong quá trình công tác, bị cáo đạt được nhiều thành tích, danh hiệu thi đua, người thân có công với cách mạng.

Bị cáo cũng được Sở Y tế Bình Dương, CDC Bình Dương và nhiều viên chức, người lao động có ý kiến xin miễn trách nhiệm hình sự.

So sánh mức độ hành vi phạm tội với các bị cáo khác ở CDC Bình Dương, ông Phong có vai trò thấp hơn cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh - người được tòa án sơ thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự, không nhận tiền Việt Á.

Từ những phân tích trên, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Thanh Phong. 

Tại bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Thanh Phong lĩnh án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu phó phòng Tài chính CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự - 1

Ông Trần Thanh Phong (ảnh phải) sau khi tòa phúc thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự (Ảnh: Nguyễn Hải).

HĐXX phúc thẩm cũng chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng, Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương; Ngụy Thị Hậu, cựu Phó trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang.

Đối với bị cáo Phan Quốc Việt, tòa phúc thẩm nhận định hành vi sai phạm của bị cáo là xuyên suốt vụ án, có tình tiết tăng nặng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, phạm tội nhiều lần.

Việt đã cấu kết, hối lộ nhiều quan chức tại Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19 do Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện chủ sở hữu.

Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị cáo đã thực hiện chuỗi hành vi sai phạm biến sản phẩm nghiên cứu thuộc đề tài sở hữu của Nhà nước thành tài sản riêng của Công ty Việt Á.

HĐXX phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm đã xem xét đầy đủ tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ đối với Tổng giám đốc Công ty Việt Á.

Mức án 29 năm tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên đối với Phan Quốc Việt là "đúng người đúng tội".

Do đó, HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Tổng giám đốc Công ty Việt Á.

Ngoài ra, HĐXX phúc thẩm cũng quyết định bác kháng cáo đối với các bị cáo Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á (y án sơ thẩm 15 năm tù); Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á (y án sơ thẩm 30 tháng tù); Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty VNDAT (y án sơ thẩm 30 tháng tù).

Theo bản án của HĐXX cấp phúc thẩm, với mục đích được sản xuất, bán kit xét nghiệm thu lời bất chính, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt đã cấu kết với cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long... cùng nhiều bị cáo khác để thực hiện nhiều hành vi sai phạm.

Để được nhóm cựu lãnh đạo tại các bộ ngành, địa phương can thiệp, giúp đỡ, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần tổng số 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng.

Hành vi của Phan Quốc Việt bị cáo buộc gây thiệt hại số tiền hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 430 tỷ đồng. Tổng số tiền Phan Quốc Việt hối lộ các cựu quan chức trong vụ án này hơn 106 tỷ đồng.

Trong đó, ông Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ nhiều nhất, lên đến 2,25 triệu USD.