Chuyên gia tội phạm học vạch trần thủ đoạn "bẫy mồi" của những kẻ hiếp dâm
(Dân trí) - Đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, đầu độc, đánh thuốc mê, thuốc ngủ… là những thủ đoạn mà tội phạm hiếp dâm hay sử dụng được Thượng tá Đào Trung Hiếu chỉ ra.
Qua vụ nữ chủ cửa hàng quần áo ở thị trấn Gia Khánh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) mưu trí thoát khỏi tình huống bị đối tượng lạ mặt dùng dao đe dọa đòi hiếp dâm, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, đã có một số chia sẻ về loại tội phạm này.
Đối tượng và nạn nhân
Theo ông Hiếu, hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu với nạn nhân (đưa dương vật vào trong âm đạo) một cách trái với ý muốn của họ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nạn nhân của hành vi hiếp dâm chỉ có thể là phụ nữ, trẻ em gái. Nam giới không được coi là đối tượng xâm hại của tội phạm này, mặc dù trên thực tế đã xảy ra hiếp dâm nam đồng tính.
Về thủ đoạn, chuyên gia tội phạm học phân tích đối tượng hiếp dâm có thể dùng vũ lực đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân; đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, làm nạn nhân sợ hãi, buộc phải cho giao cấu; dùng các thủ đoạn khác như đầu độc, đánh thuốc mê, thuốc ngủ… khiến nạn nhân lâm vào tình trạng không thể kháng cự.
Về tâm lý, ông Hiếu nhận định đối tượng hiếp dâm thường có tính ích kỷ, bệnh hoạn, biểu hiện tâm lý quái gở, có lối sống sa đọa, đồi trụy.
"Hầu hết đối tượng đều biết việc giao cấu trái ý muốn nạn nhân là vi phạm pháp luật và bị trừng trị, nhưng do tác động của rượu bia, chất kích thích, hay bị ám ảnh bởi phim đồi trụy làm dục vọng trỗi dậy, mất hết lý trí", ông hiếu nói.
Đối với nạn nhân, vị thượng tá công an cho biết, những phụ nữ sống độc thân, công việc hay phải về muộn...; những người làm việc tại nơi nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke...; phụ nữ có lối sống buông thả, thời trang khiêu gợi... sẽ dễ nằm trong tầm ngắm của những kẻ hiếp dâm.
Bên cạnh đó, những trẻ em gái thiếu sự quan tâm, quản lý giáo dục của gia đình; những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhà nghèo, ít học, sống lang thang cơ nhỡ... cũng dễ là nạn nhân của những vụ hiếp dâm.
"Hậu quả của hành vi hiếp dâm thường rất nặng nề. Nạn nhân có thể có thai, bị lây những bệnh nguy hiểm qua đường tình dục như HIV/AIDS, viêm gan, giang mai, lậu… Họ cũng sẽ bị tổn thương về tâm lý trong suốt quãng đời còn lại", ông Hiếu nói.
Phòng ngừa như nào?
Trước tình trạng trên, ông Hiếu khuyên, người phụ nữ phải luôn có ý thức về sự an toàn của bản thân, tạo lối sống lành mạnh, ăn mặc đứng đắn, không dễ dãi trong các mối quan hệ...
"Đừng tự đưa mình vào hoàn cảnh dễ làm phát sinh tội phạm, như: hạn chế tối đa việc đi lại một mình vào buổi tối, ở những nơi vắng vẻ. Nếu có công việc buộc phải đi lại những khu vực nguy hiểm đó, phải luôn đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn tâm thế đối phó khi có tình huống xảy ra", vị chuyên gia chia sẻ.
Theo ông Hiếu, khi thấy có dấu hiệu bị đối tượng lạ đeo bám, trong hoàn cảnh trời đã tối, lộ trình phía trước phải đi qua các khu vực, đoạn đường vắng vẻ, tốt nhất hãy dừng xe, hoặc rẽ vào quán xá bên đường, rồi gọi điện cho bạn bè, người thân đến đón, nếu không có hãy tìm chỗ nghỉ.
"Đừng cố gắng mạo hiểm với hy vọng không có chuyện xấu xảy ra", ông Hiếu nói.
Ngoài ra, lời khuyên của Thượng tá Đào Trung Hiếu là tuyệt đối không nên gặp gỡ, tiếp xúc với người lạ tại những nơi riêng tư, nhạy cảm như trong phòng ở, nhà nghỉ, khách sạn.
Trong trường hợp bắt buộc phải gặp, thì nên hẹn khách tại những nơi đông người như phòng lễ tân, phòng khách.
"Với nam giới quen biết mà buộc phải đưa anh ta vào phòng nghỉ (do bị say rượu hay cảm, ốm…) cần kêu gọi sự giúp đỡ của nhân viên. Không nên tự mình đưa người vào phòng. Nhiều đối tượng dùng thủ đoạn giả vờ say rượu hay bị ốm, cảm… để dụ phụ nữ đưa mình vào phòng rồi bất ngờ dùng vũ lực đè bẹp sự kháng cự để thực hiện hành vi hiếp dâm", chuyên gia tội phạm học nói.