1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Chuyện về quản giáo trẻ thổi lòng say mê lao động vào những phạm nhân lười biếng

Quản lý 50 phạm nhân đều trong độ tuổi mới lớn, quen học đòi và chơi bời lêu lổng thật không dễ chút nào, thế mà Trung úy Đỗ Thế Tuân, quản giáo ở Phân trại 1, Trại giam Suối Hai còn khiến họ thấy yêu thích công việc đang làm.

Để khơi gợi lòng say mê lao động ở các phạm nhân bướng bỉnh, quen chơi hơn làm này, theo đồng chí Tuân thì người quản giáo không chỉ nhiệt tình, mà còn phải có cái tâm thực sự muốn hướng cho họ một cái nghề để sau này đủ tự tin cho ngày ra trại.

Cảnh giác nhưng không tạo khoảng cách

Tôi từng có dịp tiếp xúc với nhiều quản giáo, nhìn họ tận tình chỉ bảo cho các phạm nhân từng đường kim mũi chỉ, uốn nắn cách cầm bút viết chữ,… nhưng khi gặp Tuân, nhìn anh đứng giữa “rừng hung khí” vẫn cảm giác ghê ghê. “Rừng hung khí” mà tôi nói đến ấy là những nguyên liệu dùng để làm giá đèo hàng, làm côn, má phanh xe máy và rất nhiều dụng cụ, máy móc ở xưởng cơ khí, chưa kể nhiều dây điện lằng nhằng,…

Cứ thử hình dung xem, một quản giáo dáng người nhỏ nhỏ, xương xương, len lỏi giữa mấy chục phạm nhân, toàn những thanh niên trẻ, khỏe vì phạm tội mà phải vào đây, ai có thể cam đoan không xảy ra điều gì bất trắc. Ấy thế mà từ ngày về Suối Hai công tác, chưa bao giờ anh Tuân gặp phải một sự chống đối nào của phạm nhân, cho dù trong đội của anh toàn những thành phần “rắn mặt”.

Điển hình như phạm nhân Trần Văn Chiến, sinh năm 1987, ở Mê Linh, Hà Nội, bị kết án 8 năm tù về tội cướp tài sản. Chiến và anh trai từ bé đã là những đứa trẻ ngỗ nghịch, lớn lên lại thiếu sự dạy dỗ của bố mẹ nên chỉ biết chơi bời lêu lổng. Sau khi gây ra một vụ cướp tài sản, cả hai anh em Chiến đều vào Trại giam Suối Hai cải tạo.

Khi được phân về đội cơ khí, lao động, Chiến luôn tìm cách né tránh công việc. Anh ta viện đủ lý do để không phải đi làm. Khi quản giáo Tuân chuyển công tác từ Trại giam Sông Cái ra, thấy cán bộ trẻ, mới ở nơi khác về, lại tuổi cũng ngang mình, Chiến tỏ ra không phục.

Ngoài mặt, Chiến vẫn vâng vâng, dạ dạ khi được sai bảo, thế nhưng cứ bắt tay vào làm việc là anh ta lại nhăn nhó kêu. Biết Chiến “thử” mình, Trung úy Tuân làm như tin rằng Chiến ốm thật. Anh tỏ ra sốt sắng, thậm chí còn tự tay đi lấy thuốc khi Chiến kêu sốt, kêu ốm. Rồi Chiến kêu nhìn lửa hàn là choáng váng, quản giáo Tuân liền cho anh ta xuống bệnh xá.

Một hôm, hai hôm, cứ sáng ra điểm danh xong, mọi người vào việc thì Chiến lại được quản giáo ngang tuổi đưa vào bệnh xá với lời giải thích: mệt thì cứ nghỉ đã, việc không làm hôm nay thì mai làm, sức khỏe là quan trọng nhất.

Chiến cứ lặng im xuống bệnh xá, không nói lại một lời, để rồi đêm về trong đầu cứ văng vẳng lời quản giáo: “Tôi chỉ mong các anh sau này mãn hạn có một cái nghề mà kiếm sống, chứ không nghề gì lại mặc cảm thân phận dễ mắc sai lầm lần nữa”.

Rồi chả hiểu sao mấy ngày sau, Chiến nằng nặc xin được quay về đội đi làm. Giờ thì Chiến là tay hàn chính của xưởng cơ khí do quản giáo Tuân phụ trách. Và theo lời Trung úy Tuân, thì sau 4 năm cải tạo, lao động ở đội cơ khí, nếu bây giờ có được ra trại thì với tay nghề hiện nay, Chiến đủ tự tin để kiếm sống.

Quản giáo Đỗ Thế Tuân đang thao tác kỹ thuật cho phạm nhân mới vào cải tạo ở xưởng cơ khí.

Quản giáo Đỗ Thế Tuân đang thao tác kỹ thuật cho phạm nhân mới vào cải tạo ở xưởng cơ khí.

“Thực ra với những người bướng bỉnh như Chiến, tốt nhất là không nên nói nhiều”, Trung úy Tuân bật mí. Không mắng hay bắt viết kiểm điểm như những phạm nhân khác, quản giáo Tuân tìm cách tiếp cận Chiến theo cách riêng của mình.

Qua các kênh thông tin, anh biết Chiến là đứa trẻ thiếu thốn tình cảm vì bố mẹ bỏ nhau, hai anh em phải sống với ông nội năm nay đã ngoài 80 tuổi. Mặc dù gia đình cách trại giam không xa, nhưng vài tháng một lần, ông nội của Chiến mới lên thăm hai anh em. Biết Chiến rất lo cho ông, cũng mong muốn học một nghề gì đó để sau này kiếm sống nên Trung úy Tuân đã lựa đúng thời điểm để trò chuyện với Chiến. Và chỉ một câu nói duy nhất tưởng như bâng quơ của anh đã khiến kẻ ngang bướng này phải suy nghĩ và nhận ra điều nên làm.

Hỏi Trung úy Tuân phải làm việc cả ngày với những phạm nhân đa số là ít tuổi, phạm các tội trộm cắp, cướp giật, luôn trong tay có hung khí như vậy có ngại không? Tuân cười như trấn an. Anh bảo, đã xác định làm quản giáo thì không được nề hà bất cứ việc gì, càng những việc có nhiều rủi ro càng phải cảnh giác. “Mình luôn có ý thức cảnh giác nhưng bề ngoài luôn tỏ ra thân thiện, không tạo khoảng cách với phạm nhân thì việc khó rồi cũng vượt qua”, quản giáo Tuân tiết lộ.

Dạy phạm nhân nghề, mình cũng học việc luôn

Quê ở Hưng Yên nhưng Tuân lại về Trại giam Sông Cái (tỉnh Ninh Thuận) công tác khi mới 19 tuổi. Lần đầu tiên xa nhà, sống cuộc sống tập thể với những kỷ luật thép đã khiến cậu học sinh mới ra trường trưởng thành lên rất nhiều. Tuân bảo chính nhờ những năm tháng xa nhà ấy mà anh thông cảm với những phạm nhân trẻ, hiểu được nỗi nhớ nhà của họ.

Sau 4 năm công tác, tháng 9/2010, Tuân được chuyển về Trại giam Suối Hai. Không còn cảnh xa nhà biền biệt cả năm trời, nhưng do đặc thù công việc nên nhiều khi gần tháng anh mới có điều kiện về thăm nhà.

Có khi một ngày, có lần nửa ngày về nhà rồi lại phải lên đơn vị, nhưng sự xuất hiện của anh dù là chớp nhoáng cũng khiến cha mẹ, vợ con đều rất vui. Mọi người vui vì thấy anh vẫn mạnh khỏe, công tác tốt, chứ “nhiều khi vợ nhờ đi họp phụ huynh cho con cũng không có thời gian thì giúp được gì khác”, như lời quản giáo Tuân tâm sự. Thời gian anh dành cho gia đình là những tối trực ở trại, gọi điện về dạy con học bài và động viên cha mẹ. Anh bảo, nhiều khi đến ngày lễ Tết, nhìn bọn trẻ con ở gần đơn vị được cha mẹ cho đi chơi cũng chạnh lòng nghĩ đến con mình giờ này chắc ở nhà một mình.

Cực nhất là những khi vợ ốm, con đau, cha mẹ già bệnh trọng mà công việc thì không thể dứt ra mà đi được, bởi nếu có xin nghỉ phép thì vẫn được cấp trên giải quyết nhưng mình đi ca không đều sẽ khó nắm bắt phạm nhân, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý, giáo dục.

“Quan điểm của tôi là không để phạm nào làm một việc cố định, mà tất cả đều luân phiên nhau. Ai hàn tốt rồi thì chuyển sang làm mài rồi cắt, cứ thế xoay tua đến khi hết án thì tay nghề cũng cứng rồi. Như phạm nhân Chiến, phạm nhân Đinh Xuân Hồng, hay phạm nhân Vàng A Dí, sau này ra trại với tay nghề cứng như hiện nay là mở được xưởng hàn xì, nếu đi làm thuê, việc nào cũng đảm đương được”, Trung úy Tuân cho biết.

Đội có 47 phạm nhân, tuy đều trong độ tuổi còn trẻ nhưng không đồng đều về nhận thức, trình độ, cũng như hoàn cảnh gia đình,… là một thách thức lớn đối với quản giáo Tuân trong việc giáo dục phạm nhân. Có người gia đình ở ngay Hà Nội, tuần nào cũng lên thăm với quà bánh và tiền ký quỹ. Có người nhà tít trên vùng cao, từ ngày vào trại đến nay đã vài năm rồi mà không có người thân nào thăm hỏi.

Để giảm bớt khoảng cách vô tình được tạo ra do tính cách, hoàn cảnh sống và nhận thức của mỗi phạm nhân, Trung úy Tuân thường khuyến khích họ nên có tấm lòng tương thân tương ái, người có nhiều chia sẻ với người không có.

“Tôi quan tâm nhiều đến những phạm nhân có cá tính và những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi thường động viên họ cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Tiền công ty đặt hàng thưởng, tôi dùng để mua mì tôm, các nhu yếu phẩm khác trao cho những phạm nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và cả những phạm nhân cải tạo tốt, coi đó như một món quà khích lệ”, anh Tuân cho biết.

Với cách làm này, quản giáo Tuân đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng các phạm nhân. Họ như thấy được mục đích của đời mình để hăng say lao động, mà còn cố gắng hoàn thành sớm công việc được giao, coi đó như một sự trả ơn đối với cán bộ quản giáo.

“Những phạm nhân nào mới về đội, tôi bảo phạm nhân có tay nghề cứng trong đội truyền nghề cho họ. Tôi cũng tranh thủ học luôn”, anh Tuân cười. Trong suy nghĩ của anh, quản giáo không chỉ giỏi nghiệp vụ, mà còn phải biết nghề, nắm vững kỹ thuật mới hướng dẫn được phạm nhân, biết được đâu đúng, đâu sai để kịp thời chỉnh sửa.

“Tôi nghĩ rằng, phạm nhân là những người vi phạm pháp luật nhưng trước hết họ là những con người. Lợi thế của tôi là được quản lý những con người trẻ tuổi, tuy sốc nổi nhưng có sức khỏe và nhiệt tình. Ban đầu tiếp xúc, tôi bao giờ cũng tạo cho họ cảm giác thoải mái, lấy sự từng trải của mình để trò chuyện như những người cùng trang lứa, chứ không bao giờ lên mặt giảng giải, yêu sách. Có người hiểu ra, song cũng có người lầm tưởng mình sợ, tìm cách chống đối. Với những phạm nhân này, tôi không kỷ luật ngay, mà tìm hiểu xem họ có khúc mắc gì không. Bình thường làm công tác quản lý, giáo dục con người đã khó, giúp một người lầm lỗi tiến bộ càng khó hơn, thế nên đừng bao giờ có một định kiến về họ khi chưa tìm hiểu kỹ”, quản giáo Tuân bật mí.

Bằng cái tâm thực lòng mong muốn các phạm nhân trong đội, khi ra trại có một cái nghề để sống, quản giáo Tuân từng bước khiến nhiều kẻ bướng bỉnh biết yêu lao động. Họ không còn chống đối nữa, mà chăm chỉ học nghề hơn.

Những trường hợp như Chiến, như Hồng, như Dí không phải là cá biệt nhưng giờ đều trở thành thợ hàn xì cứng trong đội. Có người mỗi ngày sản xuất được 60kg má côn như phạm nhân Vàng A Dí, phạm nhân Nguyễn Bá Nam.

Nhìn anh thoăn thoắt đi lại, lúc thì ghé vào chỗ phạm nhân này đang mài má côn, khi thì tới xem phạm nhân khác hàn, cắt, tôi chợt hiểu ra rằng, giữa những nơi nguy hiểm vẫn còn đó những con người mà tấm lòng nhân hậu của họ đang từng bước đẩy lùi cái xấu

Theo Lam Trinh
Cảnh sát toàn cầu