1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Sóc Trăng:

Cuộc sống bi kịch khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Campuchia

(Dân trí) - Vì nhẹ dạ cả tin, chạy theo lợi ích vật chất, nhiều người bất chấp rủi ro, sự an toàn của mình đã xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để lao động hoặc kết hôn, để rồi phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc.

Theo thống kê của Công an tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2018 đến nay ở tỉnh này đã có trên 400 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, chủ yếu sang Trung Quốc và Campuchia. Lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt 31 trường hợp vi phạm. Trong đó có 4 công dân trú tại Sóc Trăng xuất nhập cảnh trái phép bị Công an Trung Quốc trao trả về và 6 công dân có ý định xuất cảnh trái phép được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn ngăn chặn.

Mấy tháng nay, gia đình của anh Lê Văn Nh. (ngụ xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách) cuộc sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi vợ anh là chị Nguyễn Thị H.H. đã bỏ anh và 2 con nhỏ ở quê nhà, vượt biên trái phép sang Trung Quốc để tìm kế sinh nhai.

Theo lời kể của anh Nh., cuối năm 2018, trong lúc làm ăn thua lỗ, vợ anh nghe lời một người khác đã tìm đường qua Trung Quốc để làm thuê, mong muốn kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, sang đến nơi, “chân trời” cho người mẹ 2 con này rất ảm đạm. Gọi điện thoại về cho chồng, chị chua chát báo tin mình đã bị bán cho một người khác, muốn về thì phải có một số tiền lớn để chuộc.

Trong khi đó, cuộc sống của cha con anh Nh. rất khó khăn, hàng ngày phải đi làm thuê thì việc có món tiền lớn để chuộc vợ về là điều ngoài tầm tay của anh. Bây giờ anh Nh. chỉ còn trông chờ cơ quan chức năng phối hợp để tìm cách giải cứu vợ anh về quê hương với gia đình.

Cuộc sống bi kịch khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Campuchia - 1

Anh Lê Văn N. (phải) mong muốn cơ quan chức năng phối hợp để tìm cách giải cứu vợ anh sớm về với gia đình.

Trường hợp thứ 2 là chị N. (ngụ huyện Mỹ Xuyên) được trở về nhà gần một tháng nay nhưng cô gái này vẫn ám ảnh về những ngày bị ngược đãi bên Trung Quốc.

Theo lời kể của chị N., vào tháng 6/2018 vì nghe lời dụ dỗ của một người quen, chị đã tìm cách xuất cảnh trái phép qua Trung Quốc để kết hôn với một người đàn ông nước này, lúc đó chị chưa tròn 15 tuổi.

Tưởng rằng có một cuộc sống hạnh phúc ở nơi đất khách quê người nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì mâu thuẫn xảy ra, người nhà bên chồng thường xuyên đe dọa và bắt giam chị N. vào phòng không cho ăn, cấm tiếp xúc bên ngoài. Đến tháng 7/2019 vừa qua, khó khăn lắm chị N. mới tìm cách trốn về Việt Nam.

Những trường hợp như trên không phải là ít, bởi thực tế do nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn, nhiều người không có việc làm ổn định, nên mặc dù có nhiều rủi ro, song không ít người vì nghe lời của các đối tượng xấu, vẫn tìm mọi cách để xuất cảnh trái phép. Trong số đó, cũng có người may mắn tìm việc làm ổn định, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

Tuy nhiên, đa số công dân xuất cảnh trái phép không thông qua cơ quan chức năng đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro như: khó được bảo hộ về quyền công dân, có thể bị giam giữ trái phép, ngược đãi, gặp bất lợi về tính mạng, tài sản, bị chủ sở hữu lao động nợ lương, bị bán lấy chồng nước ngoài hoặc bị bán vào động mại dâm,…

Thiếu tá Võ Minh Thắng - Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Sóc Trăng) cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về xuất nhập cảnh. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn các hành vi xuất nhập cảnh trái phép. Đồng thời, phối hợp đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép.

Việc làm là nhu cầu hết sức cần thiết đối với người dân, đặc biệt những vùng khó khăn. Tuy nhiên, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quy chế biên giới. Do đó, người dân không nên vì cái lợi trước mắt mà bất chấp những hậu quả và hệ lụy khôn lường do xuất cảnh trái phép gây ra.

C.X.L