Cảnh sát hình sự kể chuyện “giải mã” những kỳ án giết người đốt xác
Có thể nói giết người rồi đốt xác nhằm phi tang chứng cứ là hành vi hết sức dã man của những sát thủ máu lạnh, quỷ quyệt. Thủ đoạn đó gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng điều tra. Chúng tôi đã được nghe những điều tra viên kỳ cựu của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội bật mí hành trình khám phá những vụ giết người đốt xác thuộc dạng “kinh điển”...
1. Đầu tháng 7-2017 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có kết luận điều tra về vụ giết người đốt xác nghiêm trọng tại Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội) xảy ra từ cuối năm 2016. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, đây là một trong những vụ án mà cơ quan điều tra phải dành nhiều tâm sức nhằm tìm bằng được thủ phạm, góp phần giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Đối tượng Tạ Văn Chiến (37 tuổi, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) cũng là một trong những kẻ “đầu trộm, đuôi sát nhân” thuộc dạng lỳ lợm, lắm mưu nhiều kế.
Đêm 10-11-2016, người dân ở xã Tiên Dược phát hiện ngôi nhà của bà Ngô Thị Lâm (SN 1957) bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa nhanh chóng bùng lên bao trọn ngôi nhà. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và Công an huyện Sóc Sơn đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường cùng người dân dập tắt đám cháy.
Khi ngọn lửa được khống chế, nhiều người bàng hoàng phát hiện phía dưới đống đổ nát hoang tàn có một thi thể phụ nữ. Nạn nhân được xác định là bà Ngô Thị Lâm. Tiến hành khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, cơ quan điều tra có những bằng chứng khẳng định bị hại đã chết trước khi bị phóng hỏa.
Quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn, khi mà những chứng cứ còn sót lại chưa “bật” lên được gì nhiều về nghi can gây án cũng như mục đích gây án. Rà soát nhân chứng, Cơ quan công an xác định, trong cuộc sống, bà Lâm gần như không có mâu thuẫn với bất kỳ ai. Nhiều tháng trời, hàng trăm chiến sỹ thuộc Công an huyện Sóc Sơn cùng phòng PC45, PC54 Công an TP Hà Nội đã tổ chức hàng loạt biện pháp nghiệp vụ nhằm tìm ra manh mối.
Gần 4 tháng sau, một manh mối lộ sáng sau khi các trinh sát tiến hành sàng lọc hàng chục đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc có dấu hiệu trộm cướp tài sản. Đối tượng Tạ Văn Chiến lọt vào diện nghi vấn khi trinh sát phát hiện hắn có liên quan đến một số vụ trộm tài sản ở địa phương.
Với những tài liệu chứng cứ thu thập được, các điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự kiên trì “đấu trí” với Tạ Văn Chiến. Phải cho đến ngày 31-3-2017 (hơn 140 ngày sau khi vụ án xảy ra) Chiến mới cúi đầu thú nhận tội ác.
Theo đó, do nợ nần tiền bạc nên Chiến nghĩ kế trộm cắp. Tối 10-11-2016, Chiến mượn xe máy của anh trai rồi đi “tăm tia”. Khi qua nhà bà Ngô Thị Lâm, cách nhà Chiến khoảng 300 mét, thấy cửa khóa, Chiến lên kế hoạch đột nhập trộm tài sản. Gã lẻn vào nhà rồi chui vào gầm giường... ngủ để chờ thời cơ trộm cắp tài sản. Sau khi tắm xong, bà Lâm đi ngủ, phát hiện thấy Chiến đang chui dưới gầm giường liền kêu lên.
Chiến chui ra ngoài tìm cách bỏ chạy. Bị nạn nhân đuổi theo, gã quay lại dùng hung khí đánh liên tiếp vào đầu khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Khi thấy bà Lâm đã chết, Chiến nảy sinh ý định đốt xác phi tang để che giấu hành vi phạm tội. Hắn lấy chiếu cói, quần áo chất lên xác nạn nhân rồi châm lửa. Tới đây Chiến sẽ phải ra tòa để đối mặt với 3 tội danh: giết người, trộm cắp tài sản và hủy hoại tài sản.
2. Dù 6 năm đã trôi qua, song nhiều người dân ở phố Tô Vĩnh Diện (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa quên vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 96 khiến 1 cụ bà tử vong. Theo các nhân chứng, khoảng hơn 2 giờ sáng ngày 27-10-2011, ngọn lửa bất ngờ bùng phát trong căn nhà trên. Vì cửa xếp bị khóa chặt nên người dân cùng lực lượng chức năng phải mất nhiều phút mới có thể tiếp cận được phía trong ngôi nhà để chữa cháy.
Khi đám cháy được dập tắt, mọi người phát hiện 1 thân hình nằm còng queo, đã tử vong tại tầng 1 ngôi nhà. Nhiều phần cơ thể bị cháy đen. Nạn nhân được làm rõ là bà Bùi Thị Vân (SN 1950, trú tại Giao An, Giao Thủy, Nam Định).
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng điều tra hình sự Công an TP Hà Nội đã có mặt. Tổ chức khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, Cơ quan công an nhận định nhiều khả năng đây là một vụ án mạng, chứ không phải là vụ cháy do chập điện hay một nguyên nhân thông thường nào khác. Kẻ thủ ác sau khi ra tay với nạn nhân đã phóng hỏa nhằm phi tang chứng cứ.
Theo Thượng tá Ngô Văn Đáp - một điều tra viên giàu kinh nghiệm của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội - việc điều tra những vụ giết người đốt xác thường gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là do hiện trường vụ án đã bị xáo trộn, nhiều vật chứng quan trọng đã bị thiêu hủy. Bên cạnh đó, việc tìm nhân chứng trong những vụ án này cũng rất khó khăn.
Việc xác định được nguyên nhân dẫn đến hành vi dã man của đối tượng cũng không hề dễ. Đặc biệt, đôi khi chỉ riêng việc xác định được nguồn nhiệt phát ra từ đâu cũng là điều không dễ thống nhất giữa các cơ quan tham gia điều tra.
Trong vụ án ở phố Tô Vĩnh Diện, qua công tác khám nghiệm hiện trường cho thấy điểm phát cháy đầu tiên ở vị trí nạn nhân nằm trên giường và khởi điểm của vụ cháy là chiếc màn quấn quanh người bà Vân. Phía trong góc đối diện với ngôi nhà vẫn để một chiếc xe máy và không hề bị cháy. Lực lượng chức năng loại trừ khả năng cháy do chập điện mà cho rằng có dấu hiệu từ sự tác động của con người.
Khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra phát hiện vùng trán trước, bên trái có vết rạn vỡ hình sao nằm ngang. Sơ bộ xác định nguyên nhân chết của bà Vân do chấn thương sọ não và chết trước khi vụ cháy xảy ra. Từ những kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi, cơ quan điều tra nhận định đây là vụ trọng án giết người rồi đốt xác phi tang, chứ không phải vụ cháy đơn thuần.
Lực lượng điều tra trọng án đã tổ chức rà soát nhân chứng, rà soát rất nhiều mối quan hệ của nạn nhân. Tuy nhiên, bà Vân sống khá chan hòa với mọi người, gần như không có mâu thuẫn với ai. Vậy thì điều gì khiến cho kẻ thủ ác đã ra tay với nạn nhân rất dã man, rồi còn đốt xác. Đây chính là câu hỏi khiến cho các điều tra viên phải đau đầu.
Tổ chức rà soát kỹ, Cơ quan công an phát hiện một manh mối, đó là đối tượng trước khi phóng hỏa đốt đã từng lục soát lấy đi tiền, một số vật dụng cá nhân của nạn nhân. Như vậy rất có thể kẻ thủ ác là người đang thiếu tiền, hoặc nợ nần. Song hắn lại không lấy đi chiếc xe máy!
Bên cạnh đó, cơ quan Công an còn thu nhập được lời khai của nhân chứng, rằng tối hôm vụ việc xảy ra, quán điện tử xèng của bà Vân có một nam thanh niên cao khoảng 1m80, dáng người gầy, mặt xương, đeo kính cận đến chơi rất lâu. Nam thanh niên này là khách quen, tuy nhiên cũng thuộc dạng vô công rồi nghề...
Khẩn trương tìm tung tích nam thanh niên này, cơ quan điều tra có được thông tin anh ta hiện đang không có mặt tại nơi cư trú. Thời gian gần đây Nguyễn Anh Vũ (33 tuổi, nhà ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có biểu hiện về việc thiếu nợ. Gia đình cũng không biết anh ta đi đâu nhiều ngày không thấy về. Được biết Vũ có người anh em đang làm tại một công trình xây dựng ở huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), một tổ công tác PC45 nhanh chóng lên đường.
Tại xã Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc), các chiến sỹ Công an Hà Nội đã phát hiện Vũ vừa vào đây, đang ở nhờ nhà người anh họ. Khi đối diện với các chiến sỹ công an, mặt Vũ tái mét và thú nhận đã giết chết bà Vân rồi đốt xác phi tang. Theo đó tối ngày 26-10 đến quán bà Vân chơi điện tử xèng.
Do thiếu tiền nên Vũ xin bà Vân cho nợ tiền. Bà Vân không đồng ý, dẫn đến hai bên cãi nhau. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, Vũ đã dùng sức trai trẻ để sát hại bà chủ quán. Nguyễn Anh Vũ sau đó đã phải lĩnh hình phạt nghiêm khắc từ TAND TP Hà Nội là tử hình.
3. Một vụ án mà đã gần như trở thành “kinh điển” mỗi khi nhắc tới những ví dụ về việc phá án giết người đốt xác. Đó là vụ đối tượng Trần Chí Công sát hại bà Nguyễn Thị Minh Ngân (một hộ lý Bệnh viện Phụ sản Hà Nội). Ban đầu, nhiều người cho rằng đây chỉ là một vụ hỏa hoạn thông thường. Tuy nhiên, sau 1 tháng kiên trì điều tra, lực lượng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã khui ra ánh sáng bản chất của vụ việc.
Thượng tá Ngô Minh An, nguyên Phó đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự nhớ lại. Rạng sáng ngày 8-2-2007, tại số nhà 16 ngách 68 ngõ chùa Liên Phái (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn. Trong đám tro tàn, người ta phát hiện một thi thể phụ nữ bị cháy đến mức trơ xương, rụng cả chân tay. Nạn nhân nhanh chóng được xác định là bà Nguyễn Thị Minh Ngân.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, một ban chuyên án đã được thành lập bao gồm lực lượng điều tra hình sự của Phòng PC45, PC54 và Công an quận Hai Bà Trưng. Tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi, Cơ quan công an phát hiện trong phổi nạn nhân không hề có khói. Như vậy nhiều khả năng đây không phải là một vụ hỏa hoạn thông thường mà là một vụ giết người.
Cũng như nhiều vụ án liên quan đến cháy nổ, bên cạnh việc thu thập thật kỹ lưỡng tất cả những “tàn dư” của đám cháy để điều tra, thì việc xác định nguồn nhiệt là từ đâu cũng rất quan trọng. Nó sẽ liên quan chặt chẽ đến việc dựng lên được hành trình gây án của đối tượng. Trong vụ án này, có hai luồng ý kiến. Một là do việc đối tượng đốt những thứ dễ cháy như chăn, thảm... Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng thủ phạm đã dùng một lượng xăng thì đám cháy mới dữ dội đến thế. Câu trả lời chỉ có khi các trinh sát khám nghiệm kỹ hiện trường, không phát hiện được một dấu tích nào của xăng để lại.
Cũng qua những vật chứng mà cơ quan điều tra tìm thấy, ban chuyên án xác định kẻ thủ ác phải là người quen biết, thậm chí khá thân thiết với nạn nhân. Đồng thời, nạn nhân chỉ mất 2 chiếc điện thoại di động và một ít tiền; còn đồ trang sức, nhẫn vàng lại không mất - chứng tỏ không thể là vụ trộm.
Một “tín hiệu” cũng rất đáng lưu tâm trong vụ án này là dù cơ thể nhiều chỗ cháy thành than, thì ở vùng thắt lưng của nạn nhân vẫn còn sót lại một ít vải của quần bò và quần lót. Như vậy có nghĩa là thời điểm gây án chỉ có 2 khả năng: một là lúc nạn nhân vừa đi đâu về, hai là chuẩn bị đi đâu đó.
Mặc dù có trong tay khá nhiều các “dữ kiện”, song để bắt sự thật phải lên tiếng là một điều vô cùng khó đối với lực lượng điều tra. Bởi chỉ riêng việc rà soát những mối quan hệ của nữ hộ lý cũng khiến cho các trinh sát bở hơi tai. Vụ án vì thế mà kéo dài đến hơn 20 ngày vẫn chưa có những manh mối rõ ràng.
Phải đến ngày 7-3-2007, lực lượng điều tra mới tìm thấy một “điểm sáng”. Đó mà mối quan hệ tưởng như mờ nhạt giữa nạn nhân và một bác sĩ làm việc tại khách sạn Điện lực. Vị bác sĩ tên là Trần Chí Công (trú tại số 9 ngõ 15 Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Công được cho là sống khá phóng túng, và thời gian đó đã sa vào cảnh nợ nần chồng chất.
Thời điểm trước vụ án, Công thường xuyên có mặt tại nhà bà Ngân. Công cũng không lý giải được thời điểm xảy ra vụ án đang làm gì. Tuy nhiên, khi được đưa về cơ quan điều tra, Công một mực không nhận mình là kẻ thủ ác.
Là điều tra viên thụ lý chính vụ án, Thượng tá Ngô Minh An đã dùng nhiều biện pháp để “đấu trí” với Công, cả trên phương diện pháp luật và tình cảm. Từ những chứng cứ để lại tại hiện trường, thượng tá An khiến Công không thể chối cãi được hắn chính là người đến nhà nữ hộ lý khi bà vừa từ ca trực về. Và Công cũng là người cuối cùng rời khỏi nhà bà Ngân. Bằng những biện pháp tác động đến tâm lý, cuối cùng Công cũng đã phải cúi đầu nhận tội.
Kẻ thủ ác khai rằng do nợ nần bức bách, tối ngày 7-2-2007, Công mua một chiếc búa đinh giấu trong người rồi đến nhà chị Ngân với ý định đen tối. Qua câu chuyện, Công biết được chị Ngân có nhiều tài sản nên đã dùng hung khí sát hại chị. Để tránh bị phát hiện và xóa luôn dấu vết hiện trường, Công đã vơ toàn bộ quần áo trong nhà vứt lên người nạn nhân và châm lửa đốt trước khi bỏ đi... Hình phạt dành cho bác sỹ này là án tử hình cho 3 tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản.
Theo Yên Chi
An ninh thế giới