1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cơ hội nào cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử?

(Dân trí) - Bị đề nghị tuyên phạt mức hình phạt cao nhất, theo luật sư, ông Nguyễn Bắc Son cần khắc phục hết hậu quả của tội “Nhận hối lộ” để tòa án có căn cứ xem xét cho bị cáo được thoát án tử hình cùng với các tình tiết giảm nhẹ khác.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Viện Kiểm sát đề nghị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình cho 2 tội danh “Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

Sáng 21/12, luật sư bào chữa cho bị cáo Son thông báo, gia đình và bạn bè ông Son đã tập hợp được 12,5 tỷ đồng, sẽ nộp để ông Son khắc phục hậu quả. Trước đó, cựu Bộ trưởng Son cam kết sẽ khắc phục hết số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ.

Cơ hội nào cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử? - 1
Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị tuyên án tử hình.

Trước tình huống pháp lý này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, có cơ hội để ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử hình.

Theo luật sư Tuấn, khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, có 3 trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, trong đó có trường hợp: “Người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tội “Nhận hối lộ” mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.”.

“Áp dụng điều luật trên, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án sẽ không bị thi hành án và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.” - luật sư Tuấn cho hay.

Cơ hội nào cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử? - 2
Luật sư Tạ Anh Tuấn.

Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia luật và Liên danh nhận định, đây là điểm mới của BLHS 2015 so với quy định của BLHS 1999. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Bởi, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ. Nếu xử lý tử hình tội phạm tham nhũng thì Nhà nước không thu hồi lại được tiền, tài sản bị chiếm đoạt và mục đích cuối cùng không đạt được.

Vì vậy, quy định tại Điều 40 BLHS 2015 khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải, tự nguyện bồi hoàn tài sản chiếm đoạt trái pháp luật, có các biện pháp khắc phục hậu quả, giúp Nhà nước thu hồi tài sản một cách thuận lợi nhất.

“Việc nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ sẽ được miễn án tử hình nhưng không có nghĩa là 1/4 tài sản còn lại không bị thu hồi. Việc người bị kết án tử hình nộp lại 3/4 tài sản chỉ là một trong những điều kiện “cần” để được xem xét không thi hành án tử hình. 1/4 tài sản còn lại bị cáo vẫn phải nộp lại theo quy định và người phạm tội vẫn phải chịu hình phạt tù không có thời hạn.

Ngoài việc khắc phục 3/4 tài sản tham ô, hối lộ, điều kiện “đủ” là người bị kết án tử hình phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.” - luật sư Tuấn phân tích.

Làm rõ điều kiện “cần” và “đủ” trong trường hợp này, luật sư Tuấn viện dẫn khoản 2, 3, 4 Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3, Điều 7 BLHS 2015.

Cụ thể, “Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ.

“Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án...).

Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.

“Đối với trường hợp cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, bản thân bị cáo đã tác động gia đình gom được 12,5 tỷ đồng khắc phục một phần thiệt hại và cam kết sẽ khắc phục hết 3 triệu USD. Nếu gia đình bị cáo khắc phục hết tài sản nhà nước bị thất thoát, HĐXX có căn cứ để xem xét cho bị cáo được thoát án tử hình cùng với các tình tiết giảm nhẹ khác.” – luật sư Tuấn nhận định.

Tiến Nguyên