1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đăk Lăk:

Chồng “bán” vợ cho… “tình địch”

Chuyện Giàng A Áo bị vợ “cắm sừng” cả gia đình, làng xóm đều biết. Nhưng thay vì khuyên can, đưa ra chính quyền hoặc nhờ các cơ quan chức năng hòa giải, can thiệp giúp thì gia đình anh này lại thống nhất “bán trắng” chị Cú cho người tình của chị với giá 40 triệu đồng...

Giàng A Áo
Giàng A Áo

Xử lý ngoại tình theo “luật rừng”

Công an huyện Krông Bông (tỉnh Đăk Lăk) mới quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Giàng A Áo (sinh năm 1993, trú tại thôn Cư Dhiat, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhưng đằng sau vụ án này lại là câu chuyện bi hài về anh chàng “côn đồ bản” thiếu hiểu biết pháp luật nên đã nghĩ cách "làm tiền" từ việc bị vợ “cắm sừng”.

Đối tượng Giàng A Áo có vợ là chị Hàng Thị Cú cùng sinh năm 1993, cùng trú tại thôn Cư Dhiat, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông. Vào khoảng năm 2010, chị Cú bỗng có quan hệ lòng thòng với anh Cứ Seo Chu (sinh năm 1970, trú thôn 5, xã Cư San, huyện M’đrăk, Đắc Lắc).

Chuyện Áo bị vợ “cắm sừng” cả gia đình đều biết và rất tức tối. Nhưng thay vì khuyên can, đưa ra chính quyền hoặc nhờ các cơ quan chức năng hòa giải, can thiệp giúp thì Giàng Seo Nếnh (1976, anh của Áo) lại xúi Áo cùng với Giàng Văn Sùng, Giàng A Pàng, Giàng Seo Giáo và một số người khác là bà con, họ hàng và sống cùng thôn Cư Dhiat tự xử lý theo “luật rừng”.

Chiều 30/11/2011, sau khi bí mật theo dõi, phát hiện chị Cú gọi điện thoại hẹn hò với anh Chu, Áo và mọi người lập tức lên phương án thực hiện kế hoạch đã định sẵn. Khi anh Chu điều khiển xe máy đến chở chị Cú đi chơi thì nhìn qua gương chiếu hậu phát hiện có người theo dõi, anh Chu bèn chở chị Cú quay về. Gần đến nhà chị Cú, sợ bị mọi người phát hiện, anh Chu cho chị Cú xuống rồi đi bộ về nhà, còn mình phóng xe về đường khác.

Nhưng vừa thả người tình xuống thì anh Chu bị một đám người lạ mặt xông ra chặn đường, phải bỏ chạy. Người chặn xe là Giàng Seo Nếnh - một người anh em của chồng chị Cú - trước đó, Nếnh Áo, Pàng, Sùng, Giáo và một số người nữa tập trung ở nhà Áo “họp khẩn” bàn cách bắt anh Chu để xử lý.

Theo đó, vì chị Cú không còn yêu Áo nữa nên gia đình thống nhất “bán trắng” chị Cú cho người tình của chị là anh Chu với giá 40 triệu đồng, vừa không phải nuôi cô vợ không thực bụng thương mình, vừa có tiền để tiêu xài và cưới vợ khác.

Ngã giá… bán vợ

Sau khi bị chặn xe, lợi dụng sơ hở, anh Chu bỏ xe máy chạy thoát ra ngoài, gọi điện thoại cho vợ là chị Hoàng Thị Cúc cùng một số người quen “ủy quyền” đến nhà Áo để phân trần, giải thích. Tại đây, Nếnh buộc chị Cúc phải gọi điện thoại cho anh Chu đến thì mới nói chuyện. Khi anh Chu đến, Nếnh, Áo, Giáo, Pàng và Sùng yêu cầu anh và chị Cúc phải... mua lại chị Cú với giá 40 triệu đồng.

Thấy số tiền quá lớn, cộng thêm chuyện đang không phải rước thêm một “bà lẽ” về nhà nên chị Cúc khước từ. Thấy thế, Nếnh, Giáo, Pàng, Sùng đánh đập anh Chu khiến anh này bị thương rồi Nếnh “hạ giá” xuống 30 triệu đồng nhưng anh Chu vẫn không chịu “mua” chị Cú về. Nếnh, Giáo và Pàng lấy dây dọa trói anh Chu lại và đánh cho chết, buộc chị Cúc phải “xuống nước”. Sợ các đối tượng manh động, anh Chu, chị Cúc buộc phải chấp nhận mua lại chị Cú nhưng mặc cả “hạ giá” xuống còn 20 triệu đồng và gia đình Áo đồng ý bán.

Sau khi vợ chồng anh Chu, chị Cúc giao đủ 20 triệu đồng, Nếnh tiếp tục buộc họ phải đưa thêm 1 triệu đồng nữa với lập luận để mua rượu thịt đãi những người đã đến tham gia giải quyết sự việc. Sau đó, Nếnh trả xe máy cho vợ chồng anh Chu, chị Cúc và yêu cầu hai người chở luôn chị Cú về: “Đưa nó về bên nhà chúng mày đi. Tiền trả rồi, thích làm vợ thì làm, thích làm người ở thì làm, bên mình hết trách nhiệm!”.

Phần chị Cúc, dù phải bỏ tiền ra mua chị Cú, nhưng không thích phải san đôi tình cảm nên cương quyết không nhận mà “tặng” lại bên Nếnh.

Sa vào lao lý vì “mù luật”

Sự việc sau đó được báo lên cơ quan chức năng. Xét thấy các đối tượng là đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ văn hóa và pháp luật đều hạn chế nên Công an huyện Krông Bông đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hòa giải, vận động tuyên truyền, thuyết phục các đối tượng trả lại số tiền trên cho anh Chu, chị Cúc.

Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, các đối tượng vẫn ngoan cố không chấp hành rồi bỏ trốn; còn anh Chu thì được Trung tâm Giám định pháp y tỉnh kết luận bị thương tật tỷ lệ 5%. Thế nên vào tháng 8/2012 vừa qua, Công an huyện Krông Bông đã khởi tố Giàng A Áo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tiếp tục điều tra về hành vi của các đối tượng liên quan là Nếnh, Giáo, Pàng, Sùng.

Qua vụ án này cho thấy, cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa chính sách pháp luật đến đồng bào vùng sâu vùng xa, tránh việc vào tù vì những chuyện dở khóc dở cười tương tự.

Theo Trần Nguyên
Pháp luật Việt Nam