1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật: Bị cáo không quyết trả lại tiền là sai lầm

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bị cáo Vũ Hồng Nam khai khi mở phần quà biếu của ông Lê Văn Nghĩa ra thấy có tiền nên đã gọi điện đề nghị trả lại nhưng không kiên quyết và đây là sai lầm mà bị cáo phải trả giá.

Sai lầm phải trả giá của cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản

Tại phần xét hỏi trong vụ án "chuyến bay giải cứu" chiều 12/7, bị cáo Vũ Hồng Nam khai từ tháng 10/2018 đến hết tháng 9/2022 giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

Thời điểm này có nhiều doanh nghiệp gặp gỡ bị cáo để xin các thủ tục đưa người Việt Nam tại Nhật Bản về nước nhưng ông Nam đều từ chối. 

Tuy nhiên, bị cáo lại nhận lời ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh về việc đưa công dân về nước và cách ly tại khách sạn của ông Nghĩa ở Khánh Hòa.

"Lúc đó chỉ có khách sạn của Nghĩa mở cửa và đủ điều kiện cách lý, sự xuất hiện của Nghĩa rất đúng lúc nên bị cáo đồng ý", ông Nam khai.

Sau đó, ông Nghĩa đã 2 lần đưa quà biếu cho ông Nam với tổng số tiền là 1,84 tỷ đồng.

"Nghĩa có 2 lần đưa quà biếu cho bị cáo và không nói là tiền. Về đến nhà bị cáo mới biết nên liên hệ để trả lại nhưng không kiên quyết, đây là sai lầm của bị cáo phải trả giá", ông Nam nói.

Ông Nam cũng khai trong quá trình làm việc với Nghĩa có nói rõ cá nhân và Đại sứ quán không nhận bất cứ khoản tiền nào bởi đây là chuyến bay bổ sung cho chuyến bay giải cứu. 

Ông Nam cũng đề nghị ông Nghĩa giảm tất cả chi phí cho chuyến bay để đảm bảo giá thành rẻ nhất cho công dân. 

Mặc dù lúc đó thiếu chuyến bay, chưa có chuyến bay combo nhưng ông Nghĩa đã hợp tác tốt với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và thực hiện chuyến bay đầu tiên với giá 29 triệu đồng/người. 

Còn bị cáo Đỗ Hoàng Tùng khai, giữ chức Phó Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ ngoại giao từ tháng 4/2019 đến khi bị bắt.

Tháng 3/2021, Cục trưởng Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) là bà Nguyễn Thị Hương Lan phân công Tùng phụ trách Phòng Bảo hộ công dân với chức năng tập hợp hồ sơ, đề xuất của doanh nghiệp để báo cáo Cục trưởng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao về việc thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước. 

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật: Bị cáo không quyết trả lại tiền là sai lầm - 1

Các bị cáo tại phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải)

Trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều đại diện các doanh nghiệp đã liên hệ, gọi điện thoại nhờ ông Tùng ưu ái.

"Thời gian đầu bị cáo không tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp nào, chỉ trả lời qua điện thoại theo đúng nghĩa là hướng dẫn để họ làm thủ tục", bị cáo Tùng khai. 

Sau đó, đã có 15 doanh nghiệp đã liên hệ và cảm ơn ông Tùng vì ông này đã giúp đỡ họ thực hiện các chuyến bay giải cứu. 

Cáo buộc thể hiện, ông Tùng đã nhận hối lộ 38 lần, tổng số hơn 12 tỷ đồng. 

Thời gian đầu, bị cáo nghĩ rằng cách doanh nghiệp thực hiện chuyến bay giải cứu là rất tốt.

"Lúc đầu bị cáo nhiều lần từ chối nhưng sau đó lại nhận. Khi nhận bị cáo cũng hiểu là sau này sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp nếu họ có thực hiện các chuyến bay khác", ông Tùng trình bày.

Hiện, bị cáo và gia đình đã nộp khắc phục 200 triệu vào tài khoản của cơ quan an ninh điều tra. Thời gian qua, bị cáo nhiều lần nhắn tin cho gia đình tiếp tục nộp hết số tiền đã nhận để khắc phục hậu quả.

"Thời gian qua bị cáo vô cùng hối hận, trong quá trình làm việc bị cáo đã nhất thời không kiểm soát được bản thân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, bị cáo nhận thức sâu sắc và nhìn nhận rõ lỗi lầm của mình", ông Tùng nói.

Thấy lãnh đạo nhận tiền cảm ơn nên nhận theo

Bị cáo Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục lãnh sự khai quá trình làm việc thời điểm dịch Covid-19 có 13 doanh nghiệp tiếp xúc và đưa tiền.

Lúc đầu, bị cáo cương quyết không nhận nhưng về sau thấy các lãnh đạo cũng nhận nên đồng ý. 

"Sau khi bị bắt, gia đình bị cáo cũng bất ổn, các khoản nhận được cũng chẳng đâu vào đâu nên không còn giữ, hiện gia đình đang cố gắng để khắc phục hậu quả", bị cáo Tuấn Anh khai. 

Bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật bản) khai từ ngày 17/2/2021 bắt đầu nhận chức ở Nhật Bản và về nước ngày 25/8/2022.

Quá trình làm Tổng lãnh sự tại Nhật Bản, bị cáo gặp gỡ cộng đồng người dân, doanh nghiệp thì địa phương có nêu về việc nhiều bà con muốn về nước nhưng không có chuyến bay.

Sau đó bị cáo đã làm công điện gửi Cục Lãnh sự xin phép tổ chức chuyến bay giải cứu cho bà con về nước và được đồng ý.

Sau khi nhận được công điện đồng ý, bà Nguyễn Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) liên hệ với ông Hà thông báo về việc công ty bà này đã được Cục Lãnh sự đồng ý cho đón người Việt Nam tại Nhật bản về nước. 

Khi chuyến bay được thực hiện bà này cảm ơn ông Hà số tiền 1,4 tỷ đồng. 

Sau khi nhận được 1,4 tỷ đồng bị cáo chuyển cho một người khác đã giúp mình thực hiện chuyến bay với số tiền 250 triệu đồng.

Đến chuyến bay thứ 2, bà Hằng tiếp tục gửi cảm ơn số tiền 600 triệu đồng khi ông Hà về nước.

Sau đó, bị cáo Nguyễn Hồng Hà thấy ăn năn, không ổn nên đã trả lại toàn bộ số tiền đã nhận của bà Hằng.