1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Công ty VNG bị kiện đòi bồi thường hơn 14 tỷ đồng

Xuân Duy

(Dân trí) - Công ty cổ phần VNG bị Công ty cổ phần truyền thông TK - L kiện đòi bồi thường hơn 14 tỷ đồng vì đã khai thác 3 bộ phim nguyên đơn mua độc quyền.

Ngày 13/10, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên xét xử vụ tranh chấp quyền độc quyền khai thác tác phẩm điện ảnh giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần truyền thông TK - L (TK - L) và bị đơn là Công ty cổ phần VNG (VNG).

Trước đó, TAND TPHCM xử sơ thẩm và tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc VNG phải bồi thường cho TK - L số tiền hơn 14,3 tỷ đồng và 100 triệu đồng chi phí thuê luật sư, đồng thời đăng tin xin lỗi trên 3 báo.

Công ty VNG bị kiện đòi bồi thường hơn 14 tỷ đồng - 1

Đại diện nguyên đơn tại tòa (Ảnh: Xuân Duy).

Không đồng ý với phán quyết trên, phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa cấp phúc thẩm bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2020, TK - L ký hợp đồng với đối tác nước ngoài được quyền khai thác độc quyền 3 bộ phim: The Story of Minglan - Minh Lan truyện, Princess silver - Bạch Phát Vương Phi, Legend of the Phoenix - Phượng Dịch trên các nền tảng truyền hình trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, TK - L sau đó phát hiện VNG đã khai thác 3 bộ phim trên dưới hình thức đăng tải trực tiếp lên trang điện tử tv.zing.vn, thuộc quyền quản lý và sở hữu của VNG.

TK - L cho rằng, VNG khai thác các tác phẩm này khi không được cho phép, gây thiệt hại nên khởi kiện yêu cầu TAND TPHCM buộc bồi thường.

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9/2022, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện buộc VNG bồi thường hơn 14,3 tỷ đồng - là giá trị hợp đồng chuyển nhượng độc quyền đối với 3 bộ phim; giữ nguyên các yêu cầu còn lại.

Sau nhiều phiên xử, ngày 29/9/2022, TAND TPHCM tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc VNG phải bồi thường cho TK - L số tiền hơn 14,3 tỷ đồng và 100 triệu đồng chi phí thuê luật sư, đồng thời đăng tin xin lỗi trên 3 báo.

Công ty VNG bị kiện đòi bồi thường hơn 14 tỷ đồng - 2

Hình ảnh trong bộ phim các bên tranh chấp (Ảnh: Vie).

Trình bày với tòa phúc thẩm, đại diện VNG thừa nhận trang tv.zing.vn có chiếu các bộ phim trên nhưng là "do người dùng mạng đăng tải lên" (phía VNG sau đó cung cấp địa chỉ email và số điện thoại được cho là của người đăng tải).

Trang web này được công ty thiết lập theo mô hình mạng xã hội, nên theo quy định, VNG không phải rà soát và đảm bảo về bản quyền đối với nội dung thông tin số do người sử dụng mạng đăng tải.

Tiếp đó, phía bị đơn cho rằng hợp đồng giữa nguyên đơn và đối tác không có hiệu lực. Về yêu cầu xin lỗi công khai, đại diện VNG không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm.

Ngược lại, phía nguyên đơn đưa ra hàng loạt căn cứ phản bác ý kiến của bị đơn. TK - L cho biết đã tốn rất nhiều công sức để đàm phán với đối tác nước ngoài để được khai thác độc quyền đối với các bộ phim. Việc Công ty VNG khai thác mà không xin phép TK - L là vi phạm và làm mất đi giá trị độc quyền của nguyên đơn.

Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo của VNG, tuyên y án sơ thẩm.

Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 16/10.

Trong năm 2022, TAND TPHCM xét xử vụ án tranh chấp sở hữu trí tuệ khác giữa nguyên đơn là TK - L và bị đơn là VNG. Theo đó, tòa buộc phía VNG bồi thường cho cho TK - L số tiền hơn 829,4 triệu đồng và 120 triệu đồng chi phí thuê luật sư, đồng thời đăng tin xin lỗi trên 3 báo. 

Hiện phán quyết trên đã có hiệu lực pháp luật.