1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận toàn bộ cáo buộc

Phúc Lâm

(Dân trí) - Bị truy tố, đưa ra xét xử với cáo buộc sai phạm gây thất thoát hơn 140 tỷ đồng, cựu Chủ tịch Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) Trần Ngọc Hà phủ nhận toàn bộ.

Từ ngày 18/5, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Hội đồng xét xử gồm 3 người, do Thẩm phán Trần Nam Hà (Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội) làm Chủ tọa.

Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận toàn bộ cáo buộc - 1

Các bị cáo tại tòa sơ thẩm (Ảnh: CTV).

Trong số 17 bị cáo bị đưa ra xét xử, 16 bị cáo bị truy tố, xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (cựu Trưởng ban Kiểm soát, thành viên Hội đồng thành viên VEAM) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Có hơn 30 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, ông Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch, cựu Tổng Giám đốc VEAM) có 4 luật sư bào chữa.

Theo cáo trạng, VEAM có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công Thương (trong đó, vốn Nhà nước là hơn 88%). Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại VEAM - Vetranco là công ty con của VEAM.

Trong thời gian từ năm 2011-2013, bị cáo Vũ Từ Công (cựu Kế toán trưởng VEAM) đã tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình bị cáo Lâm Chí Quang (cựu Tổng Giám đốc VEAM) ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỷ đồng.

Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh với các Công ty CP Đầu tư Minh Quang, Công ty CP Thép Minh Quang, Công ty CP đầu tư Tương Lai, Công ty TNHH đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Đăng. Tuy nhiên, hiện các công ty này đã dừng hoạt động, không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco.

Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng nên VEAM đã bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận toàn bộ cáo buộc - 2

Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà (áo xanh, bên trái) phủ nhận toàn bộ cáo buộc (Ảnh: CTV).

Bên cạnh đó, khi sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng do VEAM bảo lãnh, bị cáo Đào Quốc Việt (cựu Giám đốc Vetranco), đã cho bị cáo Trần Quang Tiến (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Tập đoàn Đại Nam) vay để hưởng lãi theo lãi suất cho vay của ngân hàng cộng với chênh lệch từ 0,8-1,25% giá trị tiền vay.

Để che giấu việc cho vay tiền trái quy định, bị can Việt và Tiến thỏa thuận hợp thức bằng cách lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Ông Tiến không hoàn trả được 15 khoản vay phát sinh từ tháng 5-8/2013, gây thiệt hại cho Vetranco số tiền gần 183 tỷ đồng.

Mặt khác, khi thực hiện Dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung và ký kết, thực hiện 2 Thỏa thuận VEAM-ZIBO đầu tư phát triển xe ô tô tay lái bên phải, lãnh đạo VEAM đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 56 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Khôi, với vai trò là thành viên Hội đồng thành viên phụ trách lĩnh vực quản lý vốn và hoạt động tài chính kế toán, công tác kiểm soát VEAM, ông Khôi bị xác định đã thực hiện không hết trách nhiệm của mình, gây thiệt hại cho VEAM hơn 75 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Hà phủ nhận toàn bộ cáo buộc

Trước bục khai báo ngày 18/5, bị cáo Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch VEAM, phủ nhận cáo buộc quy kết ông phải chịu trách nhiệm trong 3 sai phạm, gây thất thoát hơn 140 tỷ đồng.

Đối với cáo buộc "vi phạm quy chế tài chính" khi để cấp dưới ký chứng thư bảo lãnh cho Ventraco vay tiền ngân hàng, khiến công ty mẹ bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, ông Hà liên tục phủ nhận, cho rằng mình "không có trách nhiệm phải biết và thực tế không có điều kiện để biết" về việc làm sai của cấp dưới.

Cựu Chủ tịch VEAM lý giải, việc bảo lãnh vay nếu không quá 20% vốn điều lệ của VEAM sẽ thuộc thẩm quyền của cựu Tổng Giám đốc Lâm Chí Quang. Theo ông Hà, ông Quang hoàn toàn có thể tự quyết, không cần xin phép ông.

Vốn điều lệ của VEAM năm 2013 là khoảng 2.300 tỷ, nên ông Quang có thể duyệt bảo lãnh vay tới 460 tỷ đồng mà không cần trình Hội đồng thành viên. Do vậy, ông Hà chỉ thừa nhận có sai phạm chung chung do là người đứng đầu VEAM về mặt hành chính.

Cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận toàn bộ cáo buộc - 3

Toàn cảnh phiên xử cựu Chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà cùng đồng phạm (Ảnh: CTV).

Đối với cáo buộc liên quan đến dự án sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung, ông Trần Ngọc Hà tiếp tục phủ nhận trách nhiệm và cho rằng, dự án được Hội đồng thành viên VEAM biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100%. Theo cựu Chủ tịch VEAM, khoản tiền hơn 56 tỷ đồng không phải thất thoát vì đối tác Nhật Bản đã bàn giao Li-Xăng (hợp đồng mua bản quyền máy). Đây là một dạng tài sản về sở hữu trí tuệ và VEAM đã "mang về nghiên cứu".

Theo cáo trạng, VEAM muốn xuất khẩu xe tải tay lái bên phải sang Srilanka nên ký hợp đồng thuê Công ty T-King (Trung Quốc) thiết kế cabin với giá 100.000 USD/mẫu. Dự án sau đó thất bại nhưng VEAM đã trả cho T-king 200.000 USD và thuế, tổng cộng là 10 tỷ đồng. Ông Hà bị quy kết đã thực hiện kế hoạch đầu tư mà không có nghị quyết của Hội đồng thành viên; dự án cũng không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được VEAM phê duyệt.

Đối với cáo buộc này, cựu Chủ tịch VEAM trình bày, Hội đồng thành viên VEAM hàng năm chỉ ban hành kết hoạch sản xuất ở dạng các mục tiêu doanh số, đơn vị tỷ đồng. Bản thân ông phải xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể sản phẩm gì. Do vậy, việc ký hợp đồng với T-King, theo ông Hà, thực chất là quyền của ông.

Theo lời ông Hà, việc hợp tác với T-King đang triển khai rất tốt đẹp nhưng lại bị dừng.