Thanh Hóa:
Chiêu bài dọa “clip đen” tống tiền của “bông hoa rừng”
Có trong tay “clip đen”, Lan đã sử dụng clip này làm “vũ khí” để đe dọa, ép buộc ông Ng. phải thực hiện theo yêu cầu của mình, nếu không sẽ tung lên mạng, phát tán. Vợ của ông Ng., cũng phải “chịu trận” với hàng loạt tin nhắn lời lẽ khiếm nhã, vô văn hóa.
Mặc dù đã ở độ tuổi gần 40, Phạm Thị Ngọc Lan, bị cáo của vụ án “chiếm đoạt tài sản” vì ghen tuông mù quáng vừa phải nhận án tù vẫn giữ được những nét đẹp mặn mà. Thế nhưng, đằng sau vẻ ưa nhìn, cao ráo, “bông hoa rừng” xứ Thanh là một “bông hoa nhiều gai nhọn”.
“Chiến dịch leo thang” của bông hoa rừng xứ Thanh
Sinh năm 1976 tại thị xã phố núi Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Phạm Thị Ngọc Lan là cô gái khá ưa nhìn. Thuở thiếu nữ Lan là “bông hoa rừng” được nhiều chàng trai ước vọng.
Thế nhưng, cuộc đời của Lan đã rẽ sang một hướng khác, khi những toan tính của Lan thành “chiến dịch leo thang” đòi hỏi vật chất, tiền bạc, công danh, địa vị… với chính người đã cưu mang, giúp đỡ mình.
Trước năm 2000, ông Nguyễn Sỹ Ng. (khi đó công tác tại Nhà máy xi măng Thanh Hóa) trong một lần đi cắt tóc đã gặp Lan tại quán. Khi đó, Lan đang là sinh viên trường CĐSP Thanh Hóa nhưng chưa tốt nghiệp. Vì điều này, Lan đã bị gia đình mắng chửi, nhắc nhở rất nhiều…
Qua một vài lần gặp gỡ, ông Ng. đã giúp đỡ Lan để cô tốt nghiệp, sau đó còn giúp đỡ Lan có công việc tại một trường cấp 2 ở Bỉm Sơn. Tuy nhiên, dạy học được vài tháng, Lan bỏ việc lên Thanh Hóa kinh doanh, buôn bán.
Công việc làm ăn không suôn sẻ, Lan lại quay về Bỉm Sơn và tìm đến ông Ng. nhờ giúp đỡ. Lan nhờ ông Ng. đã nhận hai người em của mình vào làm công nhân tại nhà máy nơi ông làm việc.
Khi đã có mối quan hệ quen thân với ông Ng., Lan đã tiếp tục nhiều lần nhờ ông Ng. nhận thêm nhiều người mà Lan nói là người nhà để vào nhà máy xi măng Thanh Hóa làm việc. Tuy nhiên, khi phát hiện việc Lan đã lợi dụng mình để “chạy việc” lấy tiền của những người này, ông Ng. đã kiên quyết từ chối.
Những “sự kiện” dắt díu trong quãng thời gian hơn chục năm trời quen biết, quan hệ với Phạm Thị Ngọc Lan đã được ông Ng. báo cáo trong các bản tường trình tại cơ quan điều tra và các ngành chức năng nơi ông Ng. công tác.
Trong đơn có đoạn viết: “Đầu tháng 10/2011, cô Phạm Thị Ngọc Lan là người quen cũ đã liên lạc xin gặp tôi để nhờ công việc. Sau nhiều lần từ chối, tôi đồng ý gặp tại nhà riêng. Hôm đó (tôi không nhớ rõ ngày chính xác) tôi đến nhà cô ta khoảng 19h30, cô ta mời tôi lên tầng 2 ngồi nói chuyện. Sau đó cả tôi và cô ta đều uống hai cốc nước cam đã được chuẩn bị sẵn. Một lúc sau, cả tôi và cô ta đều trong tình trạng bị kích dục, không kiểm soát được bản thân của mình.
Khoảng 23h tôi tỉnh dậy và hiểu rằng tôi đã bị cài bẫy (ông Ng. cho biết Lan đã quay clip lại toàn bộ sự việc xảy ra – p.v). Cô ta trở mặt và yêu cầu phải cho cô ta tiền mua nhà; đưa một số người nhà của cô ta vào thay vị trí lái xe riêng của tôi; Chánh văn phòng và Trưởng phòng tổ chức của công ty.
Tôi không đồng ý. Giữa tôi và cô ta cãi nhau to tiếng, tôi yêu cầu cô ta mở cửa nhưng cô ta không mở và dọa sáng mai gọi công an đến cho xem băng và tố cáo tôi cưỡng bức tình dục.
Đến 24h, cực chẳng đã tôi gọi điện cho bạn tôi là anh Đồng Văn An, CSHS công an Thanh Hóa đến nhờ tìm cách đưa tôi ra. Anh An đến và cô ta vẫn không chịu mở cửa, đến khi anh An nói sẽ gọi công an phường đến xử lý việc bắt giữ người trái phép, sau một hồi lâu cô ta mới chịu mở cửa. Anh An đã gọi xe taxi đưa tôi về Tam Điệp ngay trong đêm”.
Có trong tay “clip đen”, Lan đã sử dụng clip này làm “vũ khí” để đe dọa, ép buộc ông Ng. phải thực hiện theo những yêu cầu của mình, nếu không sẽ tung lên mạng, phát tán khắp nơi để ông Ng. mất hết danh dự, uy tín và sự nghiệp.
Không được đáp ứng, Lan dùng điện thoại nhắn tin khủng bố với những lời lẽ bất nhã cho lãnh đạo, người thân, bạn bè, gia đình của ông Ng., lãnh đạo chính quyền địa phương…
Khủng bố bằng “mưa” tin nhắn
Liên quan đến vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” của bị cáo Phạm Thị Ngọc Lan đã được TAND thị xã Tam Điệp xử sơ thẩm (ngày 25/9) và TAND tỉnh Ninh Bình xử phúc thẩm (ngày 05/12), ông Nguyễn Sỹ Ng. đã được cơ quan điều tra, HĐXX xác định, không phải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, chỉ là nhân chứng.
Tuy nhiên, không chỉ một mình ông Ng. là người bị Phạm Thị Ngọc Lan “khủng bố”, gia đình ông, trực tiếp là vợ của ông Ng., cũng phải “chịu trận” với hàng loạt tin nhắn lời lẽ khiếm nhã, vô văn hóa.
Bên cạnh việc, Lan còn sử dụng chiêu bài “tống tiền” các nữ nhân viên làm trong công ty ông Ng. Rằng Lan nhìn thấy nạn nhân đó đi chơi với ông Ng., có băng ghi âm, clip quay lại cảnh đó. Bằng hình thức này, Lan dọa nạt, khủng bố tinh thần của các nạn nhân, bắt phải thực hiện theo các yêu cầu của mình, trong đó có cả việc đòi hỏi phải đưa cho Lan tài chính.
Đỉnh điểm của sự việc là Phạm Thị Ngọc Lan đã “nhắm” nạn nhân Nguyễn Thị H. (SN 1988, là công nhân nhà máy xi măng Tam Điệp). Vẫn chiêu bài là nhìn thấy H. đi chơi với ông Ng., Lan đã quay clip… và đe dọa bắt H. phải đưa cho Lan số tiền 20 triệu đồng.
Lan đã ép chị H. phải thừa nhận có mối quan hệ bất chính với ông Ng. nếu không thực hiện, Lan đe dọa sẽ cho người bắt cóc, tạt a xít, đuổi việc H.… bất cứ lúc nào.
Chưa dừng lại, từ khoảng cuối tháng 9 đến nay, mặc dù bị cáo Lan đã bị tạm giam, nhiều đối tượng có quan hệ với Lan vẫn liên tục rải tờ rơi, bài viết với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm tới danh dự, uy tín và tinh thần chị H..
Việc làm này đã làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người bị hại. Chồng của H., vì sức ép tinh thần đã nhiều lần viết đơn li dị khiến chị H. sống trong hoang mang, sợ hãi.
Những việc làm vi phạm pháp luật của Phạm Thị Ngọc Lan đã được cơ quan điều tra, HĐXX TAND tỉnh Ninh Bình xét xử trong phiên phúc thẩm. “Bông hoa rừng xứ Thanh” đã phải nhận mức án 21 tháng tù giam. Bị cáo vẫn nhất mực kêu oan, và ngất lịm ngay trong lúc tòa tuyên án.