1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Xét xử đại án "chuyến bay giải cứu": Kế hoạch chạy án trị giá hơn 61 tỷ

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Lo sợ vướng lao lý, Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn bàn bạc và nhờ Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội chạy án, với tổng số tiền hơn 61 tỷ đồng.

Kế hoạch chạy án trị giá hơn 61 tỷ đồng

Chiều 11/7, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục công bố bản cáo trạng đại án "chuyến bay giải cứu". 

Cáo trạng cho thấy, ngoài việc ngã giá, chung chi để được cấp phép chuyến bay giải cứu thì một số bị cáo là cựu cán bộ công an còn bàn bạc, lên kế hoạch để chạy án.

Trong đó, bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bầu trời xanh là người được bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an, đề cập để cứu.

Khi vụ án được điều tra, lo sợ vướng lao lý, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh) và ông Sơn bàn bạc và tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là Phó Giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ tìm mối quan hệ can thiệp nhằm chạy án.

Trong lần gặp bà Hằng tại nhà riêng, bị cáo Tuấn gọi điện cho Hoàng Văn Hưng và biết Hưng đang thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu".

Sau đó, ông Hưng thông báo cho ông Tuấn việc bà Hằng và ông Sơn là những người đang bị điều tra trong vụ án "chuyến bay giải cứu".

Tháng 2/2022, ông Tuấn sắp xếp năm cuộc gặp giữa bà Hằng với ông Hưng tại hai căn nhà riêng của mình ở quận Tây Hồ và quận Đống Đa (Hà Nội) với mục đích giúp đỡ cho bà Hằng, ông Sơn không bị xử lý hình sự.

Tại các cuộc gặp, Hưng hướng dẫn bà Hằng nếu làm việc với cơ quan điều tra sẽ nhận mọi tội lỗi để cứu bị cáo Lê Hồng Sơn

Theo chỉ dẫn của Hoàng Văn Hưng, bà Hằng gửi đơn tố cáo đến cơ quan an ninh trình bày việc đưa hối lộ cho nhiều quan chức để được cấp phép chuyến bay giải cứu.

Cùng lúc, bà này cũng đưa 200.000USD cho ông Phó Giám đốc Công an Hà Nội để đưa trước cho Hưng lo "chi phí".

Sau đó, ông Tuấn tiếp tục sắp xếp 5-6 buổi gặp giữa bà Hằng và Hưng tại nhà riêng của mình.

Khi gặp, bị cáo Hưng đề cập đến việc có quyết tâm cứu Lê Hồng Sơn hay không?, nếu cứu phải chi một khoản tiền lớn. Qua trao đổi, bà Hằng đồng ý và đề nghị tìm mọi cách để chạy án.

Xét xử đại án chuyến bay giải cứu: Kế hoạch chạy án trị giá hơn 61 tỷ - 1

Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 11/7 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Hưng đồng ý và yêu cầu bà Hằng tiếp tục làm theo kịch bản vẫn nhận hết tội về mình, còn Sơn đổ tội cho Hằng.

Theo cáo buộc, trong giai đoạn này, bà Hằng đã năm lần đưa cho Nguyễn Anh Tuấn tổng số tiền 1 triệu USD để đưa cho Hưng.

Từ tháng 8 đến đầu tháng 9/2022, dù đã nhiều lần lo tiền chạy án nhưng cả bà Hằng và ông Sơn vẫn liên tục bị cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai làm rõ hành vi đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu.

Sau đó, Hằng tiếp tục nhờ ông Tuấn sắp xếp cuộc gặp với bị cáo Hưng để tìm cách giải quyết.

Giữa tháng 9/2022, ông Hưng bị chuyển công tác từ Trưởng phòng Phòng Điều tra sang làm Trưởng phòng Phòng Chính trị Hậu cần.

Dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn điều tra vụ án nhưng ông Hưng vẫn liên lạc, trao đổi và gặp bà Hằng.

Đồng thời, Hoàng Văn Hưng yêu cầu Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói với Hằng nếu cứu Lê Hồng Sơn phải chuẩn bị 350.000USD chi cho kiểm sát viên và một số điều tra viên.

Tại cuộc gặp cuối tháng 11/2022, Hưng chê ít, chỉ được một nửa nên bà Hằng tiếp tục lo thêm 350.000 USD.

Tuy nhiên, sau đó ông Hưng gọi cho ông Tuấn báo bà Hằng chuẩn bị 450.000 USD do phát sinh khoản chi 100.000 USD riêng cho lãnh đạo cấp Vụ.

Cáo trạng thể hiện, năm 2022 nhóm lãnh đạo Công ty Bầu trời xanh đã 13 lần đưa tiền cho ông Tuấn, tổng cộng 2,65 triệu USD (tương đương 61,6 tỷ đồng).

Đến tháng 1/2023, Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng lần lượt bị bắt. Làm việc với cơ quan điều tra, Phó Giám đốc Công an Hà Nội khai chỉ giữ lại 400.000 USD, còn lại 2,25 triệu USD đều đưa hết cho Hưng để "chạy án".

Xét xử đại án chuyến bay giải cứu: Kế hoạch chạy án trị giá hơn 61 tỷ - 2

Bị cáo Tô Anh Dũng được dẫn giải đến phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

Song, ông Hưng khai không nhận bất kỳ khoản nào. Cơ quan điều tra kết luận chỉ đủ căn cứ xác định ông Hưng nhận hai lần, tổng cộng 800.000 USD. 

Trong đại án "chuyến bay giải cứu" có 21 bị cáo bị truy tố tội Nhận hối lộ; 23 bị cáo bị truy tố tội Đưa hối lộ; 4 bị cáo bị truy tố tội Môi giới hối lộ; 4 bị cáo bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; 2 bị cáo bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Số tiền dàn cựu lãnh đạo nhận hối lộ

Trong số trên, 21 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương bị xác định nhận hối lộ lên tới hơn 500 lần, với tổng số tiền gần 165 tỷ đồng.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Quang Linh, là cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực Chính phủ bị cáo buộc đã nhận hối lộ 5 lần với tổng số tiền 4,2 tỷ đồng, để ưu ái cho các doanh nghiệp lọt vào danh sách thực hiện chuyến bay.

Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc nhận hối lộ 37 lần với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị cáo buộc đã nhận hối lộ 32 lần với tổng số tiền 25 tỷ đồng.

Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản bị cáo buộc 2 lần nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp bán vé máy bay và đưa công dân về nước cách ly. Đến nay, bị cáo đã nộp lại 1,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.