Bỏ mặc sản phụ, tài xế có bị xử lý hình sự?
(Dân trí) - Theo các luật sư, việc tài xế đuổi sản phụ xuống xe giữa đường dẫn đến cháu bé vừa sinh ra tử vong có cơ sở để khởi tố hình sự về tội vô ý làm chết người; hoặc tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Vụ việc sản phụ V.T.Y. (ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) chuyển dạ, được gia đình thuê xe chở đến bệnh viện nhưng lại bị tài xế bỏ rơi dọc đường đi, sau đó cháu bé sơ sinh tử vong đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Gia đình chị Y. cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên xuất phát từ hành vi từ chối chở sản phụ đến bệnh viện của tài xế ô tô.
Liên quan vấn đề pháp lý, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng nếu muốn làm rõ đến cùng sự việc, gia đình nên đề cập rõ mong muốn, nguyện vọng đến cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là cơ quan công an. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ, xem xét về căn cứ khởi tố hình sự.
"Với sự hợp tác từ phía gia đình, cơ quan công an có thể tiến hành xác minh nguyên nhân cháu bé tử vong (do tài xế bỏ rơi dẫn đến hậu quả không cấp cứu kịp thời hay còn nguyên nhân khác?), ý chí của tài xế khi vụ việc xảy ra… Nếu có đủ căn cứ chứng minh nguyên nhân chính khiến cháu bé tử vong là do tài xế từ chối đưa sản phụ đi bệnh viện hay tài xế thừa nhận tội lỗi thì pháp luật có thể xem xét yếu tố hình sự trong hành vi vô ý làm chết người" - luật sư Vũ nhấn mạnh.
Theo các luật sư, ngoài tội vô ý làm chết người quy định tại điều 128 Bộ Luật Hình sự 2015 (mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm) như luật sư Vũ đề cập, trong trường hợp này, hành vi của tài xế Nhạc phạm vào tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của điều 132 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo tội danh này, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
“Thời điểm tài xế yêu cầu sản phụ xuống xe, dù thai nhi chưa được sinh ra nhưng phải hiểu rằng, người nguy kịch đến tính mạng là hai mẹ con. Không thể nghĩ rằng thai nhi chưa ra đời thì không được tính là một sinh mạng, và việc tài xế bỏ mặc gây nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con sản phụ dẫn đến cháu bé sơ sinh tử vong sau khi sinh thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TPHCM) nhấn mạnh.
Một thẩm phán TAND TPHCM thì cho rằng: khó truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi của tài xế mặc dù về mặt đạo đức rất đáng lên án. Bởi lẽ, tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng quy định: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt…
Theo đó, để xử lý tài xế về tội này thì nạn nhân (bị chết) ở đây phải là người mẹ, tức chị Y.. Mặt khác, lúc tài xế rời đi đứa bé chưa được sinh ra, chỉ là thai nhi và không phải là một con người cụ thể nên không phải là đối tượng được điều chỉnh theo điều luật nêu trên. Nếu cháu bé đã được sinh ra mà tài xế bỏ mặc hai mẹ con dẫn đến một trong hai người bị tử vong thì khi đó mới xử lý hình sự được.
Đồng thời, vị thẩm phán này cũng đề xuất TAND Tối cao cùng các cơ quan tố tụng trung ương nên có văn bản hướng dẫn cụ thể về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng để điều chỉnh trường hợp này cho phù hợp.
Xuân Duy