1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cha mẹ đi tù và giọt nước mắt của đứa con bên ngoài phòng xử án

(Dân trí) - Vợ chồng bị cáo Tuyến cùng mua bán "hàng trắng", bị bắt và kết án, để lại 4 đứa con bơ vơ lạc loài, gia đình tan nát.

Dùng ma túy để xả stress

Một buổi sáng đầu năm 2021, bị cáo Dương Thị Kim Tuyến (sinh năm 1990) và Lê Minh Tuấn (sinh năm 1987, chồng Tuyến) được dẫn giải tới TAND TPHCM để xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Nội dung vụ án thể hiện, Tuyến là con thứ 2 trong một gia đình có 3 chị em. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nên học hết lớp 9 thì Tuyến nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Ở độ tuổi đôi mươi thì Tuyến phải lòng Tuấn và nhanh chóng trở thành vợ chồng. Tình yêu của đôi trẻ "đơm hoa kết trái" khi 4 người con lần lượt chào đời.

Cha mẹ đi tù và giọt nước mắt của đứa con bên ngoài phòng xử án - 1
Vợ chồng bị cáo Tuyến tại tòa.

Cuộc sống gia đình 6 người phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền lương của Tuấn từ việc sửa xe, vì vậy cuộc sống gia đình cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuyến và Tuấn lần lượt tìm tới ma túy để "giải sầu" và từ đó, trượt một bước dài vào con đường lầm lỡ.

Trưa 8/7/2020, vợ chồng Tuấn, Tuyến đang chở con nhỏ nhất (sinh năm 2019) tại khu cư xá Phú Lâm, Quận 6 thì bị công an bắt quả tang chứa ma túy trong các bịch nylon. 

Quá trình điều tra, Tuyến khai cùng chồng là Tuấn đi giao ma túy. Sáng đó, vợ chồng đến khách sạn ở phường 13, Quận 6. Tại đây, Tuyến thuê phòng để con ngủ rồi kêu khách gặp chồng để giao dịch. Tuy nhiên, khách chê "hàng" không ngon nên giao dịch bất thành. Hai vợ chồng đi về thì bị bắt. Quá trình điều tra, Tuấn khai nhận mua bán ba lần.

Cơ quan tố tụng xác định Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự với số ma túy hơn 759 gram nhiều loại. Còn vợ chịu trách nhiệm hơn 450 gram loại Methamphetamin khi bị bắt quả tang.

Đứng trước bục khai báo, Tuyến liên tục khóc từ khi vị chủ tọa phiên tòa mở lời thẩm vấn đầu tiên. Nhiều lần hội đồng xét xử phải nhắc nhở bị cáo giữ bình tĩnh.

Tại tòa, quá trình xét hỏi, bị cáo Tuyến cho rằng sử dụng ma túy từ tháng 4/2020, nhưng không biết chồng mua bán ma túy. Đây là lần đầu bị cáo cùng chồng mua bán ma túy. Số ma túy thu tại phòng ngủ giấu tại nhiều nơi bị cáo không biết và là của chồng. Ngoài ra, bị cáo này cho rằng dùng ma túy là do stress nuôi 4 con. Tuyến xin HĐXX giảm nhẹ án cho chồng để sớm về nuôi 4 con nhỏ. Bị cáo không xin cho mình.

Tiếng khóc ai oán

Các con nhỏ của 2 bị cáo được người thân dẫn tới tòa nhưng theo quy định trẻ em không được vào phòng xử, trừ trường hợp được tòa triệu tập. Bị bảo vệ không cho vào nên con trai lớn của 2 bị cáo đã đi ra phía sau tòa và nhờ người thân bế qua hàng rào để được gặp cha mẹ.

Trong bộ đồ thể thao màu đỏ, cậu bé bước đi rón rén và tiến tới phòng xử. Thấu hiểu được nỗi niềm của đứa bé nên nữ cảnh sát đã cho con bị cáo được đứng phía ngoài phòng xử nhìn cha mẹ. Dù chỉ được đứng ngoài phòng xử nhìn vào nhưng cậu bé tỏ ra rất tập trung, mắt không rời khỏi hướng nhìn về nơi cha mẹ đang đứng. Khi nghe Viện Kiểm sát đề nghị xử cha mình mức án tử hình và mẹ là 20 năm tù thì đứa trẻ không thể kìm nén được cảm xúc và khóc nức nở.

Trong giờ nghị án, Tuyến quay đầu nói chuyện với con được vài câu rồi 2 mẹ con lại không thể cầm được nước mắt. Chỉ vì phút nông nổi, bồng bột mà Tuyến đã chọn sai đường để rồi giờ đây bản thân mình cùng chồng phải đối diện với ngục tù và để lại những đứa trẻ bơ vơ.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Tuấn và Tuyến là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, 2 bị cáo là vợ chồng, đang nuôi 4 con nhỏ nên HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Tuấn mức án tù chung thân và bị cáo Tuyến 20 năm tù.

Thoát được "lưỡi hái tử thần" Tuấn cúi đầu nhìn con và người thân rồi lẳng lặng đi theo cảnh sát dẫn giải ra xe tù. Khi Tuấn và Tuyến được dẫn lên xe tù thì người thân của 2 bị cáo bế các con nhỏ lại nhìn cha mẹ mình và khóc thét lên những tiếng khóc ai oán.

Theo một chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ lớn lên không có đủ sự chăm sóc của cha mẹ hoặc thiếu 1 trong 2 thì dễ bị mất cân bằng các chức năng, sức đề kháng tâm lý rất yếu. Chính cảm giác hụt hẫng, chơi vơi trong cuộc sống khiến các em luôn thấy bất an, tinh thần hoảng loạn, dễ bị cảm xúc không phù hợp chi phối hành động của bản thân, dẫn đến sai lầm. Với những trẻ em này thì tình yêu thương, nâng đỡ, cảm thông trong khuôn phép của gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc giúp các em vượt qua thử thách để quay về.