1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thừa Thiên Huế:

Cảnh báo lừa bán đất "ảo" từ giấy tờ giả

Đại Dương

(Dân trí) - Ngày 10/3, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế cho biết thời gian qua, một số đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tình hình tăng giá đất để "giăng bẫy" người dân.

Thực tế, giá đất tại Thừa Thiên Huế đang tăng mạnh với những thông tin có nhiều dự án lớn sẽ được triển khai ở địa phương. Sau khi có thông tin về mảnh đất, các đối tượng đã tìm cách sao chụp để làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), sau đó đăng tải thông tin bán đất lên các trang mạng xã hội.

"Khi người mua đất liên hệ, các đối tượng cung cấp thông tin, địa chỉ rồi chọn nơi gặp mặt, dẫn người mua đất đi xem đất để tạo sự tin tưởng. Sau khi người mua đất chồng tiền đặt cọc lô đất thì chúng chiếm đoạt rồi bỏ trốn" - Trung tá Lê Ngọc Minh cho hay.

Có thể kể đến vụ đối tượng Nguyễn Thị Phương Ánh (sinh năm 1982, trú tại khu vực 1, phường An Đông, TP Huế) vừa bị bắt về hành vi làm giả các giấy tờ, hợp đồng bán đất để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của Ánh là tự giới thiệu có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp, có thể làm thủ tục, giấy tờ tách thửa đất. Ánh đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 3,5 tỷ đồng của ông Trương V.N. (SN 1975, trú tại phường Xuân Phú, TP Huế) và nhiều tỷ đồng của 5 người khác.

Cảnh báo lừa bán đất ảo từ giấy tờ giả - 1
Đối tượng Nguyễn Thị Phương Ánh bị bắt vì hành vi làm giả các giấy tờ, hợp đồng bán đất để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Công an cung cấp).

Trưng cầu giám định, cơ quan công an xác định, tất cả giấy tờ Ánh sử dụng để giao dịch, mua bán đất đều được làm giả.

Đối tượng Phan Thị Mỹ Hạnh (SN 1989, trú tại tổ dân phố Diên Trường, phường Thuận An, TP Huế) lừa đảo nhiều người với "chiêu bài" bán đất bằng giấy CNQSDĐ giả để chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Từ giữa năm 2021, Hạnh bị Công an tỉnh Thái Bình truy nã về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hạnh đã trốn vào Huế. Tại đây, Hạnh nhờ đặt làm một thẻ căn cước công dân giả mang tên Nguyễn Thị Thảo (SN 1987, nơi thường trú xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) và đặt làm một giấy CNQSDĐ giả mang tên Hà Văn Thửa và Nguyễn Thị Thảo.

Thông qua môi giới bất động sản, Hạnh gặp anh Trần Xuân T. (SN 1987, trú tại TP Huế) tại số 3 Nguyễn Văn Huyên để giao dịch, bán đất giả cho anh T.

Hạnh đã ra giá bán lô đất giả cho anh T. với giá hơn 1,9 tỷ đồng. Anh T. đồng ý mua và đặt cọc 100 triệu đồng. Sau khi nhận số tiền đặt cọc, Hạnh chiếm đoạt và bỏ trốn.

Hai đối tượng Nguyễn Thành Đạt (SN 1988, trú ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) và Võ Thanh Hà (SN 1985, trú tại đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, TP Huế) đã làm giả các loại giấy tờ liên quan để lừa bán đất ở vùng quy hoạch Thủy Vân, TP Huế.

Tự xưng mình là Phó trưởng phòng Ban dự án thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế. Đạt đã lừa nhiều người có nhu cầu mua đất. Để tạo lòng tin, Đạt và Hà còn làm giả quyết định bàn giao quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để giao cho người mua đất.

Đạt cùng đối tượng Hà dẫn những người này đến các khu quy hoạch được phân lô rồi yêu cầu người mua đất đóng tiền cọc 50 triệu đồng/lô để chiếm đoạt.

Khi đối tượng Đạt nhận tiền cọc 60 triệu đồng của người mua đất tại quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, TP Huế thì bị lực lượng Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt quả tang. Công an làm rõ, Đạt và Hà đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 20 người, với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng.

Cơ quan công an khuyến cáo, phần lớn các đối tượng lừa bán đất nhắm vào những người nhẹ dạ, cả tin, chủ quan, mất cảnh giác. Những lô đất mà các đối tượng lừa đảo người mua thường có vị trí đẹp, có đầy đủ hệ thống đường, điện, không bị quy hoạch, đã được phân lô, tách thửa… và rao bán với giá vừa phải, thậm chí giá thấp hẳn so với mặt bằng khiến người mua hám lợi và dễ dàng sập bẫy.

Do vậy, cơ quan công an khuyến cáo, dù đất đã nằm trong vùng quy hoạch, phân lô bán nền, đã có giấy CNQSDĐ thì người mua trước khi đặt cọc, chồng tiền mua đất cần đến cơ quan có thẩm quyền để thẩm định thông tin pháp lý của mảnh đất. 

Nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo sớm đến cơ quan công an để kịp thời được xử lý, tuyệt đối không được chủ quan, bỏ qua các khâu kiểm tra, thẩm định giấy tờ nhà đất để tránh bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.