1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Chế tài đối với các đối tượng "khủng bố" đòi nợ qua điện thoại, tin nhắn

Hải Nam

(Dân trí) - Theo luật sư, khi bị các đối tượng gọi điện đe dọa, người dân cần tìm hiểu kỹ bản thân liên đới tới khoản vay nợ đó ra sao, khoản nợ đó vay khi nào, ở công ty nào, yêu cầu cung cấp hợp đồng vay...

Thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh việc bị không ít công ty tài chính khủng bố bằng cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ, dù họ không có khoản vay nào. Có trường hợp, nạn nhân còn bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội, thậm chí dọa đánh, giết…

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tình trạng này xảy ra trên khắp các địa phương. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý, cơ quan chức năng phải nhận được nhiều đơn thư tố giác, đồng thời phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chuyên môn, nhà chức trách địa phương, người dân, mới có thể triệt phá loại tội phạm này.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư cho biết, các đối tượng khủng bố người dân qua điện thoại, có dấu hiệu của hành vi lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Chế tài đối với các đối tượng khủng bố đòi nợ qua điện thoại, tin nhắn - 1

Khách hàng bị "khủng bố" tin nhắn đòi nợ dù họ không vay tiền (Ảnh chụp màn hình).

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm hành vi trên sẽ bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng. 

Trong trường hợp hành vi đủ yếu tố hình sự, các đối tượng sẽ bị truy cứu về tội Làm nhục người khác, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự, hoặc tội Vu khống, tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Đối với hành vi bêu xấu nạn nhân lên mạng xã hội, luật sư cho biết, các đối tượng này đã vi phạm quy định về công khai thông tin của cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông khi không được phép của chủ sở hữu. Hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.

Còn trường hợp nạn nhân bị đe dọa đánh, giết nếu không đưa tiền, bà Khuyên nhận định, các đối tượng đe dọa có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản, theo Điều 170 Bộ luật Hình sự.

"Đây là tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần các đối tượng đe dọa, uy hiếp để buộc nạn nhân chuyển giao tài sản, dù chưa lấy được, thì vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự", bà Khuyên nói và cho biết khung hình phạt của tội danh này lên tới 20 năm tù, nếu tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng.

Đưa ra lời khuyên, luật sư cho hay, người dân khi bị các đối tượng gọi điện đe dọa, uy hiếp cần bình tĩnh, trao đổi với các đối tượng xem bản thân liên đới tới khoản vay nợ đó ra sao, khoản nợ đó vay khi nào, ở công ty nào, yêu cầu cung cấp hợp đồng và nội dung vay tiền, ghi âm lại toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện. Nếu có dấu hiệu bị khủng bố tinh thần, người dân cần trình báo với cơ quan công an để điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.