1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Con gái đại gia Bình Dương vướng vòng lao lý như thế nào?

Thế Kha Nguyễn Trường

(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thục Anh (con gái Nguyễn Văn Minh) cho hay, bản thân được bố cho đứng tên công ty "sân sau" khi còn rất trẻ nên chưa hiểu nhiều, dẫn tới sai phạm.

Ngày 16/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm, xét xử 28 bị cáo trong vụ án thâu tóm "đất vàng", gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ngân sách Nhà nước, xảy ra tại Công ty Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2).

Con gái đại gia Bình Dương vướng vòng lao lý như thế nào? - 1

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (ngồi hàng ghế đầu) - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3/2 (Ảnh: T.Trung).

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thục Anh (40 tuổi) - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển, công ty "sân sau" của Minh - cho biết bản thân nắm 51% cổ phần của công ty.

Năm 2011, bị cáo được bố "gợi ý" đưa Công ty Phát triển vào liên doanh để thực hiện dự án trên khu đất 145ha. Vì mối quan hệ gia đình và nhận thấy sẽ được hưởng lợi từ dự án, Thục Anh đồng ý tham gia.

Theo cáo buộc, năm 2018, để có tiền xử lý dư nợ tạm ứng tại Tổng Công ty 3/2, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo con gái chuyển nhượng hơn 16% vốn điều lệ tại Công ty Phát triển cho Tổng Công ty 3/2. Việc này đã giúp sức cho bị cáo Minh chiếm đoạt hơn 643 tỷ đồng của Tổng Công ty 3/2. Trong đó, Minh nhận 251 tỷ đồng, với lý do hoàn thành tạm ứng cho Tổng Công ty 3/2; Nguyễn Thục Anh hưởng lợi hơn 200 tỷ đồng; bị cáo Trần Đình Như Ý hưởng lợi hơn 192 tỷ đồng.

Con gái đại gia Bình Dương vướng vòng lao lý như thế nào? - 2

Bị cáo Nguyễn Thục Anh tại phiên tòa ngày 16/8 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tại tòa, bị cáo Thục Anh khai, bản thân chỉ đứng tên thay cho bố ở Công ty Phát triển. Đối với việc mua bán cổ phần thì do ông Minh quyết định toàn bộ, bị cáo này chỉ được bố thông báo sơ qua.

Khai thêm, bị cáo Thục Anh cho hay, ngay từ những ngày đầu thành lập, bản thân không quan tâm, không tham gia điều hành công ty. Việc sắp xếp nhân sự, nguồn tiền ra vào, chi tiêu tại công ty thế nào… đều do bố điều phối.

"Bị cáo không được hưởng lợi một đồng nào" - bị cáo Thục Anh khẳng định và cho biết, trên các giao dịch, chứng từ cũng không thể hiện mình được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, bị cáo Thục Anh cho biết, khi mới 19 tuổi, bản thân đã được bố đã cho đứng tên Công ty Phát triển nên không hiểu hết mọi vấn đề, chỉ nghĩ mọi việc diễn ra là bình thường. Đến khi công an vào điều tra, bị cáo này mới nhận thức được hành vi của mình là sai và xin nhận trách nhiệm.

"Bị cáo mong được xem xét về vai trò của mình. Nếu bị cáo biết bản chất của các hợp đồng là sai phạm thì không bao giờ ký. Bị cáo tin rằng, không có người cha nào làm hại con gái cả nên nếu biết việc làm của mình cấu thành tội tham ô tài sản chắc chắn không bao giờ bố bị cáo làm vậy" - Thục Anh phân bua.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản". Riêng bị cáo Nguyễn Thục Anh bị truy tố về tội "Tham ô tài sản"

Cáo trạng cáo buộc, bị cáo Minh và con gái và người thân còn lập các công ty "sân sau" gồm Công ty Tân Thành, Công ty TNHH Phát Triển, Công ty Đầu tư - Xây dựng Tân Phú nhằm thâu tóm, hưởng lợi từ việc cổ phần hóa, trong đó có tài sản là 2 khu "đất vàng" ở Bình Dương, gây thất thoát cho nhà nước tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Minh cùng 5 đồng phạm khác đã tham ô số tiền hơn 815 tỷ đồng trong việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của Tổng Công ty 3/2 thông qua phương thức mua bán, chuyển nhượng vốn điều lệ từ Công ty Hưng Vượng.