1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Buộc thân chủ trả cho luật gia 113 tỷ đồng hứa thưởng

Xuân Duy

(Dân trí) - Luật gia Đặng Đình Thịnh yêu cầu thân chủ phải trả 113 tỷ đồng theo hợp đồng hứa thưởng đòi nhà hơn 15 năm trước và được tòa chấp nhận.

Ngày 13/1, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm lần 2 vụ tranh chấp hợp đồng hứa thưởng giữa luật gia Đặng Đình Thịnh và bị đơn là bà Vương Thị Khanh cùng con trai Nguyễn Đắc Quang.

Theo đó, HĐXX phúc thẩm lần 2 tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Đình Thịnh.

Cấp sơ thẩm tuyên ông Thịnh được 68 tỷ đồng tương đương với 35% giá trị căn nhà mà bà Khanh, ông Quang được định đoạt. Không chấp nhận phán quyết trên, ông Thịnh kháng cáo đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên ông được hưởng 35% giá trị căn nhà.

Buộc thân chủ trả cho luật gia 113 tỷ đồng hứa thưởng - 1

Ông Đặng Đình Thịnh được trả số tiền 113 tỷ đồng (Ảnh: X.D.).

HĐXX nhận định, hợp đồng hứa thưởng giữa nguyên đơn và bị đơn được xác lập tại Mỹ và được hợp thức hóa lãnh sự. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, ông Quang, bà Khanh hoàn toàn minh mẫn, không bị ép buộc nên có đủ căn cứ xác định quan hệ giao dịch này là hợp pháp.

Tòa xác định ông Thịnh là người đại diện duy nhất cho bà Khanh, ông Quang đòi lại căn nhà. Ông Thịnh đã hoàn thành công việc đòi lại căn nhà nên mẹ con bà Khanh phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hứa thưởng.

Về việc ông Thịnh đòi 35% giá trị căn nhà, HĐXX cho rằng tại thời điểm xác lập hợp đồng hứa thưởng thì ông Kha (cha bà Khanh) đã qua đời và không để lại thừa kế. Do đó, bà Khanh không có quyền định đoạt toàn bộ giá trị căn nhà mà chỉ có quyền đối với 50% (10/20) giá trị căn nhà. Khi ông Kha qua đời, bà Khanh cùng 9 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên mỗi người được chia 1/20 giá trị căn nhà. Từ đó, bà Khanh được hưởng 11/20 và ông Quang được hưởng 1/20 giá trị căn nhà (tương đương 60% giá trị căn nhà).

Tòa xác định, bà Khanh và ông Quang có quyền định đoạt với 60% giá trị căn nhà, trong khi hợp đồng hứa thưởng là 35% giá trị căn nhà nên không ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của các hợp đồng thừa kế khác. Từ đó, HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo của ông Thịnh.

Theo kết luận giám định, căn nhà 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai có giá trị 324 tỷ đồng. Ông Thịnh được hưởng 35% giá trị căn nhà tương đương với 113 tỷ đồng.

Ngoài ra, các quan hệ tranh chấp khác phát sinh trong quá trình xét xử cũng được tòa giải quyết.

Theo nội dung vụ án, căn nhà 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai do vợ chồng ông Nguyễn Đắc Kha và Vương Thị Khanh đứng tên làm chủ. Sau đó, gia đình ra nước ngoài định cư nên căn nhà được Nhà nước quản lý theo diện vắng chủ.

Năm 2004, sau khi ông Kha qua đời, bà Khanh cùng con trai trở lại Việt Nam làm thủ tục xin được nhận lại căn nhà. Ông Quang và bà Khanh thuê luật gia Đặng Đình Thịnh (Hội Luật gia Việt Nam) giúp đỡ về pháp lý. Hai bên làm hợp đồng cam kết và phía bà Khanh hứa thưởng cho ông Thịnh 35% giá trị căn nhà nếu đòi lại được.

Sau thời gian xem xét, giữa năm 2011, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM đã ra quyết định trả lại nhà cho bà Khanh. Sau khi lấy lại được nhà, bà Khanh cùng con trai đã thực hiện nhiều giao dịch mua bán, cho thuê với căn nhà nhưng không thực hiện "hợp đồng hứa thưởng" với ông Thịnh.

Qua nhiều lần thương thảo không có kết quả, ông Thịnh đã làm đơn kiện lên TAND TPHCM yêu cầu mẹ con bà Khanh trả tiền hứa thưởng.

Tháng 2/2015, TAND TPHCM xử sơ thẩm lần đầu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thịnh, tuyên buộc bà Khanh và con trai phải trả 35% tổng giá trị căn nhà, đất theo hợp đồng hứa thưởng. Giá trị tài sản được định giá là 156 tỷ đồng, do đó tòa tuyên bà Khanh phải trả cho ông Thịnh gần 55 tỷ đồng.

Bà Khanh kháng cáo, yêu cầu tòa xem xét lại quyền và lợi ích của mình. VKSND TPHCM kháng nghị cho rằng cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng, vụ án có nhiều quan hệ tranh chấp, đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm theo hướng hủy án, tách các quan hệ tranh chấp còn lại thành vụ án khác.

Năm 2016, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm, giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm về phần hứa thưởng; hủy các quan hệ tranh chấp khác giao cho TAND TPHCM xét xử lại.

Một năm sau, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, hủy các bản án liên quan để xét xử lại.