1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục viết đơn tự thú trước khi sai phạm bị phát giác

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trình bày, khi nhận thức được sai phạm đã làm đơn tự thú về việc nhận hối lộ 20 tỷ đồng trước khi bị phát giác.

Xin nhận lại gần 10 tỷ đồng để chữa bệnh, sinh sống

Ngày đầu tiên của phiên xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam và 7 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kết thúc khi Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét hỏi tất cả các bị cáo.

8 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phần thủ tục, thư ký phiên tòa thông báo bị cáo Tô Mỹ Ngọc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phùng Vĩnh Hưng có đơn xin xét xử vắng mặt. 

HĐXX đánh giá việc bị cáo Ngọc có đơn xin xét xử vắng mặt không làm ảnh hưởng đến xét xử nên phiên tòa tiếp tục diễn ra. 

Liên quan đến số tiền 19 tỷ đồng mà bà Tô Mỹ Châu nộp khắc phục cho bị cáo Tô Mỹ Ngọc (xin xét xử vắng mặt), tại tòa đại diện của bà Châu cho biết, bà Ngọc và bà Châu có nguyện vọng dùng 9 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án.

Trong đó, 6,5 tỷ đồng nộp khắc phục hậu quả vụ án, số tiền còn lại 3 tỷ đồng tự nguyện nộp sung công quỹ.

Đối với gần 10 tỷ đồng còn lại, do bà Ngọc sức khỏe yếu, phải nuôi 2 con và bố mẹ già nên bà Ngọc xin nhận lại để sinh sống, chữa bệnh.

Bị truy tố về tội Nhận hối lộ, tại tòa bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục) thừa nhận hành vi sai phạm như Viện kiểm sát truy tố.

Ông Thái trình bày, tháng 3/2017, được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm đại diện pháp luật của NXB Giáo dục Việt Nam, có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy phục vụ in sách giáo dục.

Sau khi ông Thái nhậm chức được một thời gian, bà Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh, cựu Giám đốc Công ty Minh Cường Phát đến gặp để giới thiệu về công ty và nhờ ông này tạo điều kiện giúp đỡ nhằm loại bỏ các nhà thầu khác và ưu ái cho công ty của Ngọc và Minh.

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục viết đơn tự thú trước khi sai phạm bị phát giác - 1

Bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại phiên tòa (Ảnh: Đỗ Trung).

Nhận tiền do doanh nghiệp tự đưa?

Ông Thái khai lần đầu nhận tiền của bà Ngọc vào tháng 12/2017. Bà Ngọc đi một mình đến gặp, tiền để trong túi, đặt dưới chân bàn. Sau khi nhận tiền, ông Thái cất vào két ở phòng làm việc.

Từ năm 2018 đến 2021, ông Thái đều nhận tiền của Ngọc, mỗi năm 4 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo Thái khẳng định không có thỏa thuận trước về việc nhận tiền cũng như chia % và cho rằng tiền do bà Ngọc tự đưa.

Tương tự với Công ty Minh Cường Phát của bị cáo Nguyễn Trí Minh, ông Thái cũng nhận tiền để "giúp đỡ" doanh nghiệp này trúng thầu.

Lần đầu ông Thái nhận 400 triệu đồng của Minh vào năm 2017, sau khi Công ty Minh Cường Phát trúng gói thầu số 6.

"Sau khi trúng gói thầu số 7, Minh đến gặp bị cáo và đưa 2,5 tỷ đồng cảm ơn", ông Thái khai và thừa nhận đã nhận của cựu Giám đốc Công ty Minh Cường Phát tổng cộng 4,9 tỷ đồng.

Tổng số tiền ông Thái nhận của bà Ngọc trong 6 năm (2017-2022) là 20 tỷ đồng, đã giúp các công ty của bà này trúng 13 gói thầu trị giá hơn 2.100 tỷ đồng; nhận của ông Minh 4,9 tỷ đồng để giúp trúng 3 gói thầu, có trị giá 155 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục viết đơn tự thú trước khi sai phạm bị phát giác - 2

Bị cáo Nguyễn Trí Minh tại phiên xét xử (Ảnh: Đỗ Trung).

Việc nhận tiền, ông Thái khai đều vào các dịp như Tết Nguyên đán, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11,...

"Ngoài 25 tỷ đồng này, bị cáo không nhận tiền của doanh nghiệp nào khác", ông Thái nói.

Tại tòa, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục cho biết đã khắc phục toàn bộ số tiền gần 25 tỷ đồng trong vụ án và đề nghị tòa xem xét giải tỏa kê biên tài sản gồm: Một nhà đất, một chung cư đều tại quận Tây Hồ và một thửa đất tại huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Ông Thái trình bày bản thân sức khỏe yếu, nhiều bệnh như tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao, gần đây phải cấp cứu vì giảm tiểu cầu,... Bên cạnh đó, gia đình bị cáo có công với cách mạng, bố tham gia 2 cuộc kháng chiến mong tòa xem xét khi lượng hình.

Khi nhận thức được hành vi sai phạm, ông Thái đã làm đơn tự thú về việc được bà Tô Mỹ Ngọc đưa hối lộ 20 tỷ đồng, khi cơ quan công an chưa phát hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, ông Thái kính mong HĐXX xem xét các tình tiết để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Trả lời xét hỏi, bị cáo Nguyễn Trí Minh khai hợp tác làm ăn với Nhà Xuất bản Giáo dục từ 2015 trong lĩnh vực cung cấp giấy in sách giáo khoa.

Trong một lần đến chào hỏi, ông Minh được bị cáo Đinh Quốc Khánh, Phó trưởng ban Kế hoạch Marketing NXB Giáo dục, dẫn lên gặp lãnh đạo mới là ông Nguyễn Đức Thái vào tháng 7/2017.

Trong lần gặp này, bị cáo Minh khai không nhớ có tặng quà gì không, chỉ xin tiếp tục được "tạo điều kiện" tham gia đấu thầu. Sau đó, Công ty Minh Cường Phát trúng nhiều gói thầu.

Để cảm ơn sau khi trúng thầu, Minh đã biếu ông Thái tổng cộng 4,9 tỷ đồng.

Riêng với các nhân viên khác ở Nhà xuất bản Giáo dục, Minh khẳng định không biếu tiền, mà dịp Tết Trung thu chỉ biếu hộp bánh.

"Bị cáo chỉ nghĩ làm ăn thì phải biếu quà, bị cáo không có thỏa thuận gì với bên nhận", Nguyễn Trí Minh phân trần, cúi đầu thừa nhận việc bị truy tố là "không oan" và đã khắc phục 2,7 tỷ đồng. 

Trước bục khai báo, Minh kính mong HĐXX xem xét các tình tiết trong vụ án để tuyên phạt mức án thấp nhất. 

Ngày 15/1, phiên tòa bước vào phần tranh luận, Viện kiểm sát sẽ công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.