1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục khai mình là người tố vụ 9,4 triệu cuốn sách giả

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Tại tòa, ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trình bày mình là người đã tố cáo sai phạm trong vụ án 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả.

Làm việc với cơ quan điều tra mới nắm rõ quy định

Chiều 14/1, phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 7 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục phần xét hỏi.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội dành phần lớn thời gian để các luật sư và đại diện Viện kiểm sát thẩm vấn các bị cáo. 

Trước bục khai báo, hai cựu Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục) là Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải đều thừa nhận cáo trạng quy kết các hành vi sai phạm của bản thân là đúng.

Song 2 bị cáo này cho rằng thời điểm thực hiện các hoạt động đấu thầu mua sắm giấy in không biết quy định, chỉ thực hiện phương thức "chào hàng cạnh tranh rút gọn" với các gói thầu có giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Bị cáo Hoàng Lê Bách trình bày, bản thân là người ký kết hợp đồng với các công ty trúng thầu, song chỉ đến khi được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát giải thích mới nắm rõ các quy định.

Trong khi đó, bị cáo Phạm Gia Thạch, cựu thành viên Hội đồng thành viên, cựu Kế toán trưởng Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định, trong biên bản họp ban chỉ đạo năm 2017 về việc lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư in sách giáo khoa có yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với 7 gói thầu.

Ông Thạch trình bày, đây là lần đầu tiên tham gia vào hoạt động mua sắm giấy in của Nhà xuất bản Giáo dục.

Quá trình tham gia vào hoạt động này, bị cáo không bàn bạc, không trao đổi với ai, chỉ biết kết quả khi tổ tư vấn triển khai báo cáo.

"Bị cáo chỉ thực hiện công việc theo phân công, không làm việc trực tiếp với nhà thầu, không được hưởng lợi. Bị cáo có ký vào các biên bản của ban chỉ đạo", ông Thạch thừa nhận và cho biết quan điểm của bản thân về việc đấu thầu rút gọn là trái với quy định của pháp luật.

Bị cáo luôn nhắc về vấn đề này và đưa ra ý kiến tại các cuộc họp song không được lắng nghe.

Bị cáo nhận thức thời điểm đó là sai trái với thành viên của ban chỉ đạo, nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục nhưng có bao giờ nói thẳng phương thức đấu thầu này không đúng quy định pháp luật không?, đại diện Viện kiểm sát truy vấn.

Bị cáo Thạch: Trong cuộc họp bị cáo luôn nói gay gắt.

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục khai mình là người tố vụ 9,4 triệu cuốn sách giả - 1

Bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại phiên tòa (Ảnh: Đỗ Trung).

Làm đơn tự thú trước khi công an phát hiện

Tại phiên tòa chiều 14/1, bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khai bản thân khi nhận thức hành vi sai phạm đã làm đơn tự thú về việc được bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty CP đưa hối lộ 20 tỷ đồng.

Khi đó, cơ quan công an chưa phát hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, chính bị cáo là người đã tố cáo sai phạm trong vụ án 9,4 triệu quyển sách giáo khoa (SGK) giả; đơn trình báo về trường hợp mạo danh người có chức vụ để lừa đảo và cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án.

Liên quan đến vụ án 9,4 triệu cuốn sách giáo khoa giả, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Trần Hùng (cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) mức án 9 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Đối với nhóm sản xuất, buôn bán sách giả, bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) bị tuyên phạt 10 năm tù…

Theo bản án, Cao Thị Minh Thuận đã tổ chức sản xuất, nhập kho hơn 9,4 triệu quyển SGK giả các loại của NXB Giáo dục Việt Nam và các NXB khác, với tổng trị giá sách theo bìa (hàng thật) là hơn 260 tỷ đồng.

Thuận và đồng phạm đã tiêu thụ tổng số hơn 6,3 triệu quyển sách giả, tổng giá trị sách theo giá bìa là hơn 164 tỷ đồng, hưởng lợi 30 tỷ đồng.

Ông Thái nghẹn giọng trình bày bản thân sức khỏe yếu, nhiều bệnh như tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao, gần đây phải cấp cứu vì giảm tiểu cầu,... Bản thân bị cáo và gia đình đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án gần 25 tỷ đồng.

"Gia đình bị cáo có công với cách mạng, bố bị cáo tham gia 2 cuộc kháng chiến,... nên kính mong HĐXX xem xét các tình tiết để bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật", ông Thái nói.

Trình bày về bối cảnh phạm tội, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục, khai việc áp dụng phương thức "chào hàng cạnh tranh rút gọn" là do Nhà xuất bản Giáo dục phải in bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 12 cho năm học 2018-2019.

Ban chỉ đạo và các cán bộ lâu năm tham mưu "chào hàng cạnh tranh rút gọn" để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà xuất bản.

Nhận trọng trách này, ông Thái đã thực hiện đảm bảo đủ SGK cho học sinh cho năm học 2018-2019.

Khi đó, bà Tô Mỹ Ngọc và ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty Minh Cường Phát đến gặp, trao đổi, xin được tham gia cung cấp giấy cho Nhà xuất bản Giáo dục.

Khi gặp gỡ 2 chủ doanh nghiệp trên, dù đồng ý về mặt chủ trương nhưng ông Thái không đòi hỏi, yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền bồi dưỡng.

Tại tòa, ông Thái phân trần, năm 2017 về nhậm chức tại Nhà xuất bản Giáo dục trong bối cảnh đặc biệt khi người tiền nhiệm xin nghỉ hưu trước tuổi, NXB bị cơ quan công an kiểm tra, báo chí lên tiếng.

Trong bối cảnh phức tạp như vậy, bị cáo không hề có nguyện vọng về làm việc tại đây, nhưng vì bị điều động nên phải chấp hành.

Khi nhận nhiệm vụ, ông chưa hề có kiến thức gì trong việc xuất bản SGK hay mua sắm vật tư, thậm chí không nắm được loại giấy nào dùng để in loại sách gì.

Năm 2017, giá bột giấy tăng kỷ lục, Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hành hơn 100 triệu bản sách giáo khoa mới và giá bán giữ nguyên, thậm chí thấp hơn 11% so với sách xã hội hóa.

Đại diện Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty CP cho rằng giấy nhập khẩu từ Nhật Bản, chất lượng vượt trội và điều này đã giúp Nhà xuất bản Giáo dục tiết kiệm được chi phí.

Ngày mai (15/1), Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.