1. Dòng sự kiện:
  2. Xét xử vụ án FLC
  3. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam
  4. Vụ án đầu độc người thân bằng xyanua

Cựu lãnh đạo HOSE và mối quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết

Hải Nam Nguyễn Hải
Xét xử vụ án FLC

(Dân trí) - Bị cáo Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng giám đốc thường trực HOSE) cho biết có mối quan hệ quen biết với Trịnh Văn Quyết từ thời điểm trước năm 2016, khi ông Trà công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sáng 23/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác bước sang ngày làm việc thứ hai.

Mở đầu, chủ tọa, thẩm phán Vũ Quang Huy, tiếp tục yêu cầu cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết để xét hỏi đối với các bị cáo là cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

Quen Trịnh Văn Quyết khi cùng chơi tennis

Khai trước tòa, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM Trần Đắc Sinh cho biết HĐQT không có nghiệp vụ về xét duyệt hồ sơ niêm yết. Hồ sơ này được hội đồng thẩm định niêm yết và ban điều hành nghiên cứu trong nhiều tháng trước khi ra quyết định.

Đối với việc niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros, ông Sinh cho biết quan điểm của Sở Giao dịch là luôn hoan nghênh doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

"HĐQT đã được nghe hội đồng thẩm định niêm yết và ban điều hành họp, thống nhất là cổ phiếu ROS đã đủ điều kiện để niêm yết", ông Sinh khai.

Cựu lãnh đạo HOSE và mối quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết - 1

Phiên tòa xét xử 50 bị cáo (Ảnh: Công Lý).

Trước câu hỏi có hay không việc bị tác động hay gặp gỡ ai để niêm yết cổ phiếu ROS, cựu Chủ tịch HOSE cho biết từng gặp bị cáo Doãn Văn Phương (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Faros, đang bỏ trốn) và được đề nghị giúp đỡ làm nhanh các hồ sơ.

Ông Sinh cũng cho biết, trước thời điểm ROS được niêm yết khoảng 5-6 tháng, ông cũng gặp ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC).

Sau khi được phía FLC nhờ, cựu Chủ tịch HOSE đã trao đổi với Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM), Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) và một số cá nhân khác, đề nghị niêm yết nhanh cổ phiếu giúp doanh nghiệp.

Tại bục khai báo, ông Sinh cho rằng sai phạm trong việc niêm yết cổ phiếu ROS mang tính hệ thống. Tuy nhiên, bị cáo này nhìn nhận bản thân là lãnh đạo sở Sở nên phải chịu trách nhiệm. Ông Sinh thừa nhận cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của VKS là chính xác.

Tiếp đó, HĐXX yêu cầu bị cáo Lê Hải Trà lên bục xét hỏi. Trước tòa, ông Trà cho biết có mối quan hệ quen biết với Trịnh Văn Quyết từ thời điểm trước năm 2016, khi ông còn công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

"Bị cáo và ông Quyết quen nhau khi cùng chơi tennis", ông Trà nói.

Cựu lãnh đạo HOSE và mối quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết - 2

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Công Lý).

Theo cựu Phó tổng giám đốc HOSE, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn có 3 bước. Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết tiếp nhận và xử lý các thủ tục; sau khi đủ các điều kiện, phòng trình hội đồng niêm yết để các thành viên đánh giá, đưa ra ý kiến; tổng giám đốc là người đưa ra quyết định cuối cùng theo thẩm quyền.

Khai về vai trò của bản thân, ông Trà cho biết ông tư cách là một thành viên độc lập trong hội đồng, có ý kiến tại phiếu đánh giá hồ sơ của phòng quản lý.

Theo ông Trà, HOSE không biết về những thông tin sai lệch trong hồ sơ niêm yết của Công ty Faros, đồng thời Sở cũng không có chức năng, thẩm quyền trong kiểm tra, xác minh các thông tin này mà chỉ dựa trên hồ sơ được gửi để xử lý.

Hồ sơ chưa hợp lệ nhưng vẫn niêm yết

Cáo trạng thể hiện, theo quy định, điều kiện niêm yết chứng khoán tại sàn HOSE là công ty phải có vốn chủ sở hữu trên 120 tỷ đồng và trên 300 cổ đông góp vốn. Vì vậy, để bảo đảm đủ điều kiện về số lượng cổ đông tối thiểu, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái) hợp thức bằng cách lấy danh sách cán bộ nhân viên công ty đưa vào danh sách cổ đông và lập danh sách 386 cổ đông, hợp thức việc chuyển nhượng.

Ngày 11/7/2016, Doãn Văn Phương ký Giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros với mã cổ phiếu ROS, gửi sàn HOSE kèm theo hồ sơ đăng ký niêm yết, trong đó có Công văn số 4298 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sau khi nhận được hồ sơ, ngày 12/7/2016, Trần Văn Dũng (Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng niêm yết sàn HOSE) giao Trầm Tuấn Vũ (Phó Tổng giám đốc) tham mưu, chỉ đạo Lê Thị Tuyết Hằng và Đoàn Vĩnh Nam (chuyên viên) nghiên cứu thẩm định.

Cựu lãnh đạo HOSE và mối quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết - 3

Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 23/7 (Ảnh: Công Lý).

Sau khi nghiên cứu, thấy hồ sơ chưa đầy đủ hợp lệ nên Nam soạn công văn đề nghị Công ty Faros chỉnh sửa, bổ sung để có cơ sở xác định số vốn thực góp của Công ty Faros là 4.300 tỷ đồng theo các báo cáo tài chính kiểm toán và Công văn 4298 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Để báo cáo, giải trình làm rõ nội dung trên, Công ty Faros thuê Công ty ASC kiểm toán Báo cáo tài chính riêng, Báo cáo tài chính hợp nhất, Báo cáo vốn góp chủ sở hữu.

Ngày 23/8/2016, Đoàn Vĩnh Nam đã tổng hợp và ký Tờ trình trình Chủ tịch Hội đồng niêm yết báo cáo về việc các thành viên Hội đồng niêm yết đều thống nhất thông qua hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros và đề nghị Công ty Faros tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của các thành viên Hội đồng niêm yết.

Sau khi nhận được Tờ trình của Đoàn Vĩnh Nam, Trần Văn Dũng bút phê: "Đồng ý".

Ngày 24/8/2016, Lê Thị Tuyết Hằng và Trầm Tuấn Vũ duyệt, ký vào dự thảo trình Trần Văn Dũng ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-SGDHCM chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho Công ty Faros; vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng, loại chứng khoán cổ phiếu phổ thông; mã chứng khoán ROS; mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng.

Ngày 24/8/2016, niêm yết có hiệu lực và cổ phiếu ROS được chính thức giao dịch vào ngày 1/9/2016.

Sau đó, ông Quyết sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

Dòng sự kiện: Xét xử vụ án FLC