Hà Nội:
“Bông hoa thép” của Công an Thủ đô
Khả năng đoán bắt tâm lý và cách xử lý mềm dẻo là “bí quyết” khiến nữ Trưởng công an phường (CAP) luôn giành phần thắng trong các cuộc đấu trí với đối tượng phạm tội. Chị được đồng nghiệp gọi là “bông hoa thép” của Công an Thủ đô.
Tự nhận mình không phải là dân hình sự “gốc” và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh án nhưng với sự nỗ lực, nhạy bén cùng cách xử lý mềm dẻo, Trung tá Khúc Thị Bạch Liên - Trưởng công an phương (CAP) Phúc La, quận Hà Đông đã lập được nhiều thành tích nổi bật, được đồng nghiệp gọi là “bông hoa thép” của Công an Thủ đô - nữ Trưởng CAP duy nhất trong toàn thành phố.
Với những ai chưa từng gặp người Trung tá ấy, có lẽ mọi hình dung đều không giống như những gì khi được gặp mặt. Chị luôn cởi mở, tạo nên sự gần gũi, thân thiện với người đối diện.
Có lẽ cũng vì lý do đó mà những tâm sự về nghề cũng như cuộc sống giữa hai chúng tôi cứ trôi đi một cách tự nhiên, không dè dặt, thận trọng như cách của nhiều người.
Trung tá Liên kể, trước khi giữ cương vị Trưởng CAP Phúc La, chị đã kinh qua một số vị trí công tác. “Mỗi lần điều chuyển là thêm một lần mình có cơ hội đảm nhiệm nhiệm vụ mới, đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng cũng mang lại những trải nghiệm thú vị” - nữ Trưởng CAP Phúc La tâm sự.
Thời gian mới vào ngành, chị từng là cán bộ tổng hợp, sau đó chuyển sang lĩnh vực an ninh. Đến năm 2008, Trung tá Khúc Thị Bạch Liên lần lượt giữ các chức vụ Phó trưởng CAP, Quyền trưởng CAP Văn Quán (Hà Đông) và hiện tại là Trưởng CAP Phúc La.
Chia sẻ về những lợi thế, khó khăn khi “phái yếu” đảm đương công tác chỉ huy, chị cười, tâm sự: Nhiệm vụ mới luôn có nhiều bỡ ngỡ, đòi hỏi phải dành nhiều thời gian cho công việc.
Nhưng may mắn vì có bố, mẹ và cả chồng cùng trong ngành công an nên chị luôn nhận được sự cảm thông, xem đó là hậu phương để toàn tâm cho nhiệm vụ. Cởi mở trò chuyện, Trung tá Liên kể, trước khi làm chỉ huy, công việc của chị hầu như ít khi phải tiếp xúc với súng ống, dao kiếm.
Vì thế làm sao để ngăn chặn, phân biệt đối tượng phạm tội, côn đồ hung hãn trong đám đông hàng chục người xuất hiện tại hiện trường là điều không đơn giản. Qua nghiên cứu, học hỏi đồng chí, đồng đội và đặc biệt là kinh nghiệm từ chồng khi còn là cảnh sát hình sự đã giúp chị nhanh chóng làm quen với công việc, giải quyết mau lẹ các tình huống.
“Được làm “sếp” là vinh dự nhưng vì là nữ nên áp lực cũng nhiều hơn” - Trung tá Khúc Thị Bạch Liên cho biết khi nhận quyết định bổ nhiệm, chị luôn trăn trở phải làm sao để khẳng định bản thân, tạo được uy tín với đồng nghiệp và đặc biệt là nhân dân.
Và rồi, từ việc nhận ra sức mạnh phong trào và công tác vận động thuyết phục là yếu tố căn bản để đảm bảo ANTT địa bàn nên nữ Trưởng CAP đã áp dụng chính những lợi thế đặc thù của “phái yếu” vào công tác chuyên môn.
Đồng đội cũ của Trung tá Liên ở CAP Văn Quán kể lại, cách đây vài năm, khi nhiều nhóm đối tượng thường chọn khu vực hồ Văn Quán làm nơi giải quyết mâu thuẫn. Có lần các bên đã thủ sẵn hung khí, dàn trận để thanh toán nhau nhưng thấy chị Liên “tàu điện ngầm” (biệt danh của Trung tá Liên từ hồi trẻ) là tất cả đều bỏ chạy.
Tìm hiểu mới biết, trong những năm là Phó CAP phụ trách mảng CSKV, chị đã cùng đồng đội trực tiếp cảm hóa, giúp đỡ nhiều đối tượng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng; bắt hàng loạt “anh chị” giang hồ có tiếng.
Khả năng đoán bắt tâm lý và cách xử lý mềm dẻo cũng là “bí quyết” khiến nữ Trưởng CAP này luôn giành phần thắng trong các cuộc đấu trí với đối tượng phạm tội. Như vụ án trộm cắp vừa xảy ra mới đây, đối tượng vừa phá khóa để “nhảy xe” thì bị người dân phát hiện.
Trước khi bị bắt giữ, đối tượng đã nhanh chóng tẩu tán tang vật và sau đó một mực không thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Suốt nhiều giờ đồng hồ đấu tranh, đối tượng luôn ngoan cố, thể hiện rõ bản chất lưu manh chuyên nghiệp.
Trước tình huống này, Trung tá Liên quyết định quay lại hiện trường vụ án, dựa vào lời khai nhân chứng để hình dung lại quá trình đối tượng thực hiện hành vi, mặt khác cũng tổng hợp các thông tin liên quan đến tên trộm. Nhờ nắm rõ bản chất sự việc và nhân thân đối tượng nên sau gần một giờ trò chuyện, đồng chí Trưởng CAP đã thuyết phục đối tượng trộm cắp thừa nhận hành vi…
Vẫn giống như những lần trò chuyện vội vàng trước đó, lần này, tôi đã ấp ủ nhưng rút cuộc vẫn chẳng có đủ thời gian để nghe chị kể hết về những màn rượt đuổi hay các tình huống “tay bo” với đối tượng manh động. Chị gấp rút đến hiện trường để giải quyết sự vụ vừa được nhân dân cấp báo.
Tôi chỉ biết hỏi câu cuối cùng: 8-3, chị và các nữ công an mong ước gì? Chị nhoẻn miệng cười, bước lên cabin chiếc xe cảnh sát đang nổ máy nói vọng lại: “Thật nhiều lời chúc dí dỏm của cánh mày râu và một bữa cơm bếp liên hoan cùng với tất cả chị em trong đơn vị”.