1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bộ Công an đề xuất trừ điểm GPLX, mỗi người có 12 điểm/năm

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Bộ Công an, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông hiện nay còn kém, đặc biệt là trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới, Bộ Công an đã có dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung của dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX). Dự luật trình Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 6 không có quy định này, tuy nhiên, sau khi nhận ý kiến góp ý từ đại biểu Quốc hội, Bộ Công an thấy "việc quy định điểm, trừ điểm GPLX vào dự luật là cần thiết".

Bộ Công an lý giải, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông hiện nay còn kém, đặc biệt là trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Theo đề xuất, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe, và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX. Dự kiến mỗi người sẽ có 12 điểm/năm.

Quy định này được đánh giá tích cực, giúp nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, đồng thời là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an đề xuất trừ điểm GPLX, mỗi người có 12 điểm/năm - 1

(Ảnh minh họa: Đ.X.).

Theo Bộ Công an, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông hiện nay diễn ra rất phổ biến; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém.

Tính trung bình hàng năm, lực lượng CSGT xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm. Dù tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Mặt khác, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay bị buông lỏng. Cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.

Việc đưa ra quy định này trong dự thảo là kết quả của quá trình nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế.

Theo Bộ Công an, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông…

Bộ Công an lưu ý, cần hiểu trừ điểm giấy phép lái xe sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

Qua đó, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm và tái phạm.

Từ đó tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Về việc trừ điểm đối với các lỗi hành vi, Bộ Công an cho biết khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao.

Mức trừ điểm cụ thể trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu quy định cụ thể, đảm bảo không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp giấy phép lái xe còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện, sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi số điểm ban đầu.

"Việc này không tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân, vẫn quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe…", Bộ Công an cho hay.