Chiêu đối phó đoàn kiểm tra của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn
(Dân trí) - Bị cáo Hồ Đình Thái Hòa và đồng phạm dùng nhiều cách hợp thức hóa hồ sơ để đối phó với đoàn kiểm tra nhằm che giấu những sai phạm trong việc đào tạo lái xe.
Chiều 9/4, phiên xử về các sai phạm trong việc đào tạo, cấp hơn 39.000 chứng chỉ không đúng quy định tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn bắt đầu bước vào phần xét hỏi.
Liên kết với các đơn vị, tổ chức bên ngoài
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Hồ Đình Thái Hòa (50 tuổi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn có trụ sở tại Đồng Nai, Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T - Công ty 3T) cho rằng, hành vi phạm tội của mình được nêu trong cáo trạng là không oan sai. Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận nhiều nội dung cáo buộc và nói muốn giải thích rõ hơn nhằm làm rõ bản chất vụ án.

Bị cáo Hòa tại tòa (Ảnh: Xuân Duy).
Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn thuộc Công ty 3T do ông Hòa làm giám đốc, trụ sở tại TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Trong vụ án này, bị cáo Hòa bị cáo buộc là chủ mưu, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ thuê xe tập lái thành xe của trung tâm với số lượng lớn.
Tại tòa, bị cáo Hòa cho biết, trong quá trình hoạt động, ông đã vận dụng các quy định pháp luật về liên kết đào tạo trong giáo dục nghề để phối hợp với một số tổ chức cá nhân.
Về điều kiện xe tập lái, Hòa cho rằng ngoài xe mua sắm, trung tâm còn liên kết với nhiều cá nhân, đơn vị đưa xe vào trung tâm một cách hợp pháp trên cơ sở góp vốn. Các xe được đưa vào trung tâm đều đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật như có đăng kiểm, có phanh phụ…
Bị cáo Hòa thừa nhận biết một số quy định số lượng xe thuê bên ngoài không được quá 50% xe của trung tâm nhưng về sau không có giới hạn. Đồng thời, người đàn ông này nói việc liên kết đưa xe cá nhân của các giáo viên vào trung tâm cũng là nhằm giúp họ có cơ hội đầu tư và tăng thu nhập trên chiếc xe của mình.
Tuy nhiên, bị cáo Hòa thừa nhận việc ký hợp đồng mua bán để đưa xe vào trung tâm chỉ là giả cách. Trên thực tế, trung tâm chỉ có 138 xe thuộc sở hữu của mình còn lại là 976 xe là liên kết với bên ngoài.
Chủ tọa cho rằng việc liên kết phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thực tế, bị cáo và đồng phạm chỉ hợp thức hóa hồ sơ để đối phó với các đoàn kiểm tra.
Tương tự, về điều kiện phòng học, trả lời HĐXX, bị cáo Hòa thừa nhận, theo quy định với 1.000 học viên, phải có ít nhất 3 phòng kỹ thuật lái xe và 3 phòng chăm sóc nội bộ.
Đối với lưu lượng học viên của trung tâm, để đảm bảo quy định phải có ít nhất 22 phòng học kỹ thuật và 39 phòng nội bộ. Tuy nhiên, số lượng phòng này chỉ đảm bảo vào thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra.
Về điều kiện giáo viên, Hòa thừa nhận có ký hợp đồng với 1.406 giáo viên, nhưng trên thực tế chỉ có 31 giáo viên giảng dạy.
Theo cơ quan công tố, từ 2020 đến 2023, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận phê duyệt cho Trung tâm đào tạo 63.458 học viên với tổng số tiền học phí đã thu hơn 618 tỷ đồng; cấp chứng chỉ sơ cấp nghề bậc một cho hơn 39.000 học viên với tổng số tiền hơn 377 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa (Ảnh: Xuân Duy).
Trong đó, trung tâm trực tiếp tuyển sinh 4.156 học viên, thu hơn 39 tỷ đồng. Đối với hơn 59.300 học viên còn lại, bị cáo Hòa chỉ đạo hợp thức điều kiện đào tạo lái xe với công ty do mình thành lập và các cá nhân bên ngoài sử dụng pháp nhân trung tâm để tuyển sinh, thu hơn 578 tỷ đồng.
Số tiền này được nộp về trung tâm hơn 119 tỷ đồng, còn lại 459 tỷ chi cho việc tự đào tạo và các cá nhân hưởng lợi trái phép.
Trả lời HĐXX về số tiền thu lợi nộp về trung tâm, Hòa cho biết đã chi cho tất cả hoạt động của trung tâm. Trong đó, chủ yếu bị cáo cho chi phí quản lý, cơ sở hạ tầng, thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, tổ chức sự kiện như học, kiểm tra, thi tốt nghiệp…
Xin hủy bỏ kê biên tài sản
Đối với số tiền quy buộc bị cáo Hòa hưởng lợi 119 tỷ đồng, bị cáo cho rằng con số trên không đúng vì chưa tính đến các chi phí phân phối kinh doanh.
Đối với số tiền kê biên trong tài khoản của Công ty 3T (bị cáo Hòa làm giám đốc) hơn 30 tỷ đồng; các bất động sản cùng một số tài sản có từ trước khi bị cáo tham gia hoạt động đào tạo lái xe, bị cáo Hòa xin HĐXX xem xét hủy bỏ việc kê biên để vợ bị cáo mua bán, giao dịch nhằm xoay xở cuộc sống và khắc phục hậu quả vụ án.
Các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi sai phạm được nêu trong cáo trạng. Một số bị cáo cho rằng, thời điểm thực hiện hành vi không biết hành vi của mình là sai phạm. Sau khi xảy ra vụ án và quá trình điều tra họ mới nhận thức được sai phạm.
Ngày mai, 10/4, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.