Chủ mưu vụ 70 giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc: "Bị cáo không phải dân xã hội"
(Dân trí) - Bị cáo Phạm Anh Hiếu - người được xác định có vai trò cầm đầu trong vụ 70 giang hồ hỗn chiến ở Phú Quốc - cho rằng cáo trạng của VKSND tỉnh Kiên Giang gọi mình là "dân xã hội" là không phù hợp.
Chiều ngày 5/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM tiếp tục mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Giết người đối với nhóm 70 giang hồ bảo kê đất Phú Quốc nổ súng khiến 2 người chết.
Tại phần xét hỏi, các bị cáo lần lượt trả lời câu hỏi của chủ tọa, thẩm phán, VKSND tỉnh Kiên Giang và luật sư.
Phiên tòa triệu tập 25 bị cáo, trong đó VKSND tỉnh Kiên Giang kháng nghị tăng hình phạt đối với 14 bị cáo gồm: Đoàn Thiên Long, Phạm Anh Hiếu, Bùi Minh Trung, Võ Văn Lương, Nguyễn Quốc Vinh, Trần Ngọc Phú, Lê Hoàng Lang, Huỳnh Văn Tửng, Huỳnh Văn Hận, Võ Minh Thanh, Phan Hoàng Quân, Phạm Hoàng Rô, Phan Hữu Phúc, Bành Văn Sang.
Các bị cáo còn lại kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.
"Bị cáo là chủ doanh nghiệp, không phải dân xã hội"
Theo cáo trạng, Nguyễn Văn Thái (tức Thái "Bus", 36 tuổi) được Phạm Anh Hiếu (34 tuổi, chuyên nhận làm giấy tờ đất ở Phú Quốc) nhờ bảo kê để đo vị trí mảnh đất 2,2ha đang tranh chấp tại khu vực ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, Kiên Giang.
Sau khi "chốt kèo" đo đất 4 tỷ đồng, sáng 27/10/2022, Thái "Bus" huy động hơn 50 đàn em đi trên 12 ô tô, mang theo dao, mã tấu, 3 khẩu súng đến khu đất tranh chấp thì đụng độ nhóm của Khúc Văn Đoài (41 tuổi).
Hai nhóm giang hồ xảy ra cự cãi, xô xát nhau. Lúc này, Đoàn Thiên Long (36 tuổi, đàn em của nhóm Thái "Bus") cầm súng hoa cải bắn nhiều phát về nhóm đối phương khiến 2 người chết, 6 người bị thương.
Tại tòa, bị cáo Phạm Anh Hiếu - người được xác định có vai trò cầm đầu trong vụ án - cho rằng cáo trạng của VKSND tỉnh Kiên Giang gọi mình là "dân xã hội" là chưa phù hợp.
"Thứ nhất bị cáo làm chủ doanh nghiệp, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ theo quy định Nhà nước. Thứ hai thời gian bị cáo bị bắt tạm giam, VKSND tỉnh Kiên Giang cũng đã khám xét nhà ở của bị cáo mà không phát hiện đàn em hay vũ khí mà chỉ thu những con dấu của công ty bị cáo", bị cáo Phạm Anh Hiếu trình bày.
Bị cáo Hiếu khẳng định mình không tham gia các hoạt động nào liên quan đến việc xâm hại sức khỏe người khác.
Một "kèo" đi đo đất ở Phú Quốc không có giá 4 tỷ
Một trong những mấu chốt của vụ án này là có hay không thỏa thuận "kèo" làm đất với giá 4 tỷ đồng? Tình tiết này ảnh hưởng đến việc xem xét tính chất, mức độ, hành vi của các bị cáo.
Tại phần xét hỏi, luật sư Đặng Thị Dung - bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Hiếu - đã nhắc về thỏa thuận đo đất được trả thù lao 4 tỷ đồng giữa bị cáo Hiếu và bị cáo Thái "Bus".
Bị cáo Phạm Anh Hiếu khẳng định, công việc đo đất ở Phú Quốc không có giá 4 tỷ đồng/lần, đồng thời bị cáo này cũng phủ nhận việc mình thỏa thuận trả 4 tỷ đồng cho Thái "Bus" như trên cáo trạng nêu.
"Một kèo đi đo đất ở Phú Quốc không có giá 4 tỷ mà chỉ có giá khoảng 3-5 triệu đồng", bị cáo Hiếu nói.
Phiên xét xử phúc thẩm chiều ngày 5/6 dừng lại ở phần xét hỏi.
Trước đó, sáng 31/1, HĐXX đã tuyên án 70 giang hồ hỗn chiến bảo kê đất ở Phú Quốc làm 2 người chết, 6 người bị thương.
Bị cáo Đoàn Thiên Long (23 tuổi, dùng súng bắn 8 người thương vong) nhận mức án chung thân. Trước đó, VKSND đề nghị Long án tử hình.
Bị cáo Nguyễn Văn Thái (tức Thái "Bus", huy động nhóm giang hồ đi bảo kê đất) nhận án chung thân, bằng với mức án đề nghị của VKS.
Bị cáo Phạm Anh Hiếu (nhận đo đạc đất) lĩnh 20 năm tù. Trước đó, bị cáo này bị VKSND đề nghị chung thân.
Bị cáo Bùi Đức Ngọc án chung thân, bằng với đề nghị của VKSND.
Bị cáo Bùi Minh Trung (tức Trung "Cà Mau", đàn anh giang hồ nổi tiếng ở Phú Quốc) 14 năm tù, thấp hơn VKS đề nghị trước đó là 18-20 năm tù.
HĐXX cũng tuyên 61 bị cáo khác mức án từ 6 tháng tù treo đến 18 năm tù giam về các tội Giết người, Gây rối trật tự công cộng, Che giấu tội phạm, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
4 bị cáo tội Che giấu tội phạm gồm: Hà Minh Trường, Lê Quang Bảo, Vi Văn Dương, Huỳnh Văn Đời, lĩnh mức án bằng thời hạn tạm giam nên được trả tự do tại tòa.
VKSND tỉnh Kiên Giang sau đó đã có kháng nghị, cho rằng TAND tỉnh Kiên Giang tuyên án không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra, chưa đủ nghiêm, chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Theo VKSND tỉnh Kiên Giang, việc truy tố các bị cáo về tội Giết người với tình tiết định khung có tính chất côn đồ; phạm tội có tổ chức là đúng và có cơ sở pháp lý, đảm bảo yêu cầu phòng chống tội phạm trên địa bàn và tính răn đe nghiêm khắc. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên xử chưa thỏa đáng.