Cám cảnh với người đi kiện vụ gửi tiết kiệm SCB thành bảo hiểm Manulife
(Dân trí) - Không dám ăn ngon, chẳng dám mặc đẹp, sống chắt chiu từng đồng để gửi tiết kiệm lo tuổi già… thế rồi nhiều người "ngã ngửa" khi gửi tiết kiệm SCB bỗng dưng biến thành bảo hiểm nhân thọ Manulife.
"Lặn lội" đi nộp đơn tố cáo
Nhiều ngày qua, chị P.T.L.N. (39 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) đi lại khắp các cơ quan để nộp đơn tố cáo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị N. cho biết, tháng 6/2021, chị và mẹ đến SCB để làm thủ tục gửi tiết kiệm 200 triệu đồng.
Đây là tài sản chắt chiu cả cuộc đời của mẹ chị và nhờ con gái đứng tên. Khi đến làm thủ tục, nhân viên ngân hàng tư vấn tham gia gói tiết kiệm "Tâm an đầu tư" do SCB kết hợp cùng Manulife, có tặng kèm bảo hiểm sức khỏe. Lãi suất là 12%, lĩnh vào cuối kỳ và thời gian tham gia là 5 năm.
"Khi ấy, tôi trả lời thẳng không tham gia bảo hiểm nhân thọ vì nhà tôi đã có. Bảo hiểm sức khỏe cũng không cần vì công ty có mua cho nhân viên, nhưng nhân viên ngân hàng nói đây là quyền lợi kèm theo. Tin lời đó, tôi ký vào 1 tờ giấy nhưng không phải hợp đồng bảo hiểm", chị N. kể lại.
Một năm sau, chị N. nhận được điện thoại gọi lên đóng phí năm thứ 2 mới "té ngửa" hợp đồng mình ký là bảo hiểm nhân thọ với phí 100 triệu đồng/năm.
Lúc này, chị đến ngân hàng nhưng nhân viên tư vấn đó đã nghỉ việc, ngân hàng chỉ sang Manulife. Đi lại nhiều lần, chị N. vẫn không giải quyết được vấn đề. Vì sợ mất 200 triệu đồng đã đóng ở năm trước, chị tiếp tục vay 100 triệu đồng để nộp vào cho Manulife.
"Tôi không hề được tư vấn gì phí bảo hiểm vì tôi đi gửi tiết kiệm. Đơn yêu cầu bảo hiểm cũng do ai đó điền thông tin sai hết, khai khống thu nhập, sai nghề nghiệp. Thông tin sức khỏe sai. Tôi không hiểu sao các trang đều có chữ ký dù tôi chưa thấy nó bao giờ", chị Lan N. bức xúc.
Vị khách hàng này còn ngỡ ngàng khi tư vấn chỉ nói nộp tiền trong 5 năm nhưng sau đó mới biết hợp đồng kéo dài tới 85 tuổi, tức từ thời điểm mua là 36 tuổi thì chị N. phải đóng thêm 49 năm nữa.
"Tôi không thể kham nổi quãng thời gian đó mà cũng chưa chắc đến lúc 85 tuổi tôi còn sống nữa hay không", chị Lan N. buồn rầu.
Tương tự, chị Q.T.M. - con gái của bà Hồ Ngũ Muội (quận Tân Bình, TPHCM) - cho biết, vì không được tư vấn rõ ràng nên mẹ chị đã đóng hơn 320 triệu đồng với bản hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ.
"Mẹ tôi năm nay đã 72 tuổi, số tiền đã đóng kia là tích cóp cả cuộc đời. Mẹ sống chắt chiu từng đồng, không dám mua đồ mới, xài đồ cũ. Số tiền đó để chữa bệnh tim cho mẹ, điều trị ung thư cho ba. Nếu được tư vấn rõ ràng, gia đình tôi không bao giờ mua bảo hiểm nhân thọ với mức phí cao như vậy. Chúng tôi thật sự rất sốc, hoang mang, bất an", con gái bà Muội kể.
Sau nhiều lần đi lại và bị trả đơn yêu cầu ra tòa kiện dân sự, ngày 18/4, chị M. cùng 33 người khác đã được Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM tiếp nhận đơn tố cáo SCB liên kết với Công ty TNHH Manulife có hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Đơn tố cáo nêu hành vi này được thực hiện thông qua việc tư vấn gói đầu tư "Tâm an đầu tư" chuyển tiền gửi tiết kiệm của khách hàng từ SCB đầu tư gửi tiết kiệm tại Manulife với cam kết "sinh lợi nhuận cao". Sau đó, khách hàng phát hiện đây thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm. Khi khách hàng có nhu cầu rút tiền thì không thực hiện được.
Nỗi lòng của những người mua gói "Tâm an đầu tư"
Đắng cay nói về hoàn cảnh của mình, T.K. (quận 10, TPHCM) cho biết, bản thân chị, mẹ và bác đều đang là nạn nhân của gói "Tâm an đầu tư".
Tháng 10/2020, chị cùng mẹ đến SCB để làm thủ tục gửi tiết kiệm.
Tại đây, chị được nhân viên Manulife tên H.V.T. tư vấn tham gia sản phẩm đầu tư sinh lời với mức lãi suất 15%/năm và có thể đóng thêm tiền vào hoặc giảm số tiền đóng tương tự như gửi tiết kiệm linh hoạt.
Cụ thể, chỉ cần tham gia khoảng 60 triệu/năm, sau 5 năm đóng khoảng 300 triệu đồng thì rút được 400-500 triệu đồng.
Theo lời chị K., nhân viên T. nói đây là sản phẩm liên kết giữa Manulife với SCB nên sẽ có 2 bên chịu trách nhiệm, rất an toàn. Sự hiện diện của nhân viên Manulife tại trụ sở của SCB và sự chứng kiến của nhân viên SCB nên hai mẹ con chị K. khá tin tưởng.
Dưới sự thúc giục đóng ngay có khuyến mãi, chị K. và mẹ đã đóng hơn 120 triệu đồng.
Sau khi nhận hợp đồng, chị K. thấy nhiều thông tin trên hợp đồng do nhân viên công ty tự ý kê khai sai sự thật nhưng đều được nhân viên tư vấn lấp liếm sang việc khác.
Đáng chú ý, trang thông tin hợp đồng có dòng "Thời hạn đóng phí dự kiến: 5 năm" nhưng thực tế thời hạn hợp đồng là khoảng thời gian tính từ ngày có hiệu lực hợp đồng đến ngày kỷ niệm hợp đồng, khi người bảo hiểm đạt tới tuổi 85.
"Chúng tôi đã ký một hợp đồng bảo hiểm có thời hạn mấy chục năm và đáo hạn khi chúng tôi 85 tuổi chứ không phải như lời tư vấn 5 năm", chị K. bức xúc.
Bà B.N. (59 tuổi) - là bác của Kim - chia sẻ, tháng 8/2020 đến đáo hạn sổ tiết kiệm, bà cũng được hướng sang đóng gói "Tâm an đầu tư".
"Do không có trình độ hiểu biết và nghe nhân viên ngân hàng nói đây là sản phẩm giống như gửi tiết kiệm nên tôi đã tin tưởng không đọc hợp đồng và ký tên. Nay tôi đã lớn tuổi và không có khả năng đóng tiền tiếp vì số tiền đó quá lớn", bà N. viết trong đơn gửi cơ quan chức năng.
Từ nhu cầu gửi tiết kiệm để sinh lời, giờ đây, nhiều khách hàng của SCB đang đứng, ngồi trên "đống lửa". Họ lo ngại sẽ... mất trắng số tiền tích góp cả đời.
Chiều 18/4, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tiếp nhận 34 bộ hồ sơ, gồm: đơn tố cáo, hồ sơ liên quan đến việc ký kết hợp đồng bảo hiểm Manulife Việt Nam, tài liệu về việc chuyển tiền (bản photo).
"Đơn và tài liệu trên chúng tôi sẽ báo cáo và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật", phía công an cho biết.
Được biết, nhiều khách hàng khác cũng đang chuẩn bị hồ sơ để nộp sang cơ quan công an trong thời gian tới.
Hôm 17/4, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi các thông tin nêu trong tài liệu giới thiệu sản phẩm dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn.
Đề cập đến vụ việc, một lãnh đạo cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nói: "Đã có quy định về nhận, xử lý đơn tố cáo rõ ràng. Bất cứ đơn vị nào nhận được sẽ phân loại theo nội dung xem thuộc trách nhiệm đơn vị nào mới có phiếu chuyển đơn. Chẳng hạn, nếu liên quan đến lừa đảo, phạm tội sẽ là cơ quan công an xử lý; liên quan đến doanh nghiệp sẽ chuyển tới doanh nghiệp; liên quan đến ngân hàng sẽ chuyển đến phía ngân hàng".